Trang mạng Cri Online Trung Quốc ngày 20 tháng 11 đưa tin, chiều ngày 19 tháng 11, tại Bắc Kinh, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Đô đốc Ngô Thắng Lợi đã hội kiến với Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Scott Swift, hai bên đã trao đổi ý kiến về tiếp tục làm sâu sắc “hợp tác thiết thực” giữa hải quân hai nước.
Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi và Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Scott Swift (ảnh minh họa) |
Ngô Thắng Lợi đã đòi Mỹ “quý trọng sự phát triển quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, chấm dứt các hành vi khiêu khích ở Biển Đông, quản lý và kiểm soát các hành động của lực lượng trên biển".
Ngô Thắng Lợi bày tỏ hoan nghênh đối với việc Đô đốc Scott Swift dẫn tàu chiến Mỹ đến thăm, cho rằng, điều này thể hiện đầy đủ sự “coi trọng rất cao” của hai bên đối với việc duy trì và phát triển “quan hệ nước lớn kiểu mới" và "quan hệ quân sự kiểu mới" Trung-Mỹ,
có tác dụng tích cực đối với triển vọng tốt đẹp làm sâu sắc “hợp tác thiết thực” hải quân hai nước và “làm dịu tình hình Biển Đông” hiện nay, “bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực”.
Ngô Thắng Lợi còn đưa ra một số phát biểu đáng chú ý trong đó có vấn đề Biển Đông như sau:
“Những năm gần đây, giao lưu thăm nhau của hải quân hai nước ngày càng thường xuyên, hợp tác thiết thực không ngừng sâu sắc, đã thực hiện nhiều đột phá mang tính lịch sử.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter trên tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Theodore Rosevelt ở Biển Đông vào ngày 5 tháng 11 năm 2015 |
Gần đây, Mỹ mượn danh nghĩa bảo vệ tự do hàng hải - hàng không, điều tàu chiến và máy bay đến gần các đá ngầm liên quan ở "quần đảo Nam Sa" của Trung Quốc (thực chất là quần đảo Trường Sa của Việt Nam), thách thức nghiêm trọng quyền lợi chủ quyền của Trung Quốc (yêu sách "đường lưỡi bò"), đe dọa nghiêm trọng an toàn các đảo ở Nam Sa, cách làm này không có lợi cho hòa bình, ổn định của Biển Đông. Trung Quốc kiên quyết phản đối việc này.
Mỹ không thể áp đặt chủ trương của mình cho nước khác, không thể gây thiệt hại cho chủ quyền và an ninh của nước khác. "Nam Sa" là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, Trung Quốc tiến hành xây dựng cần thiết trên các đá ngầm Nam Sa là hoàn toàn hợp tình, hợp lý, hợp pháp.
Hải quân Trung quốc đã tiến hành theo dõi chặt chẽ đối với các hành vi khiêu khích của Mỹ, đã nhiều lần tiến hành cảnh cáo, đồng thời xuất phát từ bảo vệ đại cục quan hệ hai nước, duy trì kiềm chế rất lớn.
Nếu Mỹ bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, tiếp tục khiêu khích, Trung Quốc có năng lực bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia.
Ngày 16 tháng 11 năm 2015, tàu khu trục USS Stethem DDG-63 Hải quân Mỹ đến thăm Thượng Hải trong thời gian 5 ngày |
Hải quân hai nước Trung Quốc và Mỹ cần tích cực quán triệt, thực hiện các đồng thuận đạt được giữa nguyên thủ hai nước, hết sức quý trọng và bảo vệ cục diện tốt đẹp không dễ dàng có được giữa hai nước và quân đội hai nước, cân nhắc sáng suốt các bất đồng, quản lý và kiểm soát có hiệu quả các hành động của lực lượng trên biển, kiên quyết ngăn chặn xảy ra cục diện cấp bách thậm chí xung đột vũ trang.
Hai bên cần tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc giao lưu, hợp tác thiết thực giữa hải quân hai nước, cùng phát huy vai trò quan trọng trong bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới”.
Đô đốc Scott Swift cho rằng, quan hệ hải quan hai nước Trung-Mỹ ngày càng chín muồi, ổn định, tiến triển hợp tác thuận lợi. Hải quân Mỹ không hy vọng vấn đề Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến “đại cục quan hệ hải quân hai nước”.
Ông Scott Swift hy vọng hai bên trong tương lai tiếp tục duy trì trao đổi cấp cao hải quân hai nước, làm sâu sắc giao lưu lực lượng tuyến 1, gia tăng mức độ diễn tập liên hợp song phương và thực hiện, vận dụng "Quy tắc gặp nhau bất ngờ trên biển", ngăn chặn hiểu nhầm, phán đoán nhầm và xảy ra sự kiện bất ngờ trên biển, trên không.
Đô đốc Scott Swift - Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ trên tàu khu trục Stethem DDG-63 |
Với những phát biểu trên của Tư lệnh Hải quân Trung Quốc và Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, xin có một vài lời bình luận như sau:
Hợp tác, giao lưu giữa hải quân các nước là chuyện bình thường, không có gì phải dị nghị. Nhưng, tuyên bố của Ngô Thắng Lợi – Tư lệnh Hải quân Trung Quốc gây chú ý trên một số khía cạnh.
Phải luôn khẳng định rằng, cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Trung Quốc không có chủ quyền đối với các đảo đá ở Biển Đông, cho nên phát biểu của Ngô Thắng Lợi đã cho thấy, Trung Quốc ra sức tìm cách dùng miệng lưỡi để khẳng định chủ quyền bất hợp pháp đối với các đảo đá và vùng biển lân cận ở Biển Đông.
Ngô Thắng Lợi đã tiếp tục ngang nhiên đòi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam và tuyền truyền các hành động bành trướng lãnh thổ, bành trướng quân sự theo yêu sách “đường lưỡi bò” là “hợp tình, hợp lý và hợp pháp”. Đó là phát biểu kiểu cả vú lấp miệng em, là thủ đoạn “nói nhiều thành quen”, không biết ngượng mồm.
Đô đốc Scott Swift - Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ thăm tàu chiến Trung Quốc |
Việc Ngô Thắng Lợi đòi Mỹ chấm dứt các hành động “tự do hàng hải” ở Biển Đông và dọa rằng, họ có “năng lực bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia”, tức là ám chỉ Trung Quốc có năng lực tiếp tục áp đặt yêu sách “đường lưỡi bò” vớ vẩn, lố bịch của họ cho Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Do đó, các nước ven Biển Đông và cộng đồng quốc tế phải chuẩn bị đầy đủ sức mạnh quân sự trong đó có sức mạnh hải quân cũng như các giải pháp khác cho việc đối phó với mối đe dọa này.
Mặc dù Ngô Thắng Lợi cứ ra rả nói lấy được về “chủ quyền” ở Biển Đông và đòi hỏi quá mức với Mỹ, nhưng, Đô đố Scott Swift hầu như không thèm để ý. Điều này đã cho thấy, Mỹ không chấp nhận và chắc chắn sẽ tiếp tục hiện diện quân sự ở Biển Đông, thách thức yêu sách bành trướng “không đững vững” về mặt luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Điều đáng chú ý là, gần đây quan hệ Trung-Mỹ đã có nhiều sự điều chỉnh, đã tăng cường xây dựng các cơ chế mới như “Quy tắc gặp nhau bất ngờ trên biển”. Do đó, mặc dù tồn tại nhiều bất đồng và có lúc xảy ra mâu thuẫn tương đối gay gắt, song quan hệ hai nước, quan hệ quân sự song phương vẫn được duy trì. Đây là một điểm thấy rõ trong thời gian gần đây.
Những dấu hiệu có thể thấy rõ là, các quan chức cấp cao hai bên thường xảy ra những cuộc đấu khẩu gay gắt về một số vấn đề trong đó có vấn đề Biển Đông, nhưng hầu như không hề ảnh hưởng đến giao lưu, hợp tác giữa hai bên.
Ngày 17 tháng 11 năm 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm tàu chỉ huy BRP Gregorio del Pilar của Hải quân Philippines, biểu tượng cho sự viện trợ của Mỹ đối với Philippines. |
Hành động của các nước lớn cũng như quan hệ giữa họ thường có ảnh hưởng lớn đến các vấn đề khu vực. Lợi ích quốc gia thường chi phối hành động của mỗi quốc gia, nhưng hy vọng họ hành động hợp pháp và không đe dọa đến lợi ích của các nước nhỏ.
Còn đối với các hành động bất hợp pháp rõ ràng như hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam và cộng đồng quốc tế cần kiên quyết bác bỏ và chuẩn bị mọi phương án để đối phó, ngăn chặn và đánh bại, quyết không cho nó phát tác thành xung đột, chiến tranh đau thương, đồng thời bảo vệ được chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp của mình.