Hãng tin BBC Anh ngày 16 tháng 11 đưa tin, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến thủ đô Manila của Philippines tham dự Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tổ chức từ ngày 17 đến ngày 19 tháng 11,
dự kiến tranh chấp chủ quyền Biển Đông và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là hai trọng điểm lớn của hội nghị. Trong khi đó khả năng tiến hành "giao tranh" giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ cũng đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận.
Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp nói về vấn đề Biển Đông tại các hội nghị khu vực |
Tranh chấp chủ quyền Biển Đông mãi chưa thể giải quyết, trái lại có dấu hiệu nóng lên. Tuần trước, hai máy bay ném bom chiến lược B-52 Quân đội Mỹ lần lượt bay qua vùng biển gần đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông, trở thành một cuộc đối đầu mới giữa hai bên Trung-Mỹ trong vấn đề này.
Trung Quốc lấy một tấm bản đồ vẽ bậy "đường 11 đoạn" của một người Đài Loan rồi áp ý chí bành trướng lãnh thổ của mình vào đó, từ đó đòi hỏi chủ quyền đối với gần 90% diện tích Biển Đông – đó là lòng tham hết sức lố bịch và bất hợp pháp.
Gần đây, Trung Quốc tìm các đẩy mạnh hiện thực hóa yêu sách vớ vẩn này khi triển khai xây dựng bất hợp pháp và quy mô lớn các đảo nhân tạo và các tiền đồn quân sự ở Biển Đông. Điều này đã gây bất mãn mạnh mẽ cho các nước ven Biển Đông.
Tuy nhiên, trong một chuyến thăm chớp nhoáng tới Manila của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã cam kết rằng, Philippines sẽ tập trung vào hợp tác kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương ở Hội nghị cấp cao APEC lần này, sẽ không đưa vào vấn đề tranh chấp chủ quyền.
Máy bay ném bom chiến lược B-52 Mỹ vừa bay tự do ở vùng trời Biển Đông |
Mặc dù Philippines cam kết sẽ không đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự thảo luận của hội nghị cấp cao, nhưng các học giả cho rằng, tranh chấp chủ quyền vẫn sẽ thu hút sự quan tâm rất lớn ở Hội nghị cấp cao APEC lần này.
Chuyên gia Lý Minh Giang thuộc Đại học công nghệ Nanyang, Singapore cho rằng, là nước chủ nhà, Philippines có quyền thiết kế chương trình nghị sự của họ, sở dĩ đáp ứng Trung Quốc không đưa ra thảo luận vấn đề này tại hội nghị cấp cao chủ yếu là do quan hệ hai nước đã đối mặt với cục diện bế tắc, lo ngại Trung Quốc báo thù và quan hệ song phương tiếp tục xấu đi.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner tuần trước đã cho biết, trong thời gian tổ chức hội nghị, mặc dù vấn đề Biển Đông không được đưa vào chương trình làm việc chính thức của hội nghị cấp cao, nó cũng có thể được thảo luận bên lề hội nghị.
Theo Lý Minh Giang: "Philippines đã chiếm thế thượng phong ở Tòa trọng tài quốc tế, sẽ không tiếp tục kích động Trung Quốc, vì vậy, đối với Philippines, ảnh hưởng từ thời cơ đưa vấn đề Biển Đông ra hội nghị APEC hoàn toàn không lớn. Trong khi đó, Mỹ và Nhật Bản chắc chắn sẽ đưa ra vấn đề tranh chấp đảo".
Lý Minh Giang cũng cho rằng, là cường quốc ngoài khu vực, Mỹ nhất định sẽ dựa vào cơ hội tổ chức APEC để đưa ra tranh chấp chủ quyền Biển Đông, nếu không sẽ bị coi là "thể hiện mềm yếu trước Trung Quốc".
Theo các chuyên gia, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) sẽ né tránh vấn đề Biển Đông |
Chuyên gia nghiên cứu vấn đề Biển Đông Tang Siew Mun cũng cho rằng, Mỹ sẽ "làm hết nghĩa vụ" để đưa vấn đề Biển Đông ra hội nghị cấp cao, nhưng Trung Quốc sẽ tìm mọi cách né tránh để tìm kiếm thêm nhiều thủ đoạn ngoại giao hơn cho mình.
Theo Tang Siew Mun, tại hội nghị, Bắc Kinh sẽ tìm mọi cách né tránh vấn đề tranh chấp chủ quyền để "làm nhạt ý đồ muốn mở rộng vấn đề ra phạm vi quốc tế của Mỹ".
Tang Siew Mun cho rằng: "Trung Quốc nếu như phản ánh mạnh mẽ sẽ bị các phương tiện truyền thông chú ý rộng rãi, vì vậy, Bắc Kinh sẽ tìm cách né tránh tranh chấp chủ quyền ở hội nghị cấp cao, nhưng trong Hội nghị cấp cao Đông Á sắp tới thì rất có thể nhìn thấy sự giao tranh gay gắt hơn giữa Trung Quốc và Mỹ".
Gần đây, Bắc Kinh đưa ra tuyên bố, cho rằng, Hội nghị cấp cao Đông Á được tổ chức trong thời gian từ ngày 20 đến ngày 23 tháng này không phải là nơi thích hợp để thảo luận vấn đề Biển Đông. Đó chỉ là sự ngụy biện của Trung Quốc.
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ đứng đầu chắc chắn cũng sẽ là một vấn đề trọng điểm khác của Hội nghị cấp cao APEC.
Trung Quốc ra sức tiến hành bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự ở Biển Đông |
TPP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, được ký kết tại Hội nghị cấp Bộ trưởng ở Atlanta, Mỹ vào ngày 5 tháng trước, đồng ý tiến hành thương mại tự do và thống nhất các quy tắc trên các lĩnh vực rộng mở như đầu tư và bản quyền sở hữu trí tuệ.
Đây cũng là hội nghị lần đầu tiên sau khi các nước tham gia đàm phán TPP ký kết hiệp định.
12 nước ký kết hiệp định bao gồm: Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Brunei, Australia, New Zealand, Canada, Mexico, Chile và Peru.
Dư luận phổ biến cho rằng, TPP là một “chiêu” để Mỹ ngăn chặn Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng là một thành tích chính trị lớn của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Trung Quốc không hề cho biết có ý định gia nhập TPP hay không, nhưng cũng đã đưa ra các biện pháp ứng phó và triển khai tương ứng, chẳng hạn thiết lập Khu thí điểm tự do thương mại Thượng Hải và sáng kiến “1 vành đai, 1 con đường”, đi đầu thành lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á, triển khai đàm phán song phương với các nước ký kết TPP.
Tại Hội nghị cấp cao APEC ở Bắc Kinh năm 2014, Trung Quốc đề xuất xây dựng Khu thương mại tự do mới, nhà lãnh đạo các nước tham gia hội nghị đã đạt được thỏa thuận đối với vấn đề này. Có phân tích cũng cho rằng, “Khu thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương” (FTAAP) của Trung Quốc là một thỏa thuận chống lại TPP của Mỹ.
Ngày 5 tháng 10 năm 2015 (theo giờ Việt Nam), tại Atlanta, Mỹ, Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng, kết thúc đàm phán Hiệp định TPP của 12 nước thành viên. |
Tại Hội nghị cấp cao APEC lần này, Bắc Kinh chắc chắn sẽ tận dụng cơ hội này để tiếp tục thúc đẩy Khu thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương.
Tang Siew Mun cho rằng, TPP là nỗ lực mới nhất của Mỹ với hy vọng củng cố quan hệ kinh tế với ASEAN, trong khi đó, hai bên Trung Quốc và Mỹ sẽ không đối chọi gay gắt về TPP như trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Theo Tang Siew Mun: “Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận thương mại tự do với các nước thành viên ASEAN, nhưng Mỹ chỉ ký kết TPP với Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam. Trong cuộc chiến về thỏa thuận thương mại tự do, Trung Quốc đã chiếm ưu thế”.
Báo chí Trung Quốc dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông tiết lộ, ông Tập Cận Bình sẽ tham dự Hội nghị cấp cao APEC và có bài phát biểu, tham dự các hoạt động như Hội nghị đối thoại đại diện hội đồng tư vấn công thương APEC, bữa tiệc tối chào đón các nhà lãnh đạo, Hội nghị cấp cao hai giai đoạn và tiệc trưa.
Ngoài ra, tại hội nghị, ông Tập Cận Bình cũng sẽ trình bày quan điểm, chủ trương, chính sách của Trung Quốc về hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời giới thiệu những tiến triển mới của xây dựng “1 vành đai, 1 con đường” cùng với cơ hội mới do nó đem lại cho châu Á-Thái Bình Dương và thế giới.
Ngày 17 tháng 11 năm 2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường đến thủ đô Manila, Philippines, tham dự các hoạt động chính của Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 23, theo lời mời của Tổng thống Philippines Benigno Aquino. |
Ngoài tranh chấp Biển Đông và TPP, tấn công khủng bố ở Paris, vấn đề chống khủng bố quốc tế cùng với hợp tác kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương đều sẽ là các vấn đề quan trọng của hội nghị.
Tại hội nghị cấp cao, nhà lãnh đạo các nước sẽ còn tiến hành nhiều cuộc hội đàm song phương, vì vậy, các gặp gỡ giữa nhà lãnh đạo các nước cũng thường là một điểm đáng chú ý lớn của hội nghị.