Mỹ triển khai lực lượng mặt đất tại Syria
Tân Hoa xã ngày 28 tháng 11 cho biết, một nguồn tin người Kurd ở Syria ngày 26 tháng 11 tiết lộ, binh sĩ Mỹ đang giúp đỡ đào tạo lực lượng vũ trang người Kurd ở thị trấn Kobane, phía bắc Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, để họ tấn công tổ chức cực đoan “Nhà nước Hồi giáo” (IS).
Đây là lần đầu tiên Mỹ chính thức triển khai lực lượng mặt đất ở Syria.
Lực lượng đặc nhiệm Mỹ (ảnh tư liệu minh họa) |
Tờ “Thời báo Kinh Hoa” Trung Quốc ngày 28 tháng 11 dẫn lời một người dân ở thị trấn Kobane có tên là Mustafa Abdi nói với hãng tin AFP rằng, “nhóm cố vấn đầu tiên” của Quân đội Mỹ đến thị trấn này “vài giờ gần đây”, họ sẽ giúp đỡ đào tạo lực lượng vũ trang người Kurd.
Một nguồn tin từ lực lượng vũ trang người Kurd “Kurdish Peoples Protection Units” tiết lộ, những binh sĩ quân Mỹ này sẽ giúp đỡ lập kế hoạch tấn công 2 thành phố ở Syria do IS kiểm soát, đó là Jarablos và Raqqa – “đại bản doanh” của IS tại Syria.
Đồng thời, họ sẽ giúp đỡ phối hợp với các hành động không kích IS do Mỹ đứng đầu.
Người đứng đầu tổ chức quan sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh “Syrian Observatory for Human Rights”, ông Rami Abdul-Rahman xác nhận: “Hơn 50 cố vấn Quân đội Mỹ đã đến khu vực miền bắc và đông bắc của Syria”.
Theo ông Rami Abdul-Rahman, những binh sĩ Mỹ này đến từ khu tự trị của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq, hai ngày qua đã chia thành 2 tốp để đến Syria.
Theo Rami Abdul-Rahman, khoảng hơn 30 binh sĩ Mỹ ở lại Kobane, số còn lại được bố trí ở tỉnh Al Hasakah, phía đông Syria.
Đối với việc lực lượng mặt đất Mỹ tiến vào Syria, Bộ Tư lệnh Trung tâm Quân đội Mỹ từ chối đưa ra bình luận cụ thể.
Lực lượng đặc nhiệm Mỹ (ảnh tư liệu minh họa) |
Trước đó, trang mạng Vietnamplus ngày 26 tháng 11 cũng dẫn kênh truyền hình Al-Mayadeen cùng ngày cho hay, có 50 quân nhân Mỹ đã đi qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, tiến vào thị trấn Ayn al-Arab ở miền bắc Syria nhằm hỗ trợ người Kurd trong cuộc chiến chống lại IS.
Theo kênh truyền hình này, các binh sĩ Mỹ đi qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở trạm kiểm soát Baynar và một bộ phận binh sĩ đã tới thành phố Qamishi thuộc tỉnh Hasakah, đông bắc Syria.
Được biết, vào tháng trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã hạ lệnh triển khai hàng chục binh sĩ đặc nhiệm tới Syria để làm nhiệm vụ huấn luyện, cố vấn và hỗ trợ cho các chiến binh địa phương chống IS, điều này đã đi ngược lại cam kết không triển khai lực lượng mặt đất mà ông đưa ra trước đó.
Mỹ đứng sau hành động bắn hạ máy bay Nga của Thổ Nhĩ Kỳ?
Sau khi máy bay chiến đấu ném bom Su-24 Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp ngày 24 tháng 11 ở Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi Nga và NATO tránh leo thang căng thẳng sau sự kiện này.
Ông Obama bênh Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng “Thổ Nhĩ Kỳ cũng như bất cứ nước nào đều có quyền bảo vệ không phận và lãnh thổ”, nhưng ông kêu gọi tất cả các bên cần đưa ra các biện pháp làm giảm tình hình căng thẳng, trong đó có tiến hành đàm phán trực tiếp.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Pháp Francis Hollande |
Ông Obama còn kêu gọi Nga không trả đũa và nên tập trung cho chống IS, cũng không nên tấn công những phe phái “ôn hòa” ở Syria.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nghĩ rằng Nga sẽ “kiềm chế” để tránh xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ và NATO để “ưu tiên hàng đầu” cho tiêu diệt IS.
Cũng trong ngày 24 tháng 11, người phát ngôn Mỹ của chiến dịch chống IS là Steve Warren khẳng định, việc máy bay Nga bị bắn rơi là căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, chứ Mỹ không có liên quan.
Liên quan đến vấn đề này, phía NATO cũng tỏ ra bênh Thổ Nhĩ Kỳ khi bác bỏ thông tin cho rằng máy bay chiến đấu Nga không vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thư ký NATO Stoltenberg nói: “Chúng tôi đoàn kết với Thổ Nhĩ Kỳ và ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của chúng tôi”.
Tuy nhiên, Nga đã chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu Nga là “đâm sau lưng”, được lên kế hoạch trước, chẳng khác nào đồng lõa với các phần tử khủng bố.
Ngày 26 tháng 11, trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp, Tổng thống Nga Putin đã chỉ trích Mỹ không ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga. “Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của Liên minh quốc tế tấn công IS. Mỹ, người lãnh đạo liên minh này, biết rõ địa điểm và thời gian bay của máy bay chúng tôi, trong khi đó, (máy bay của) chúng tôi bị bắn rơi ở địa điểm và thời gian đó”.
Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow ngày 26 tháng 11 năm 2015 |
Tháng trước, Nga và Mỹ đã ký kết bản ghi nhớ an toàn bay ở Syria. Nga cho rằng, ký kết văn kiện này có ý nghĩa thực tế. Mỹ có nghĩa vụ thông báo quy tắc an toàn bay trên bầu trời Syria đã thống nhất với Nga cho đối tác của mình.
Nói cách khác, ý của ông Putin là, Mỹ đã thông báo trước đường bay và thời gian bay của máy bay chiến đấu Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ, giúp cho Thổ Nhĩ Kỳ nắm được “chủ động” trong việc bắn hạ máy bay chiến đấu Nga.
Theo tờ Người lao động, nhận định về vụ việc, chuyên gia phân tích chính trị người Pháp Gearoid O’Colmain nói với đài RT Nga rằng: “Tôi không tin Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể hành động như vậy với Nga mà không có sự đồng ý của Mỹ.
Thật nực cười nếu nghĩ rằng Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã hành động một mình. Thế nên chắc chắn họ đã tấn công (máy bay ném bom Nga) với sự hậu thuẫn của Mỹ”.
Hiện nay, Nga cũng đang có các hành động phản ứng mạnh mẽ bằng tăng cường triển khai vũ khí trang bị tiên tiến ở Syria và tiến hành trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong ngày 26 tháng 11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cho biết, Nga tôn trọng Liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu và chuẩn bị hợp tác với họ. “Tốt nhất là xây dựng một liên minh thống nhất, phối hợp công việc của chúng ta như vậy đơn giản và hiệu quả hơn”.
Nhưng, ông Putin cho hay: Nếu “đối tác của chúng tôi còn chưa chuẩn bị tốt”, Nga chuẩn bị triển khai hợp tác với liên mình này bằng một “hình thức khác và để các bên chấp nhận”.
Máy bay chiến đấu ném bom Su-24 Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ |
Các cựu tướng lĩnh Mỹ phê phán Thổ Nhĩ Kỳ
Khác với việc các nhà lãnh đạo Mỹ và NATO bênh Thổ Nhĩ Kỳ, tờ Người đưa tin ngày 27 tháng 11 dẫn lời Thiếu tướng Lục quân Mỹ Paul Valley (đã nghỉ hưu) cho rằng, hành động bắn hạ máy bay chiến đấu ném bom Su-24 của Nga ở khu vực biên giới Syria rõ ràng chứng minh Thổ Nhĩ Kỳ là một nước có thể gây ra sai lầm và gánh nặng cho NATO.
Tướng từng tham chiến ở Việt Nam này cho rằng, NATO cần trục xuất tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ để đề phòng hậu quả. Ông đồng thời nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ sở dĩ bắn rơi máy bay Nga là do muốn thiết lập ảnh hưởng thống trị và duy trì các lợi ích của họ ở khu vực.
Hơn nữa, tướng Paul Valley cũng khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ đã không hợp tác trong chiến dịch chống khủng bố IS và cũng không hợp tác với các thành viên ở Syria.
Trang mạng Sputnik Nga ngày 25 tháng 11 cũng dẫn lời cựu Phó tham mưu trưởng Không quân Mỹ, trung tướng Tom McInerney cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã “phạm sai lầm nghiêm trọng” khi bắn hạ máy bay chiến đấu Su-24 Nga.
Theo tướng McInerney, những dữ liệu theo dõi radar cho thấy, chiếc máy bay này đã vượt ngay rìa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và chỉ ở trong không phận nước này từ 20 đến 40 giây, sau đó Su-24 bắt đầu quay lại không phận Syria.
“Chiếc máy bay này không thực hiện những thao tác cơ động nhằm tấn công lãnh thổ” – tướng McInerney nhận định.
Cựu phó Tham mưu trưởng Không quân Mỹ Tom McInerney |
Tướng McInerney cho rằng, Thổ Nhĩ Kỹ đã lên kế hoạch trước cho việc bắn hạ máy bay Su-24 Nga, mục đích là ngăn chặn khả năng Nga và NATO hợp tác với nhau trong chiến dịch quân sự tại Syria.
Như vậy, đằng sau việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu Nga có rất nhiều điều phải bàn. Nhiều người nghi ngờ, nó hầu như không phải đơn giản là Thổ Nhĩ Kỳ muốn “bảo vệ không phận” khi máy bay chiến đấu ném bom Nga “cố tình” xâm phạm không phận nước này như Thổ Nhĩ Kỳ nói.
Rất nhiều vấn đề liên quan đến lợi ích, an ninh của các bên trong cuộc chiến ở Syria và khu vực Trung Đông. Đó là một khu vực đầy bất ổn với rất nhiều nhân tố, không chỉ là sự đấu tranh giữa các phe phái trong nội bộ Syria, mà còn là cuộc chiến lợi ích giữa các nước trong khu vực cũng như giữa các nước lớn ngoài khu vực này.
Cuộc chiến này có khả năng sẽ còn kéo dài, nhất là khi các mâu thuẫn về lợi ích giữa các bên không thể điều hòa, khi vẫn còn tồn tại mầm mống của chủ nghĩa khủng bố và khi tiếng súng chưa chấm dứt, khi các nước lớn không thể hợp tác với nhau và đứng sau các chủ thể đối lập nhau ở khu vực này.