Câu chuyện tích hợp môn Lịch Sử vào một môn học mới có tên "Công dân với Tổ quốc" mấy ngày qua vấp phải sự phản ứng gay gắt từ dư luận xã hội và nhiều nhà chuyên môn trong ngành sư phạm, các nhà nghiên cứu lịch sử.
Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà sử học Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã chỉ ra rằng đang có một lối tư duy "vô Chính phủ".
Thưa ông, việc học sinh không lựa chọn môn Sử như thời gian qua, trách nhiệm thuộc về đâu?
Ông Dương Trung Quốc: Trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ Giáo dục là đơn vị thực hiện chủ trương. Chúng ta không thể trách học sinh khi các cháu rất thực tế và thấy rằng tất cả các hệ thống giáo dục không coi môn Sử ra gì.
Tại sao Bộ Giáo dục không tập trung đổi mới môn Sử? Tại sao lại cứ thấy khó là bỏ, phải tìm ra cái mới mà chưa biết cái mới là cái gì, cái đó là cái đáng lo nhất. Nhất là giáo dục, đừng coi đây là một nơi thử nghiệm cho những dự án mà phải hết sức thận trọng.
Tôi không yên tâm khi thấy cách làm của Bộ Giáo dục. Điều đó được thể hiện trên nhiều lĩnh vực khác chứ không chỉ lĩnh vực này.
Ông Dương Trung Quốc nói thẳng, đừng biến học sinh thành vật thí nghiệm. ảnh: Ngọc Quang. |
Môn Sử nói riêng và đặt trong bối cảnh hiện nay đang đứng trước nhu cầu cần phải thay đổi. Nó vừa là sự tích tụ của những bất cập trong quá khứ và cũng là sự đòi hỏi đổi mới trước sự hội nhập mạnh mẽ.
Người ta nói nhiều về Nghị quyết 29 đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục, nhưng cũng không thể không dựa trên thực tiễn. Môn Sử đã bộc lộ những bất cập cách đây 20 năm. Học sinh không thích học môn Sử và dần dần quay lưng lại với môn học này, tình trạng thì ngày càng nặng thêm và chúng ta đã thấy rất rõ hậu quả thể hiện ra ngày hôm nay là chỉ còn rất ít học sinh đăng ký thi môn Sử.
Có lần tôi đã nói rằng, nếu xã hội mà trả lương cao cho những người có kiến thức lịch sử thì chắc các em sẽ ứng xử khác.
Và cũng từ chính điều đó chung ta phải tìm ra một bước đi mới, mà đầu tiên là phải đặt vấn đề củng cố lại day và học môn Sử. Nhưng tôi thấy là dường như Bộ Giáo dục không thực sự quan tâm, và khi sự việc trở nên trầm trọng thì họ tìm một lối thoát là dựa vào nghị quyết của Trung ương tăng cường tích hợp các bộ môn, giảm thiếu gánh nặng học cho học sinh.
Thay đổi từ chỗ nhồi nhét kiến thức đến chỗ tạo dựng năng lực con người. Những chuyện đó thì chúng ta hết sức hoan nghênh. Nhưng sở dĩ môn Sử tạo ra hiệu ứng trong dư luận xã hội là vì khi đưa ra một dự án giải quyết môn Sử quá đơn giản. Cho dù nói rằng tôn trọng môn lịch Sử, nhưng thực tế cho lựa chọn thì học sinh vẫn cứ không chọn thi môn Sử nữa.
Sau khi vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia giáo dục lo lắng môn Sử sẽ biến mất nếu đưa vào môn học tích hợp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát đi thông tin rằng không những học sinh được học môn lịch Sử mà sẽ học nhiều hơn?
Ông Dương Trung Quốc: Cho đến bây giờ chưa ai hiểu môn học tích hợp mà Bộ Giáo dục định gộp vào trong đó có tên “Công dân Tổ quốc” là cái gì? Gộp lại thì nó sẽ ra sao? Nếu chúng ta chấp nhận điều đó thì sẽ dẫn tới cái gì?
Việc tích hợp thì phải bàn kỹ, vì thực tế vừa qua khi đưa ra hội thảo thì mỗi người hiểu theo một ý. Đấy là tôi còn chưa nói đến việc đổi tên môn học An ninh Quốc phòng, nhét vào một môn mới thì thế nào? Đừng nhân danh cái chuyện ấy để rồi vượt qua tất cả các giới hạn.
Bao giờ mới hết chuyện vung tay quá trán, ăn bám, không biết xấu hổ? |
Ông Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói rằng trong luật không có tên gọi các bộ môn, trong khi đó nếu mở văn bản thì có nói rất rõ.
Cứ nói lấy được như thế tôi cho rằng đó là thái độ không thiện chí và sẽ khó dẫn tới thành công.
Chúng tôi không nghĩ rằng vì chúng tôi làm sử nên đề cao môn Sử, vì còn rất nhiều môn khác đều quan trọng. Chúng tôi chỉ lưu ý rằng, trong bối cảnh hiện nay thì việc buông lơi môn Sử sẽ gây ra những hệ lụy lâu dài.
Tôi mong muốn dư luận xã hội góp phần giúp Bộ Giáo dục tìm ra một giải pháp tốt nhất ủng hộ Bộ Giáo dục thực hiện Nghị quyết của Trung ương, nhưng cũng phải trên cơ sở sát với thực tế.
Chúng ta thấy rất nhiều thất bại của ngành giáo dục chính là vì anh rất chủ quan, anh cứ cho rằng đấy là lĩnh vực riêng của mình mà quên mất rằng những điều chỉnh ấy có ảnh hưởng không chỉ với xã hội ngày hôm nay mà cả trong tương lai nữa.
Vậy theo ông, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên làm thế nào để có thể đạt được kết quả tích cực nhất?
Ông Dương Trung Quốc: Trước hết nên đầu tư, quan tâm tới môn Lich sử. Việc tích hợp, cần ra những phương thức mới tôi rất ủng hộ, nhưng đó phải là bước đi hết sức thận trọng, chứ không đơn giản là giao cho một nhóm giao cho một dự án rồi lập tức đưa ra ý kiến theo lối thích làm thế này thế kia.
Tôi nói thí dụ ứng xử với môn học Giáo dục Quốc phòng an ninh chẳng hạn. Nó trở thành một đạo luật riêng chứ chưa nói tới môn khác trong Luật Giáo dục
Môn Giáo dục quốc phòng an ninh nó là một môn riêng được quy định trong luật, chứ tôi chưa nói những môn khác trong Luật Giáo dục.
Anh xóa bỏ nó có phải dễ đâu mà lại bảo rằng tích hợp vào trong này. Những cái tư duy kiểu ấy là tư duy vô Chính phủ. Tôi nói rất thật đấy. Mặc dù luật pháp chúng ta làm ra nhưng phải có quy trình và trước hết phải có thái độ nghiêm túc đối với nó chứ không nghĩ đơn giản như vậy.
Nói cho cùng, bây giờ tất cả mọi cái đề chỉ là nghe nhau nói, các ông ấy bảo là tích hợp dạy Sử nhiều lắm nhưng có ai biết thế nào đâu. Kể cả chúng tôi những người làm Sử - một tổ chức nghề nghiệp cũng chưa không hề được hỏi.
Trong buổi hội thảo vừa rồi, chúng tôi đến dự và rất trân trọng phát biểu ý kiến. Tất cả các phát biểu một chiều, nhưng ông Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lên kết luận một kiểu theo ý của mình. Hôm đó không mời báo chí, nhưng ngày hôm sau ông ấy lại xuất hiện phát biểu trên báo chí rằng đó là kết luận của hội nghị. Tôi cho rằng cách làm ấy không minh bạch.
Môn Lịch sử vốn tồn tại lâu nay, nếu cần thay đổi tôi rất ủng hộ, nhưng thay đổi không có nghĩa là bỏ mặc nó. Thực tế, môn học này vẫn còn tồn tại trong chương trình, nhưng thực chất là những người có trách nhiệm đang bỏ mặc nó đấy chứ. Thích học thì học, không thích học thì thôi, chẳng đầu tư gì cho nó cả.
Việc xây dựng chương trình là trách nhiệm của Bộ Giáo dục. Lẽ ra Bộ Giáo dục phải biết tập hợp ý kiến để tìm ra phương thức để khắc phục những hạn chế và có thể sáng tạo ra những cái mới. Còn như hiện nay, không ai biết môn tích hợp ấy nó là cái gì?
Họ nói rằng đây mới là thử nghiệm lấy ý kiến, nhưng thử nghiệm như vậy thì gây ra phản ứng trong dư luận là điều dễ hiểu, thậm chí là cả mất lòng tin nữa chứ không chỉ có phản ứng.
Trân trọng cảm ơn ông!