Bỏ hay tích hợp môn Lịch sử: Không cẩn thận sẽ phải trả giá đắt

15/11/2015 07:01
Phạm Xuân Hoàng
(GDVN) - Một khi Sử học được nhìn nhận công bằng và công minh, thì tự nó tri thức lịch sử sinh động là một sự hấp dẫn lớn.

LTS: Những ngày qua dư luận khá lo lắng cho số phận môn Lịch sử khi Bộ GD&ĐT đưa ra Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể dự kiến tích hợp môn Lịch sử với môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng thành môn mới là Công dân với Tổ quốc. 

Liên quan tới chủ đề này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của Ths. Phạm Xuân Hoàng, Nghiên cứu viên tại Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đưa ra nhìn nhận của mình về vấn đề này. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới quý bạn đọc.


Cái lý của dư luận xã hội

Nửa tháng nay, dư luận xã hội từ các vị có chuyên môn sâu về ngành Sử, cho tới các chính khách văn hóa xã hội và nhiều người dân đã lên tiếng lo lắng với số phận của môn Lịch sử trước nguy cơ đề án tích hợp các môn Giáo dục công dân, An ninh quốc phòng và Lịch sử thành một môn học. 

Trước những tranh cãi trái chiều của dư luận, tôi cho rằng, Bộ GD&ĐT cũng đang vào thế tiến thoái lưỡng nan. 

Không hiểu nhóm soạn đề án đã suy nghĩ thấu đáo ở mức độ nào và tham khảo hội chuyên môn cũng như các chuyên gia đến đâu nhưng cho đến nay những ý kiến lên tiếng của khá nhiều người từ giáo giới Lịch sử như GS. Phan Huy Lê, Nhà sử học Dương Trung Quốc, PGS. Vũ Quang Hiển, thầy giáo thạc sỹ Dương Trung Hiếu giáo viên sử ở trường chuyên Phan Bội Châu Nghệ An ... đều lên tiếng không đồng tình với cách làm của Bộ, thậm chí có nhiều nhận xét khá gây gắt.


Rõ ràng là, bấy lâu nay, tình trạng dạy và học Sử đã cấp độ báo động: người học thì chán học, thi kết quả rất thấp, người dạy thì vẫn sáo mòn, theo chương trình giáo trình, nặng về tri thức lịch sử và ít chú trọng bồi dưỡng lòng yêu sử cũng như vận dụng kiến thức lịch sử vào cuộc sống.

Trong khi đó, nhiều người trong xã hội hiểu biết kém về lịch sử dân tộc, thậm chí có một vị có chức sắc của Đà Nẵng phát biểu còn nhầm lẫn núi Ngũ Hành Sơn ở địa phương này đã từng là nơi Phật tổ giam Tôn Ngộ Không!

Chuyện thật mà nghe như đùa! 

Chuyện không chỉ của nhà chuyên môn

Đừng nói là các nhà chuyên môn thì họ phải bênh cái lĩnh vực của họ, giữ cần câu cơm của họ, mà chính họ hơn ai hết là những người trăn trở với lịch sử, làm công việc truyền giảng kiến thức lịch sử, góp phần hình thành những nhân cách con người trong xã hội.

Giá trị của tri thức lịch sử thì đã rõ ràng. Lịch sử là quá khứ, là nơi chứa đựng giá trị văn hóa, là nguồn dữ  liệu để tham chiếu kinh nghiệm cha ông vào sự phát triển hôm nay. Thậm chí, có thể nó là hồn cốt, không có lịch sử không thể hiểu được vị trí của hiện tại, với ý nghĩa đó, lịch sử còn thì văn hóa còn, văn hóa còn dân tộc còn. 

Lịch sử không có lỗi, nó là sự vận hành khách quan, nó có sự kiện oai hùng, nhưng cũng có những bi thương, đó là không thể khác, không ai có thể chọn lịch sử mà nhờ lịch sử nên con người và thời đại được định hình.

Bỏ hay tích hợp môn Lịch sử: Không cẩn thận sẽ phải trả giá đắt ảnh 1

Ông Dương Trung Quốc: "Bộ Giáo dục không minh bạch"

(GDVN) - Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển "nói lấy được" và "không thiện chí" trước các ý kiến tâm huyết của chuyên gia về môn Sử.



Việc giảng dạy Lịch sử chưa thực sự hiệu quả có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên có một nguyên nhân, tôi cho rằng, đó là chúng ta chưa đối xử “công bằng”, “công minh” với lịch sử như điều mà giáo sư sử học Văn Tạo từng có ý kiến. 

Công bằng, công minh chính là thái độ rõ ràng đối với các sự kiện lịch sử để các học sinh cảm thụ được những sự kiện khách quan như nó vốn có, không nhìn chiến thắng một chiều, cũng không cố lý giải nguyên nhân của những sự kiện theo chủ quan của người làm chương trình Sử và dạy Sử.

Có những sự kiện lịch sử, không vì ngoại giao mà ta phải né tránh đến mức tạo ra sự hoài nghi. 

Một khi Sử học được nhìn nhận công bằng và công minh, thì tự nó tri thức lịch sử sinh động là một sự hấp dẫn lớn.

Thực tế và ý nghĩa của môn Lịch sử đòi hỏi việc xây dựng chương trình phải được làm hết sức thận trọng!

Trong thực tế, có nhiều chương trình lúc mới làm chúng ta rất quyết tâm nhưng rồi thực tiễn khiến ta bối rối và cần phải làm lại.

Ví dụ sự tích hợp các môn khoa học chính trị như Triết học, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học thành môn “Những Nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin” là một ví dụ. 

Cái tưởng chừng như lợi đấy lại phát sinh vô vàn sự nhiêu khê. Người học cũng không hề hứng thú hơn, trái lại người dạy trở thành người thầy “đa năng” bất đắc dĩ.

Bỏ hay tích hợp môn Lịch sử: Không cẩn thận sẽ phải trả giá đắt ảnh 2

Chắp vá, gò ép sẽ phá nát chương trình môn lịch sử

(GDVN) - Quan điểm của GS. TS Đỗ Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường đại học Sư phạm Hà Nội khi nhắc tới việc lồng ghép Lịch sử vào các môn khác nhau.

Và trong thế giới hội nhập, ít nhiều nó đang bộc lộ sự khiếm khuyết, ví dụ cả thế giới đều có môn Triết học, Khoa học triết học, thì Việt Nam, Triết học lại nằm lẫn đâu đó tìm mãi mới thấy. 

Một câu hỏi mà các nhà soạn chương trình cần hết sức suy nghĩ đó là tại sao các nước phát triển ở Á Đông và trên thế giới không làm chuyện tích hợp môn Lịch sử, ngay cả các nước tiên tiến như Mỹ, Canada, môn Sử vẫn được coi trọng. 

Mọi sự thiếu nghiêm cẩn hôm nay có thể trả giá đắt cho mai sau, mà hệ lụy có thể trông thấy trước mắt là sẽ tạo ra những thế hệ thiếu tri thức lịch sử một cách hệ thống và bài bản. Vấn đề nằm ở việc tìm giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy thông qua những phương tiện, công cụ và hình thức hấp dẫn hơn.

Môn Lịch sử chính là một phần của cuộc sống, là quá khứ của chúng ta, nó phải có một vị thế xứng đáng trong chương trình giáo dục, mà trước hết đó phải là một môn học độc lập. Nếu tích hợp, môn học có nguy cơ trở nên méo mó.

Đừng nghĩ rằng, hôm nay đã có Internet, có các công cụ tra cứu tiện ích như Google, chỉ cần một cú nhấp với từ khóa là có thể tìm thấy vạn thứ trên đời.

Nếu tư duy như vậy, có lẽ không phải Lịch sử mà mà vạn môn trên đời chỉ cần tuôn vào cái kho Internet khổng lồ để mọi người tự khai thác dần.

Từ góc nhìn của một người nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, tôi thấy rằng, Lịch sử không chỉ là cung cấp cái sự kiện, con số mà là cung cấp chất liệu để tư duy, phát triển tư duy con người. Đó là cái giá trị sâu sắc nhất của môn Lịch sử đối với những thế hệ đã qua, hôm nay và mai sau. 

Bộ GD&ĐT cần hết sức thận trọng. Trước những dư luận xã hội, các chuyên gia của Bộ phải lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn, cần phải khảo sát các nước một cách bài bản hơn, đừng lấy cớ “sáng tạo” hay vì những lợi ích “thực tế” khác mà tích hợp môn Lịch sử ngay tức thì, nếu không khi nhận ra thì e đã quá muộn màng. 

Phạm Xuân Hoàng