Rườm rà, chưa rõ trách nhiệm
Đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) đóng góp ý kiến về thời hạn cấp giấy chứng chỉ hành nghề trong dự thảo Luật đưa ra là 5 năm, với quan điểm nếu có vi phạm, khuyết điểm thì phải thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động. Còn hoạt động tốt thì cứ thế mà hoạt động. Việc thu đổi, cấp mới sau 5 năm sẽ sinh ra những thủ tục hành chính rườm rà.
"Tôi cho rằng không nên cấp giấy chứng chỉ 5 năm mà chỉ nên cấp một lần và cấp giấy không thời hạn. Nhưng có vấn đề thì thu hồi và cảnh báo, thậm chí phạt nặng. Khi mà họ đang sống, chưa khai tử thì làm sao lại cứ 5 năm khai sinh một lần.
Ta tiệm cận với tiên tiến của thế giới chứ không nên gây ra cơ chế xin cho và làm thủ tục hành chính chỉ có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước chứ lại có hại cho doanh nghiệp, người hành nghề", ông Tiến nêu quan điểm.
“Thủ tướng đã hành động đúng, hợp lòng dân” |
Về quản lý nhà nước về giá thuốc, Đại biểu Lê Như Tiến nhấn mạnh, cần có biện pháp quản lý thật mạnh vì có thực trạng ngay tại Hà Nội, hai cửa hàng dược cạnh nhau, nhưng có thể bán giá chênh lệch 3- 4 lần vì không ai quản lý, không ai siết lại.
Ông Tiến chỉ rõ: "Giá bán với giá trị thuốc phải tương thích với nhau. Giá trị chỉ có 1 mà giá thuốc 10 lần thì không được. Đặc biệt, với thuốc nhập khẩu đang có thực tế là các nhà thuốc tăng vô tội vạ. Đó chính là cái làm cho người dân rất bức xúc.
Anh đánh cả vào, ăn cả vào sinh mạng sống chết của người dân. Chỉ cần tăng giá thuốc, người nghèo không có tiền mua thuốc thì mong manh sinh tử của họ rất nhiều.
Cần có chương đầy đặn, ghi rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Y tế, các sở, phòng y tế, đặc biệt y đức của người làm ngành y, dược. Có y đức phải có dược đức vì đó là đạo đức của người làm ngành dược, bán thuốc".
Đại biểu Lê Như Tiến nhấn mạnh, có tình trạng bán thuốc tăng giá vô tội vạ, ăn cả vào sinh mạng người dân. ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội. |
Đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi (đoàn Hà Nội) đánh giá cao nỗ lực của ban soạn thảo dự án Luật dược (sửa đổi), đồng thời cũng bày tỏ sự lo ngại về quản lý giá thuốc.
“Trách nhiệm, nguyên tắc được quy định rõ nhưng biện pháp quản lý mới chỉ thể hiên ở việc đấu thầu. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành dự thảo nghị định kèm theo để những lần góp ý tới thấy được quản lý gía thuốc là như thế nào? giá thuốc phải kèm theo chất lượng, tức tiền nào của ấy, giữa chất lượng và giá phải tương đồng và phù hợp với điều trị bệnh”, bà Nhi cho biết.
Trung Quốc tử hình Cục trưởng dược, Việt Nam thì sao?
Đề cập tới tình trạng nhiều nhà thuốc hoạt động bằng giấy phép đi thuê của người khác, Đại biểu Vũ Công Tiến (đoàn Bình Dương) đặt vấn đề: "Người dân có nhu cầu khi mua thuốc không mặc cả, trong khi chất lượng thuốc có nhiều loại nhưng quản lý của chúng ta đang có tình trạng thuê bằng để mở cửa hàng bán thuốc mà người bán hàng đó lại không có trình độ. Như vậy thuốc có đảm bảo không?".
Bộ trưởng Bộ Y tế - bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, vấn đề nóng nhất là quản lý giá. Ngành y tế đang thực hiện theo thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu và luật giá. Trong thông tư có danh mục đấu thầu thuốc đấu thầu tập trung. Luật Đấu thầu mới công khai minh bạch, tầng nấc trung gian sẽ giảm. Kết quả đấu thầu thông báo trên quy mô quốc gia. Những loại thuốc Việt Nam có thể sản xuất được tương đương chất lượng và hàm lượng thì không nhập khẩu. Trong danh mục thuốc đấu thầu có danh mục thuốc Việt Nam. Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế đã xây dựng xong danh mục thuốc đông y được tham gia đấu thầu thuốc trong khám-chữa bệnh bảo hiểm. Tuy nhiên, bên đông y đề nghị thêm một số loại nên đang điều chỉnh thông tư. |
Đồng quan điểm, Đại biểu Phạm Xuân Thăng (đoàn Hải Dương) đưa ra dẫn chứng: "Ví dụ như ở tỉnh Hải Dương có hơn 600 cửa hàng thuốc trong khi chỉ có 2 thanh tra dược. 2 người này đi cả năm mới chỉ đi kiểm tra hết được một nửa, vì vậy cần thêm thanh tra mới quản lý hết được".
Chỉ ra nhiều cửa hàng bán thuốc mượn bằng để bán thuốc, người bán thuốc không có trình độ chuyên môn diễn ra khá phổ biến Đại biểu Ngô Thị Minh (đoàn Quảng Ninh) đề nghị: "Cần bổ sung hướng dẫn nghiệp vụ, cấp chứng nhận đào tạo trong hồ sơ cấp lại chứng chỉ hành nghề".
Cũng theo bà Minh, thực tế người dân mua nhiều loại thuốc không cần có đơn của bác sĩ, đến khi xảy ra vấn đề liên quan đến sức khỏe thì quy trách nhiệm thế nào? Do vậy cần bổ sung trách nhiệm của bán thuốc theo đơn. Đồng thời nghiên cứu bổ sung phát triển thuốc Nam, thuốc cổ truyền vào danh mục thuốc để BHYT cũng thanh toán được vì chúng ta đang có cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”.
Đại biểu Quốc hội đồng loạt đề nghị phải siết chặt giá thuốc. ảnh minh họa của Báo Đầu tư. |
Nhận định sản phẩm dược đến tay người dân đội nhiều chi phí khiến giá thuốc tăng cao, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, vấn đề đặt ra là quyền phân phối các hãng dược phẩm nước ngoài. Các công ty nước ngoài đã phân phối trực tiếp, các công ty Việt Nam ngồi đó hưởng chi phí. Do đó cần có quyết sách để quyền lợi người dân là trên hết, không để lợi ích nhóm.
Theo bà Lan, trong chính sách phát triển công nghiệp dược nước ta có nhiều tồn tại thiếu định hướng quan tâm nên thị trường tự phát triển, sản xuất dư thừa nhưng sản phẩm trùng lắp. Kinh doanh có quá nhiều tầng nấc làm cho thị trường hỗn loạn, vì vậy Nhà nước cần có chính sách cụ thể.
"Về thuốc giả Trung Quốc đã tử hình Cục trưởng cục quản lý dược, còn ở Việt Nam các vụ án bị chìm vào quên lãng cho nên phải có hình phạt đủ sức răn đe", bà Lan bày tỏ.
Trong khi đó, dưới góc nhìn của Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) thì giá thuốc ở Việt Nam so với mặt bằng chung của thế giới bị chênh lệch rất nhiều.
"Qua quan sát, tôi thấy cứ ra cửa hàng thuốc không ai mặc cả. Người bệnh dù nghèo dù giàu cứ giá nào phải mua thế ấy. Đó là chuyện nguy hiểm", bà An nói.
Đại biểu Bùi Thị An cũng đề cập đến chất lượng thuốc đông y, nguyên liệu dược nhập từ Trung Quốc "nhập nhằng" về chất lượng; phát triển ngành đông dược manh mún... và đề xuất Luật dược (sửa đổi) lần này phải đưa ra được những điều chỉnh để quản lý những vấn đề trên thật tốt.