Tân Hoa xã chiều tối ngày 13 tháng 11 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trả lời báo chí về việc thảo luận vấn đề Biển Đông ở Hội nghị cấp cao Đông Á và các hội nghị liên quan.
Hồng Lỗi - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc (ảnh minh họa) |
Có phóng viên nêu vấn đề: Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, bà Susan Rice ngày 12 tháng 11 cho biết, Tổng thống Obama tuần tới tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á, Hội nghị cấp cao Mỹ-ASEAN và trong thời gian triển khai hoạt động song phương, vấn đề Biển Đông sẽ trở thành vấn đề trung tâm. Phóng viên đã đề nghị Trung Quốc đưa ra bình luận.
Hồng Lỗi cho rằng: “Hội nghị cấp cao Đông Á và các hội nghị liên quan là diễn đàn quan trọng tập trung vào hợp tác và phát triển của khu vực, không phải là nơi thích hợp để thảo luận vấn đề Biển Đông.
Các nước liên quan cần tôn trọng các nỗ lực bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực Biển Đông của Trung Quốc và các nước ASEAN, tuân thủ cam kết không giữ lập trường của mình trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ liên quan, thận trọng về lời nói và hành động, không thổi phồng vấn đề Biển Đông, không thổi phồng căng thẳng khu vực, không áp dụng các hành động làm căng thẳng khu vực và tiếp tục phức tạp hóa, tránh phát đi tín hiệu sai lầm, kích động quốc gia cá biệt áp dụng nhiều hành động khiêu khích hơn, đe dọa hòa bình, ổn định khu vực”.
Vấn đề Biển Đông sẽ là "vấn đề trung tâm" trong chuyến thăm châu Á sắp tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama |
Ngoài ra, gần đây, các quan chức cấp cao Nhật Bản đã đưa ra nhiều phát biểu liên quan đến vấn đề Biển Đông. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có kế hoạch đưa ra vấn đề Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở các đá ngầm trên Biển Đông tại một loạt các hội nghị cấp cao như Hội nghị thượng đỉnh G20, Hội nghị cấp cao APEC, Hội nghị cấp cao Đông Á.
Ngoài ra, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho rằng, vấn đề Biển Đông liên quan trực tiếp đến hòa bình, ổn định khu vực, là mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.
Đối với vấn đề này, Hồng Lỗi đã nhắc lại “lập trường” của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và lật lọng, đổi trắng thay đen, bịa đặt cho rằng: “Nhật Bản hoàn toàn không phải là nước đương sự của vấn đề Biển Đông. Nhưng, về lịch sử, Nhật Bản từng xâm chiếm quần đảo Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam), sau chiến tranh, Chính phủ Trung Quốc tiến hành ‘thu hồi’.
Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, khi quan hệ ngoại giao Trung-Nhật bình thường hóa, Nhật Bản cam kết tuân thủ các quy định của ‘Thông cáo Potsdam’. Nhật Bản không có quyền nói này nói kia trong vấn đề chủ quyền quần đảo Nam Sa ”.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) cũng rất "kết" vấn đề Biển Đông như Mỹ |
Trên đây là một số tuyên bố gây chú ý của phía Trung Quốc. Trên thực tế, Hội nghị cấp cao Đông Á là một diễn đàn công khai, minh bạch và toàn diện, là nơi để thảo luận các vấn đề kinh tế, chính trị và chiến lược lớn nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại Đông Á. Trong nhiều lĩnh vực hợp tác đã được đưa ra có cả vấn đề an ninh, trong đó có an ninh biển.
Biển Đông là nơi diễn ra các hoạt động kinh tế nhộn nhịp, nơi giao thương tấp nập của khu vực và thế giới; đồng thời đang diễn ra rất nhiều vấn đề, đang trở thành điểm nóng có thể đe dọa đến hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực Đông Á. Do đó, Hội nghị cấp cao Đông Á không thể không thảo luận về vấn đề này.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã thúc đẩy mạnh mẽ việc áp đặt yêu sách bành trướng tham lam và bất hợp pháp có tên “đường lưỡi bò”, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích quốc gia của các nước ven Biển Đông và của các nước liên quan khác, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Hợp tác an ninh là một vấn đề quan trọng của Đông Á, sự phát triển thịnh vượng của khu vực cũng không tách rời hòa bình, an ninh của khu vực. Do đó, thảo luận vấn đề Biển Đông – một điểm nóng, một vấn đề liên quan đến lợi ích thiết thân, an ninh quốc gia của tất cả các nước trong khu vực là hết sức cần thiết và quan trọng, thậm chí mang tính cấp bách khi xét đến tính chất của các mối đe dọa vũ lực đang hiện hữu và gia tăng.
Sau khi xây dựng căn cứ quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc sẽ làm gì và liệu Biển Đông có yên bình hơn hay không? Trung Quốc nói họ xây dựng đảo nhân tạo và các cồng trình ở đó là để "cung cấp sản phẩm an ninh công" cho cộng đồng quốc tế! Thật nực cười! |
Bản thân tham vọng và hành động bành trướng của giới cầm quyền Bắc Kinh là nguyên nhân sâu xa, là nhân tố chính làm phát sinh và không ngừng làm trầm trọng hơn tình hình căng thẳng ở khu vực Biển Đông, đòi hỏi được các nước trong khu vực Đông Á cùng nhau bàn bạc, hợp tác ngăn chặn có hiệu quả, tránh để Biển Đông thành “thùng thuốc súng” nguy hiểm và xảy ra xung đột, chiến tranh đau thương trong tương lai.
Trung Quốc đang tỏ ra mình là “anh chị” và dường như đang muốn “dạy khôn” các nước khác về việc họ phải chơi với bạn như thế nào. Đối với mỗi người, tình bạn và các mối quan hệ xã hội rất quan trọng và chính người đó biết tự kết bạn với ai.
Trung Quốc không cần phải nói ra nói vào về quan hệ giữa các nước với nhau, vì họ luôn biết “chọn bạn mà chơi”, hơn nữa, Trung Quốc có nói ra nói vào thì cũng chẳng làm được gì, chỉ thấy thêm bản chất không hay của họ mà thôi.
Về vấn đề chủ quyền, Việt Nam luôn tuyên bố có đầy đủ bằng chứng pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, không phải vẽ bậy bẽ bạ ra bản đồ, không phải bịa đặt chứng cứ như Trung Quốc.
Hình ảnh những người lính Hải quân Việt Nam kiên quyết đánh trả quân Trung Quốc xâm lược để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là bức tranh tường ở khu công viên tại Vùng 4 Hải quân Việt Nam trên bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. |
Trung Quốc đã không có chủ quyền, nên nó là kẻ đã dùng vũ lực đi ăn cướp vào các năm 1956, 1974, 1988, 1995…, chứ không phải là “thu hồi” dựa trên “Thông cáo Potsdam” như Trung Quốc tuyên bố. Việt Nam cần làm rõ hơn vấn đề này trước cộng đồng quốc tế về sự bịa đặt trắng trợn của Trung Quốc, đồng thời xây dựng một bộ hồ sơ pháp lý vững chắc để đấu tranh với Trung Quốc trong thời gian tới.
Hiện nay, Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến vấn đề Biển Đông là một lẽ tự nhiên. Bởi vì, thứ nhất, Trung Quốc đang đòi chủ quyền đối với đảo Senkaku trong tay Nhật Bản và đang đòi phần hơn vùng đặc quyền kinh tế ở biển Hoa Đông. Nhật Bản có nhu cầu ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc trong vấn đề này.
Thứ hai, tự do hàng hải ở Biển Đông là lợi ích quốc gia của Nhật Bản. Nếu Trung Quốc kiểm soát Biển Đông như yêu sách “đường lưỡi bò”, Nhật Bản sẽ đối mặt với rất nhiều vấn đề cả về lợi ích và an ninh quốc gia.
Ngoài ra, Nhật Bản với địa vị kinh tế của mình, có nhu cầu xác lập vị thế chính trị và vai trò ảnh hưởng quốc tế tương xứng. Bên cạnh đó, còn có nhiều nhân tố khác chưa tính đến. Do đó, vì các lợi ích và an ninh của mình, can dự Biển Đông chắc chắn là chính sách đã định của Nhật Bản.
Quân đội nhân dân Việt Nam luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng |