Trang mạng Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 11 tháng 11 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 10 tháng 11 trả lời phỏng vấn báo chí, trong đó có các vấn đề liên quan đến Biển Đông và ngoại giao láng giềng của Trung Quốc.
Hồng Lỗi - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc |
Về việc ngày 7 tháng 11 tại California Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter đề cập đến tự do đi lại ở Biển Đông và cho rằng Trung Quốc gần đây đã có các hành động thách thức trật tự quốc tế. Hồng Lỗi đã ngang nhiên cho rằng:
"Trật tự quốc tế hiện nay lấy tôn chỉ và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc làm nền tảng, do cộng đồng quốc tế cùng xác lập, nguyên tắc căn bản nhất của nó là các nước tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, đối xử bình đẳng, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Trật tự quốc tế quyết không phải là do cá nhân Mỹ có thể tùy ý định nghĩa. Trung Quốc là người bảo vệ, người xây dựng và người đóng góp của hệ thống quốc tế và trật tự quốc tế, cũng là người bảo vệ kiên định của hòa bình, ổn định khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới, công bằng và chính nghĩa quốc tế. Cộng đồng quốc tế tự có công luận đối với điều này.
Về vấn đề tự do đi lại ở Biển Đông, lập trường của chúng tôi là nhất quán, rõ ràng, không thay đổi. Quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) từ xưa đã là lãnh thổ Trung Quốc, Trung Quốc có quyền tiến hành xây dựng trên lãnh thổ của mình, điều này không gây thiệt hại cho bất cứ nước nào, cũng không ảnh hưởng đến tự do đi lại và bay của khu vực.
Trung Quốc luôn nỗ lực cùng các nước đương sự trực tiếp có liên quan, trên cơ sở tôn trọng sự thực lịch sử và luật pháp quốc tế, thông qua đàm phán, hiệp thương để giải quyết hòa bình các tranh chấp có liên quan, đồng thời chúng tôi sẵn sàng cùng các nước ASEAN bảo vệ hòa bình, ổn định Biển Đông.
Lập trường nói trên của Trung Quốc là hợp tình, hợp lý, hợp pháp, Mỹ không có quyền nói ra nói vào.
Gần đây, Mỹ bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc, cố tình điều tàu chiến đi vào vùng biển phụ cận đá ngầm liên quan của quần đảo Nam Sa, đây là sự phá hoại nghiêm trọng đối với chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, đã làm trầm trọng hơn căng thẳng tình hình khu vực.
Rốt cuộc là ai đang phá hoại trật tự quốc tế, gây ra phiền phức, sự thực đã rất rõ ràng".
Trung Quốc ra sức tiến hành bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự ở Biển Đông |
Về chuyến thăm Việt Nam, Singapoe của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa qua và tổ chức Hội nghị cấp cao Trung-Nhật-Hàn phải chăng có nghĩa là Trung Quốc đang thực hiện một số chính sách mới và có thái độ cởi mở hơn với láng giềng. Hồng Lỗi cho hay:
"Trung Quốc gần đây đã triển khai ngoại giao láng giềng tích cực, nhộn nhịp. Chủ tịch Tập Cận Bình đã thăm Việt Nam và Singapore. Thủ tướng Lý Khắc Cường đã thăm Hàn Quốc và tham dự Hội nghị cấp cao Trung-Nhật-Hàn lần thứ 6.
Ngoại giao láng giềng của Trung Quốc thể hiện cục diện sinh động. Chúng tôi luôn đặt khu vực xung quanh ở vị trí quan trọng hàng đầu trong toàn cục ngoại giao, lấy thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển khu vực xung quanh làm nhiệm vụ của mình.
Chúng tôi và các nước xung quanh phát triển quan hệ là muốn cùng các nước xung quanh xây dựng cộng đồng vận mệnh, cộng đồng lợi ích, Trung Quốc sẵn sàng nhìn thấy các nước xung quanh nắm lấy cơ hội từ sự phát triển của Trung Quốc, cùng thúc đẩy hữu nghị láng giềng, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, đem lại lợi ích cho nhân dân khu vực.
Đồng thời, trong quá trình phát triển quan hệ với các nước liên quan, chúng tôi cũng nhấn mạnh, cần nắm chắc phương hướng đúng đắn của quan hệ song phương.
Chẳng hạn phát triển quan hệ Trung-Nhật, chúng tôi kiên trì muốn 'lấy lịch sử làm gương, hướng tới tương lai'. Phát triển quan hệ Trung-Việt, chúng tôi nhấn mạnh cần xử lý thỏa đáng và quản lý, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không để nó ảnh hưởng đến đại cục quan hệ song phương".
Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông |
Từ những tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, xin có một vài lời bình luận:
Các nước tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau là một nguyên tắc đúng đắn của Hiến chương Liên hợp quốc và Hồng Lỗi đã nói rất hay. Nhưng nói và làm là hai chuyện khác nhau.
Sự thực là, mọi bằng chứng lịch sử và pháp lý (kể cả của Trung Quốc) đều khẳng định rõ ràng với cộng đồng quốc tế rằng, cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, Trung Quốc không có chủ quyền đối với các đảo đá ở bên dưới đảo Hải Nam.
Mọi bằng chứng đều cho thấy, Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm lược các đảo đá của Việt Nam vào các năm 1956, 1974, 1988, 1995… Đây là những hành động bất chấp luật pháp quốc tế, đã làm người Việt phải đổ máu và là nỗi thương đau đó khó có thể nguôi ngoai khi chưa thu hồi được quần đảo Hoàng Sa và các thực thể do Trung Quốc chiếm ở Trường Sa, đưa non sông về một mối.
Trung Quốc đã không có chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì không ai có thể tôn trọng “chủ quyền bất hợp pháp” của Trung Quốc, Trung Quốc cũng không có quyền xây dựng bất cứ thứ gì trên đó, chưa nói gì đến các hành động bành trướng quân sự nguy hiểm đe dọa láng giềng, khu vực và quốc tế.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa thăm Việt Nam và nói những lời có cánh về quan hệ hai nước, nhưng ngay sau khi rời Việt Nam, tại Singopore, ông Bình lại tuyên bố kiên quyết bành trướng ở Biển Đông. |
Việc lấy danh nghĩa cung cấp sản phẩm an ninh công cho cộng đồng quốc tế, thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế (nước lớn) chỉ là cái cớ được đưa ra một cách hết sức lố bịch và kệch cỡm, không ai có thể chấp nhận được, mục đích của nó là lừa đảo thiên hạ để xác lập chủ quyền bất hợp pháp ở Biển Đông. Nhưng sẽ chẳng có nước nào hùa theo yêu sách vô lý này.
Trung Quốc đòi yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” chiếm gần 90% diện tích Biển Đông, ăn sâu vào cả vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước ven Biển Đông, thậm chí cho giàn khoan cắm xuống đòi hút dầu khí của nước khác, dùng hàng đàn tàu chiến, máy bay quân sự đe dọa vũ lực… là những đòi hỏi và hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, không ai có thể chấp nhận được.
Không có chủ quyền thì đã không có quyền đòi hỏi. Nhưng kể cả nếu nó có chủ quyền thật đi chăng nữa thì cũng không thể đòi hỏi quá mức, cụ thể như đá ngầm thì không thể có lãnh hải 12 hải lý…
Do đó, việc Trung Quốc đang ra sức tiến hành bành trướng lãnh thổ, bành trướng quân sự không phải là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia của Việt Nam cũng như hòa bình, an ninh và ổn định khu vực hay sao? Những hành động của Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế không phải là đang phá hoại trật tự quốc tế hay sao?
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani vừa đến thăm Việt Nam, ông đã đến thăm vịnh Cam Ranh. Hai bên đạt thỏa thuận cho tàu chiến Nhật cập cảng Cam Ranh |
Trung Quốc còn dám nói là cần “tôn trọng sự thực lịch sử và luật pháp quốc tế”, vậy Trung Quốc nên tôn trọng chính lịch sử của họ ở Biển Đông. Ít nhất là các sách sử, bản đồ chính thống của Trung Quốc, thể hiện rõ nhất ở triều đại cuối cùng - nhà Thanh không hề coi các đảo đá ở Biển Đông thuộc chủ quyền của mình, mà khẳng định, đảo Hải Nam là cực nam của Trung Quốc.
Dư luận cho rằng, Trung Quốc thực sự đang tìm cách giải thích sai Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, và tìm cách áp đặt ý chí của mình dựa trên thực lực kinh tế và sức mạnh quân sự. Đó không phải là cách chơi của những người văn minh.
Trung Quốc dám nói đến luật pháp quốc tế thật đáng buồn cười. Bởi vì, một nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc mà lại không dám tham gia vụ kiện ở Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc với một nước nhỏ như Philippines.
Việc Trung Quốc đưa ra nhiều “sáng kiến” mới, nào là cộng đồng vận mệnh, nào là quan niệm an ninh châu Á mới, nào là quan hệ quốc tế mới, quan hệ nước lớn kiểu mới… Nội hàm nhìn thấy rất hay, nhưng đằng sau đó lại là một loạt vấn đề phức tạp và không tránh khỏi nghi ngờ, nhất là khi Trung Quốc vẫn tìm cách bành trướng ra khu vực xung quanh, trong đó có bành trướng Biển Đông.
Người ta nghi ngờ rằng, liệu có thực sự bình đẳng trong quan hệ với Trung Quốc? Cái gì đã làm cho hai hội nghị cấp cao của ASEAN gần đây không ra được Tuyên bố chung? ASEAN làm thế nào để thực sự đoàn kết, xây dựng cộng đồng?
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong Lễ diễu binh kỷ niệm tròn 60 năm thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam |
Trong quan hệ Việt-Trung, Trung Quốc nói cần “xử lý thỏa đáng và quản lý, kiểm soát bất đồng trên biển, không để ảnh hưởng đến đại cục quan hệ song phương” không có nghĩa là để Trung Quốc thích làm gì thì làm với yêu sách bành trướng “đường lưỡi bò”, không có nghĩa là Việt Nam ngồi yên đó, không đưa ra bất cứ phản ứng gì, không tập trung thúc đẩy giải quyết vấn đề trên biển giữa hai bên, không tìm mọi đối sách có hiệu quả để bảo vệ chủ quyền hợp pháp và thiêng liêng của mình.
Nhìn vào toàn bộ những tuyên bố của Trung Quốc gần đây thực sự đã nhìn thấy rõ bản chất của Trung Quốc: Trung Quốc đã quyết bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự ở Biển Đông theo yêu sách “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò). Nhưng đó chỉ là ý muốn, còn có thực hiện được hay không lại là một chuyện khác.
Việt Nam đã tuyên bố rõ ràng, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam dựa trên các bằng chứng lịch sử và pháp lý đầy đủ, chặt chẽ. Việt Nam cũng có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển.
Việt Nam sẽ kiên quyết đấu tranh với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, bảo vệ những quyền lợi biển dựa trên luật pháp quốc tế.
Mục tiêu đã rõ ràng, đối tượng đấu tranh cũng đã rõ ràng, vấn đề là kiên quyết và nhanh chóng hành động, đồng thời hành động bảo vệ chủ quyền cần phát huy sức mạnh tổng hợp trên mọi mặt trận, cả chính trị, ngoại giao, pháp lý, hành chính, quân sự…
Phải kiên quyết chặn đứng mọi mưu đồ và thủ đoạn bành trướng lãnh thổ, bành trướng quân sự ở Biển Đông, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, tránh để xảy ra xung đột, chiến tranh, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Quân đội Việt Nam luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng |