Putin: Nga phát triển vũ khí xuyên thủng lá chắn tên lửa

11/11/2015 09:09
Nguyễn Hường
(GDVN) - Ông Putin tuyên bố rằng Nga đang phát triển vũ khí tấn công có thể xuyên thủng lá chắn phòng thủ tên lửa của các đối thủ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 10/11 cáo buộc Mỹ cố gắng "trung hòa tiềm năng hạt nhân của Nga" và thúc đẩy kế hoạch triển khai lá chắn phòng thủ tên lửa ở châu Âu cũng như hứa hẹn các biện pháp phản ứng.

"Những báo cáo cho rằng mối đe dọa hạt nhân từ Iran và Bắc Triều Tiên chỉ là vỏ bọc cho mục đích thực sự (triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO). Nó nhằm để trung hòa tiềm năng hạt nhân của các quốc gia hạt nhân khác không phải là Mỹ hoặc các đồng minh của mình - chủ yếu là Nga. Mỹ đang cố giành ưu thế chiến lược", ông Putin nói trong cuộc họp ở Sochi.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh RT
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh RT

Theo Tổng thống Nga, Iran đã đồng ý tham gia thỏa thuận hạt nhân bước ngoặt với các cường quốc hồi tháng 7. Thỏa thuận này sẽ giúp gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đã làm tê liệt nền kinh tế của nước này đổi lấy những hạn chế nghiêm trọng về chương trình hạt nhân của Tehran, tờ RT của Nga bình luận.

Tuy nhiên, khi vấn đề Iran đã được sắp xếp ổn thỏa, phương Tây vẫn tiếp tục thúc đẩy chương trình phòng thủ tên lửa của mình, ông Putin nói và cam kết sẽ có "các biện pháp ứng phó cần thiết bằng cách tăng cường hệ thống phòng thủ của riêng mình".

Phát biểu tại hội nghị, ông Putin tuyên bố rằng Nga đang phát triển vũ khí tấn công có thể xuyên thủng lá chắn phòng thủ tên lửa của các đối thủ.

Trong ba năm qua, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã chế tạo và thử nghiệm một loạt các vũ khí có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng, Tổng thống Putin nhấn mạnh.

Trong tháng 6, ông Putin tuyên bố sẽ bổ sung thêm 40 tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới cho kho vũ khí hạt nhân của Nga trong năm nay.

Động thái này, theo ông Putin, là do Mỹ đã bỏ qua mối quan ngại của Moscow về hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO.

Trong cuộc họp báo với giới truyền thông sau cuộc họp ở Sochi, thư ký báo chí của ông Putin, Dmitry Peskov, nhấn mạnh rằng chi phí triển khai các loại vũ khí chiến lược mới của Nga sẽ không "quá đắt" như Mỹ.  

Phản ứng trên của Nga xuất hiện sau khi tháng trước, 9 thành viên NATO đã tiến hành thử nghiệm chung hệ thống tên lửa Aegis trong cuộc tập trận ở ngoài khơi bờ biển Scotland. 

Vài ngày sau đó, Mỹ tiến hành thử nghiệm tên lửa phòng thủ đa tầng ở Thái Bình Dương với chi phí lên tới 230 triệu USD.

Kế hoạch xây dựng hệ thống lá chắn tên lửa ở châu Âu là nguyên nhân chính dẫn tới những căng thẳng và rạn nứt trong quan hệ giữa Moscow và Washington. 

Washington cho rằng hệ thống này được phát triển nhằm bảo vệ các thành viên của NATO tại châu Âu trước các mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên và Iran. Tuy nhiên, Moscow tin rằng nó được thiết kế nhằm vào Nga và là mối đe dọa chính đối với an ninh của mình.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2008, Tổng thống Barack Obama đã thay đổi kế hoạch, nhưng chỉ làm tăng tính hiệu quả chứ không thay đổi mục đích triển khai hệ thống này. 

Hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu dự kiến sẽ đi vào hoạt động đầy đủ trong đầu thập kỷ tới. Hệ thống này bao gồm các tàu trang bị hệ thống Aegis ở Tây Ban Nha; tháp phòng không ở Romania và Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức; hệ thống radar ở các quốc gia khác./.

Nguyễn Hường