Nhật khẳng định không tuần tra cùng Mỹ ở Biển Đông và bình luận trái chiều

24/11/2015 06:53
Hồng Thủy
(GDVN) - Nhật Bản đang nhấn mạnh căng thẳng trên Biển Đông với Trung Quốc là một lý do để Úc nên ký hợp đồng mua tàu ngầm của Nhật Bản trị giá nhiều tỉ USD.

The Japan Times ngày 23/11 đưa tin, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ không tham gia các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông mà Mỹ tiến hành. Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông nói với Tổng thống Barack Obama rằng ông sẽ xem xét việc điều quân đội tham gia.

Ngoại trưởng Nhật Bản và Úc tham quan một cơ sở quân sự Úc, ảnh: AAP.
Ngoại trưởng Nhật Bản và Úc tham quan một cơ sở quân sự Úc, ảnh: AAP.

Ông Shinzo Abe phát biểu trong một cuộc họp báo tại Kuala Lumpur ngày 23/11 rằng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ không tham gia các hoạt động tuần tra giám sát thường xuyên ở Biển Đông vào lúc này và chưa có kế hoạch cụ thể nào cho việc đó. Hôm Thứ Năm tuần trước trong cuộc họp song phương với ông Obama bên lề APEC tại Philippines, Thủ tướng Shinzo Abe đã ngỏ ý sẽ xem xét khả năng này.

Tuy nhiên ngay sau hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Kuala Lumpur, Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định nói không với hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông. Báo Yomiuri Shimbun ngày 23/11 dẫn lời Thủ tướng Shinzo Abe nói:

"Nhật Bản ủng hộ sự chuyển hướng của Hoa Kỳ bảo vệ tự do hàng hải, nhưng các hoạt động được tiến hành bởi Hoa Kỳ là riêng rẽ. Một số người có thể đang hiểu lầm, nhưng Nhật Bản sẽ không tham gia các hoạt động này".

Đầu tháng 11, ông Shinzo Abe đã có cuộc họp với người đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Seoul. Hôm Chủ Nhật, ông Shinzo Abe đã đứng nói chuyện với ông Lý Khắc Cường trong khoảng 5 phút và cả hai đều ca ngợi "bước tiến đáng kể" trong quan hệ Trung - Nhật, bầu không khí đã được cải thiện.

Tuy nhiên Thủ tướng Nhật Bản không gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề G-20 và hội nghị APEC cùng diễn ra đầu tháng này, rõ ràng là vì Nhật Bản lên án gay gắt các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Những bình luận trái chiều, theo Yomiuri Shimbun.

Tờ The West Australian ngày 23/11 nhận xét rằng, chính phủ Nhật Bản đang nhấn mạnh căng thẳng trên Biển Đông với Trung Quốc là một lý do để Úc nên ký hợp đồng mua tàu ngầm của Nhật Bản trị giá nhiều tỉ USD. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản, Úc trước đó tuyên bố sẽ "xem xét" cùng Mỹ tuần tra bảo vệ tự do hàng hải Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Nhật Bản đang có mặt tại Úc trong tuần này để đàm phán hợp tác an ninh và vận động hành lang dự án bán tàu ngầm cho Úc. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani liên hệ với khủng hoảng ở Biển Đông với hợp đồng mua bán vũ khí, nói rằng tàu ngầm có tầm quan trọng chiến lược với cả hai nước.

"Hai nước chúng ta là những quốc gia hàng hải. Chúng ta có mối quan tâm đặc biệt về tự do hàng hải, tự do hàng không, chúng sẽ phai được bảo vệ bằng luật pháp quốc tế, việc sử dụng vũ lực không bao giờ được tha thứ. Vì vậy, đây không chỉ là hợp tác trong lĩnh vực tàu ngầm, mà là điều căn bản đối với an ninh hàng hải của hai nước chúng ta", The West Australian dẫn lời ông Nakatani nói tại Úc hôm Chủ Nhật 22/11.

Nhật, Đức và Pháp đang cạnh tranh nhau hợp đồng cung cấp tàu ngầm cho Úc mà tổng giá trị có thể lên tới 40 tỉ USD. Hồ sơ dự thầu của Nhật được nhiều người xem là có Mỹ hậu thuẫn, Washington muốn Tokyo có ngành công nghiệp quốc phòng phát triển để tham gia nhiều hơn vào trọng trách đảm bảo an ninh khu vực.

Nhưng các nhà phân tích Úc nói rằng, việc mua tàu ngầm Nhật Bản có thể làm hỏng quan hệ giữa Úc với Trung Quốc. 

Tuần trước, Nhật Bản cũng đồng ý chuyển giao thiết bị quốc phòng và công nghệ cho Philippines, một bên yêu sách ở Biển Đông đang kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực PCA ở The Hague về việc áp dụng, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở vùng biển này.

Tháng 6 năm nay, Chu Thành Hổ, một viên Thiếu tướng Trung Quốc từ Học viện Quốc phòng nói với đài CNBC: "Hoa Kỳ đã từng sử dụng các căn cứ quân sự ở Đông Nam Á như Philippines, thậm chí là cả ở Việt Nam, và họ có hợp tác quân sự với Singapore. Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông là điều chấp nhận được với Trung Quốc. Nhưng đối với sự hiện diện quân sự của Nhật Bản ở Biển Đông, rất khó khăn để người dân và chính phủ Trung Quốc chấp nhận điều đó".

Trong trường hợp Nhật Bả không tham gia trực tiếp tuần tra bảo vệ tự do và an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông, họ vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ an ninh hàng hải cho các nước trong khu vực.

Hồng Thủy