Nhiều vũ khí mới
Hãng tin BBC Anh ngày 19 tháng 11 đưa tin, vào tối cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã tổ chức hội đàm tại thủ đô Manila, Philippines.
Ngày 19 tháng 11 năm 2015, tại Manila, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Philippines Benigno Aqui tổ chức hội đàm. |
Để Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cung cấp các trang bị như máy bay cũ cho Philippines, hai bên đã đạt được thỏa thuận cơ bản về ký kết Hiệp định chuyển giao công nghệ và trang bị quốc phòng.
Theo hãng tin Kyodo Nhật Bản, do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp các đảo nhân tạo ở Biển Đông với tốc độ nhanh chóng và quy mô lớn, hai bên có ý định tăng cường hợp tác trên phương diện bảo đảm an ninh biển. Chính phủ hai nước sẽ tranh thủ đẩy nhanh các bước tham vấn để sớm ký kết thỏa thuận này.
Ông Shinzo Abe còn cho biết, sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ để tăng cường năng lực cho Lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines. Đối với vấn đề Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra cỡ lớn như hy vọng của Philippines, ông Shinzo Abe cho biết sẽ tích cực nghiên cứu.
Philippines đã kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài thường trực của Liên hợp quốc có trụ sở ở The Hague, Hà Lan với lý do yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông đã vi phạm luật pháp quốc tế. Ông Shinzo Abe đã bày tỏ ủng hộ giải quyết hòa bình đối với vấn đề này.
Do vào tháng 4 năm 2014, Nhật Bản đã xóa bỏ chính sách cấm vận dựa trên "Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí", việc cung cấp trang bị quốc phòng cho nước khác đã có khả năng.
Tháng 6 năm 2015, Tổng thống Philippines Aquino đến thăm Nhật Bản |
Nhật Bản đang nghiên cứu cung cấp các máy bay huấn luyện Beechcraft TC-90 King Air của Lực lượng Phòng vệ Biển cho Philippines. Loại máy bay này có thể lắp radar trinh sát đối đất và đối không, hiện nay chúng là máy bay dùng để huấn luyện cho phi công Lực lượng Phòng vệ.
Nguồn tin từ Nhật Bản cho biết, sau đó, Nhật Bản có khả năng cung cấp máy bay tuần tra săn ngầm P-3C do Mỹ chế tạo cho Philippines. Trước đây, Nhật Bản đã nhập khẩu rất nhiều máy bay loại này và hiện đang được Nhật Bản từng bước thay thế bằng máy bay mới tiên tiến P-1 tự chế tạo.
Hiện nay, Nhật Bản không phải thông qua phương thức điều tàu chiến và máy bay tuần tra Biển Đông để thách thức Trung Quốc, mà tập trung vào tăng cường thực lực quân sự cho một số nước tồn tại "tranh chấp lãnh thổ" với Trung Quốc.
Tháng 1 năm nay, hai nước ký kết một biên bản ghi nhớ nêu rõ các bước cụ thể để tăng cường hợp tác quốc phòng, bao gồm xây dựng năng lực và hợp tác về công nghệ và trang bị quốc phòng.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản và Philippines tiến hành diễn tập chống cướp biển ở vịnh Manila ngày 6 tháng 5 năm 2015 |
Tháng 6 năm nay, ông Shinzo Abe và ông Benigno Aquino đã đồng ý triển khai hội đàm về một hiệp định lực lượng thăm viếng, điều này sẽ cho phép máy bay và tàu chiến Nhật Bản sử dụng căn cứ của Philippines mà Mỹ và Australia đang có quyền hạn tương tự.
Điều này sẽ giúp cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được tiếp tế, nhất là khi Tokyo thúc đẩy kế hoạch cùng Mỹ tuần tra trên không ở Biển Đông.
Ngoài ra, Nhật Bản còn chế tạo 10 tàu tuần tra cho Lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines.
Liên quan đến vấn đề này, tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 17 tháng 11 có bài viết cho rằng, Nhật Bản đang “thông qua các loại thủ đoạn để can thiệp vấn đề Biển Đông”.
Các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Philippines trong tuần này đạt được một hiệp định sẽ mở đường cho Nhật Bản cung cấp trang bị quân sự cũ cho Philippines, trong đó bao gồm máy bay tuần tra sẽ được triển khai ở khu vực tranh chấp Biển Đông.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản và Philippines tiến hành diễn tập chống cướp biển ở vịnh Manila ngày 6 tháng 5 năm 2015 |
Hãng tin Reuters Anh ngày 16 tháng 11 cho rằng, hiệp định này đánh dấu Nhật Bản lần đầu tiên phê chuẩn trực tiếp cung cấp viện trợ trang bị quân sự cho một nước khác.
Nguồn tin từ Nhật Bản cho biết, các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Philippines sẽ bàn bạc loại hình và quy mô viện trợ quân sự của Nhật Bản. Hai bên sẽ ra tuyên bố hiệp định nguyên tắc của hai nước về kỹ thuật quân sự.
Theo các nguồn tin khác, trước sự nhiệt tình can dự vấn đề Biển Đông của Nhật Bản thông qua các hội nghị quốc tế trong đó có Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 17 tháng 11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã bày tỏ "không hài lòng" với Nhật Bản với các phát biểu thường xuyên của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Ông Hồng Lỗi cáo buộc Nhật Bản "thổi phồng" các tranh chấp và đòi hỏi Nhật Bản "ngừng đưa ra các cáo buộc vô căn cứ về vấn đề Biển Đông". Trung Quốc đòi hỏi Nhật Bản không can thiệp, nhưng chính Trung Quốc đang thách thức tự do và an toàn hàng hải, hàng không – lợi ích quốc gia của Nhật Bản.
Hạm đội liên hợp Nhật Bản-Philippines tiến hành tập trận ở Biển Đông (ảnh tư liệu, nguồn mạng sina Trung Quốc) |
Vấn đề Biển Đông sẽ làm nóng các hội nghị tiếp theo
Tuần lễ ngoại giao châu Á đã diễn ra sôi động, bắt đầu từ việc tổ chức Hội nghị cấp cao APEC tại Manila Philippines, sau đó sẽ là Hội nghị cấp cao ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á tổ chức ở Kuala Lumpur, Malaysia.
Hãng tin Kyodo Nhật Bản gần đây cho biết, dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao Đông Á sẽ "tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải - hàng không ở Biển Đông".
Tờ "The Star" dẫn lời Thủ tướng Malaysia Najib Razak khẳng định, vấn đề Biển Đông sẽ được thảo luận tại các hội nghị của ASEAN sắp tới, bất chấp những đòi hỏi không đưa vấn đề vào chương trình nghị sự từ phía Trung Quốc.
Trước đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cho biết, vấn đề Biển Đông là “vấn đề trung tâm” trong chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Đặc biệt, ngay sau khi đến Manila, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến thăm tàu chỉ huy BRP Gregorio del Pilar của Hải quân Philippines. Trên tàu này, ông Obama đưa ra cam kết "sắt đá" để bảo vệ đồng minh Philippines và khẳng định sẽ bảo đảm an ninh và tự do hàng hải ở các vùng biển trong khu vực.
Ngày 17 tháng 11 năm 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm tàu chỉ huy BRP Gregorio del Pilar của Hải quân Philippines, biểu tượng cho sự viện trợ của Mỹ đối với Philippines. |
Ông Obama tuyên bố sẽ cung cấp viện trợ 259 triệu USD để tăng cường năng lực an ninh biển cho các nước Đông Nam Á, trong đó Philippines sẽ nhận được số tiền là 79 triệu USD. Ngoài ra, ông Obama còn cam kết chuyển giao 2 tàu chiến cũ nữa cho Manila để đối phó với các mối đe dọa trên biển.
Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Philippines vào ngày 18 tháng 11, Tổng thống Obama còn yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động bồi lấp, xây đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông, đồng thời tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với bảo đảm an ninh cho Philippines.
Ông cũng bày tỏ muốn làm việc với tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông để giải quyết các tranh chấp.
Những tuyên bố và các cuộc gặp gỡ của ông Obama ở Philippines đã cho thấy Mỹ đang gửi thông điệp rõ ràng cho Trung Quốc và đang có những hành động cụ thể để can dự vấn đề Biển Đông, thách thức mạnh mẽ hơn đối với yêu sách chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc.
Trung Quốc ra sức tiến hành bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự ở Biển Đông |