Tờ “Chine Times” Đài Loan ngày 16 tháng 11 viết về vấn đề Biển Đông cho rằng, việc Mỹ điều tàu khu trục USS Lassen tuần tra Biển Đông là thực sự có ý đồ nhằm vào Trung Quốc, điều này đã làm Trung Quốc đặc biệt tức giận.
Ngày 27 tháng 10 năm 2015, tàu khu trục USS Lassen DDG-82 Hải quân Mỹ đi vào vùng biển 12 hải lý của đá ngầm do Trung Quốc xâm chiếm của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. |
Theo bài báo, từ đầu năm 2014, Mỹ đã chuyển từ thúc đẩy “hậu trường” chuyển sang công khai can thiệp, từ đó xung đột Biển Đông trở thành một cuộc tranh đoạt cường quyền Trung-Mỹ.
Không chỉ lên tiếng phê phán đối với hoạt động xây dựng bất hợp pháp của Trung Quốc, Mỹ còn phô trương sức mạnh răn đe. Tuy nhiên, Trung Quốc đã tổ chức diễn tập quân sự ở Biển Đông, có sự tham gia của máy bay chiến đấu J-11 lắp tên lửa không đối không để phản ứng và thể hiện ý đồ không nhượng bộ, tức là sẽ tiếp tục bành trướng.
Không lâu sau, tại Singapore, Tập Cận Bình cũng ngang nhiên nói không biết ngượng mồm rằng: “Các đảo ở Biển Đông từ thời cổ đại đã là lãnh thổ Trung Quốc”, đòi Mỹ “cần tôn trọng các nước châu Á muốn xây dựng môi trường hòa bình và ổn định”.
Bài báo cho rằng, đến nay, chính sách Biển Đông của Mỹ vẫn không thay đổi, vẫn nhấn mạnh “không giữ lập trường cụ thể” và quan tâm đến tự do đi lại ở Biển Đông, qua đây muốn ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc về quân sự, tránh ảnh hưởng đến cục diện chiến lược của Đông Á, tiến tới làm suy yếu vị thế lãnh đạo của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.
Trung Quốc ra sức tiến hành bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự ở Biển Đông |
Bài báo cho rằng, Mỹ khó ngăn chặn việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng (bất hợp pháp) ở các đảo đá trên Biển Đông, lại không muốn dễ dàng nhượng bộ đối với Trung Quốc, tìm kiếm “đối thoại” sẽ trở thành con đường tất yếu tránh mở rộng xung đột song phương.
Sau khi tàu khu trục USS Lassen Mỹ tuần tra Biển Đông, giữa Trung-Mỹ đã diễn ra rất nhiều cuộc gặp và hội đàm giữa các quan chức cấp cao của quân đội hai nước.
Chẳng hạn giữa Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ John Richardson và Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi (ngày 29 tháng 10), giữa Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Harry Harris với các quan chức cấp cao Quân đội Trung Quốc vào đầu tháng 11,
giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 3 tháng 11 năm 2015 |
Tuy nhiên, hai bên vẫn “mỗi người một phách” khi nói về vấn đề Biển Đông, thậm chí các quan chức Mỹ đã cho biết, yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là “không đứng vững” và Mỹ không chấp nhận yêu sách đó.
Để đảm bảo tự do đi lại, Mỹ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xây dựng đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc bỏ ngoài tai. Hơn nữa, Trung Quốc lại áp dụng chính sách đối đầu để thể hiện quyết tâm bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự.
Có dấu hiệu cho thấy, cuộc chiến “thần kinh” phán đoán ý chí của nhau giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục, Mỹ thậm chí có thể sẽ định kỳ cho máy bay quân sự đi vào vùng trời các đảo đá trên Biển Đông. Tuy nhiên, giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn có “lợi ích chung rất lớn”, tranh chấp cần giới hạn trong phạm vi có thể kiểm soát.
Theo bài báo, Mỹ không phải là nước tranh chấp chủ quyền trực tiếp đối với các hòn đảo ở Biển Đông, mục tiêu chiến lược của Mỹ chủ yếu là bảo vệ sự cân bằng quân sự, tránh nổ ra xung đột khu vực, đồng thời duy trì vai trò là người cân bằng chiến lược châu Á-Thái Bình Dương.
Mục tiêu của Bắc Kinh lại là “bảo vệ lợi ích cốt lõi” (quyết bành trướng lãnh thổ, bành trướng quân sự ở Biển Đông theo yêu sách tham lam “đường lưỡi bò” bất hợp pháp), đề phòng các cuộc xung đột tiềm tàng ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện “giấc mơ Trung Quốc”.
Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Quân đội Mỹ, Đô đốc Harry B Harris tại Bắc Kinh ngày 3 tháng 11 năm 2015 |
Theo bài báo, Trung Quốc và Mỹ thực sự không muốn chơi một cuộc chiến sống mái ở Biển Đông, hai bên cũng có khả năng quản lý, kiểm soát khủng hoảng, không có lý do tiến hành đối đầu không hạn chế.
Trung Quốc và Mỹ cần xây dựng cơ chế đối thoại đề phòng xảy ra xung đột ngẫu nhiên, dù sao, hiện nay, trên thế giới có quá nhiều vấn đề an ninh cần có sự hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ để giải quyết.
Bài báo cho rằng, tồn tại mâu thuẫn trong cách làm của Mỹ. Bởi vì, Mỹ đã vội vã tiến hành đối thoại, làm dịu sự đối lập với Trung Quốc sau khi điều tàu chiến tuần tra đảo nhân tạo ở Biển Đông. Song, Mỹ cũng đã thúc đẩy đưa vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng, điều này bị Trung Quốc ngăn cản.
Nếu Mỹ thực sự mở ra một chiến trường khác ở APEC để bàn về vấn đề Biển Đông, chắc chắn sẽ làm gia tăng sự đối đầu với Trung Quốc.
Theo bài báo thì Trung Quốc có thể vì vậy mà tiến hành nhiều hành động bành trướng và bất hợp pháp hơn như “đẩy nhanh triển khai lực lượng quân sự ở các đá ngầm trên Biển Đông, hoặc tuyên bố đường cơ sở lãnh hải quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam), thậm chí không loại trừ khả năng lập ra Vùng nhận dạng phòng không Biển Đông”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp nói về vấn đề Biển Đông tại các hội nghị khu vực |
Đây là bài báo của Đài Loan, nhưng lại tỏ ra thân Bắc Kinh, cho rằng, Biển Đông vài năm trước vốn yên ả, nhưng chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ đã làm thay đổi trạng thái chiến lược của các vùng biển xung quanh. Mỹ tiếp tục áp sát Trung Quốc sẽ gây ra hậu quả là: “sẽ đẩy nhanh phá vỡ hòa bình, an ninh và phồn vinh trước đây của Đông Á”.
Tuy nhiên, tờ “Vượng báo” này quên rằng, mầm họa, nguyên nhân sâu xa, chủ yếu và trực tiếp gây ra căng thẳng Biển Đông hiện nay và khả năng nổ ra xung đột, chiến tranh ở Biển Đông trong tương lai chính là mọi âm mưu và hành động, thủ đoạn áp đặt yêu sách bành trướng “đường lưỡi bò” của Trung Quốc dựa trên một bản đồ vẽ bậy từ một người Đài Loan.
Đó là một yêu sách cực kỳ lố bịch ngay khi bạn chỉ cần nhìn vào bản đồ khu vực hay bạn nhìn nhận các hành động bành trướng bất hợp pháp của Trung Quốc dưới góc độ của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế sẽ không bao giờ thừa nhận yêu sách đó.