Trước đó, ngày 19/11/2015 Bộ GD&ĐT có Quyết định số 5758 Cho phép Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo trình độ đại học, hệ chính quy ngành Y đa khoa, mã số: 52720101; Dược học, mã số: 52720401, quyết định do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký.
Theo quyết định này, chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của các ngành trên nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của Trường. Việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành. Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay từ ngày ký.
Với việc quyết định cho phép trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đào tạo 2 ngành liên quan tới Y Dược như trên, nhiều người băn khoăn với quyết định này, bởi một trường đại học có tên gọi dường như không liên quan tới ngành học y dược mà được đào tạo ngành này.
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vừa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo 2 ngành liên quan tới Y - Dược |
Còn nhớ, cách đây 1 năm (tháng 12/2014) Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đã thống nhất tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ đại học các ngành Y đa khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền và trình độ ĐH, CĐ đối với ngành Dược học tại các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành Y dược.
Liệu điều này có mâu thuẫn hay không? Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, Y - Dược là ngành đặc thù nên Bộ GD&ĐT rất thận trọng.
Trước đây 2 năm, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội làm hồ sơ trình, nhưng Bộ có chủ trương giảm thiểu đào tạo y dược ở các trường đa ngành nên chưa xem xét.
Trường đã xây dựng cơ ngơi khang trang với gần 80 tỉ đồng và tuyển dụng đội ngũ giảng viên nên tiếp tục đề nghị cả hai Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo. Lãnh đạo bộ đã chỉ định các đơn vị thuộc hai bộ thẩm định trực tiếp.
Điều kiện của trường đáp ứng như yêu cầu của Bộ Y tế và Bộ Y tế có công văn đồng ý cho mở ngành, nên lãnh đạo Bộ GD&ĐT ra quyết định để thực hiện xã hội hóa. Trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng đã được cơ quan quản lý ngành đồng ý với đề nghị của trường.
Thông tin ban đầu từ lãnh đạo Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, trường vừa có công văn gửi Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) về việc xác định tổ hợp các môn thi để xét tuyển với hai ngành học này.
Theo đó, trường không xét tuyển theo học bạ mà chỉ xét tuyển theo kết quả thi của kỳ thi THPT quốc gia. Mức điểm đăng ký xét tuyển thấp nhất là 20 điểm. Học phí của ngành Y Đa khoa là 50 triệu đồng/năm, ngành Dược học là 25 triệu đồng/ năm.
Ông Nguyễn Kim Sơn, người phát ngôn Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết khi trao đổi về Quyết định mở ngành Y Đa khoa và Dược, từ nay đến tháng 12/2015 sẽ tuyển khoảng 200 sinh viên học hai ngành này.
Theo thống kê của ngành y tế, tình trạng thiếu bác sĩ diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhiều nhất hiện nay tập trung các tỉnh khó khăn, như khu vực Tây Bắc, đồng bằng sông Cửu Long. Nếu cả nước đạt trung bình 7,34 bác sĩ/10 nghìn dân thì tỷ lệ này tại Lai Châu mới là 6,29 và Điện Biên là 6,74, ở Lạng Sơn, Sơn La tỷ lệ bác sĩ còn thấp hơn. Như tại tỉnh Sơn La, ước tính còn thiếu khoảng 1.000 bác sĩ, cán bộ y tế so với nhu cầu. Khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 18 triệu dân nhưng chỉ có 9.264 bác sĩ, thiếu hơn 3.000 bác sĩ theo quy định. Vụ trưởng Tổ chức - Cán bộ (Bộ Y tế) Phạm Văn Tác cho rằng: Các tỉnh còn thiếu bác sĩ cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Bên cạnh đào tạo hệ chính quy còn có các hình thức đào tạo khác, như đào tạo hệ cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ cho đối tượng là người địa phương. Hình thức đào tạo hệ chính quy là tốt nhất, tuy nhiên trong điều kiện thực tế hiện nay, vẫn nên duy trì một thời gian nhất định hình thức đào tạo liên thông, đào tạo theo địa chỉ để bảo đảm nguồn nhân lực có trình độ đại học ở các đơn vị, lĩnh vực khó tuyển. Nguồn - Báo Nhân dân |