Bí quyết thu hút nhân tài
Vấn đề quản trị tài sản trí tuệ, sở hữu trí tuệ được các chuyên gia, nhà khoa học đề cập sôi nổi trong khuôn khổ Hội thảo "Phát triển và Chuyển giao Tài sản Trí tuệ" và Lễ trao Giấy Chứng nhận quản trị viên Tài sản trí tuệ đến 90 chuyên viên, trưởng bộ phận và giám đốc tài sản trí tuệ tại các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn TP.HCM.
Thứ trưởng Bộ KH&CN kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Việt Thanh cho rằng, cùng với quá trình sáng tạo và phát triển các tài sản trí tuệ mới, hoạt động quản trị tài sản trí tuệ trong từng doanh nghiệp, trường, viện là rất quan trọng để tạo một môi trường rộng rãi cho việc vận dụng pháp luật sở hữu trí tuệ vào thực tiễn nghiên cứu phát triển, sản xuất kinh doanh, chuyển giao áp dụng và nhân rộng các thành quả sáng tạo vào cuộc sống.
Toàn cảnh Hội thảo "Phát triển và Chuyển giao Tài sản Trí tuệ". |
Trên cương vị Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, ông Trần Việt Thanh cho hay, Chương trình Hỗ trợ phát triển Tài Sản Trí tuệ được bắt đầu triển khai từ năm 2006, qua 10 năm thực hiện, chương trình đã hỗ trợ hầu hết 63 tỉnh thành trên cả nước, qua đó các địa phương đã xác định được vai trò của công tác sở hữu trí tuệ và nâng cao được nhận thức của xã hội về sở hữu trí tuệ.
Hiện nay, hầu hết 63 tỉnh thành địa phương đều coi hoạt động sở hữu trí tuệ là một trong những hoạt động rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương và chúng ta đã xây dựng và bảo hộ được một loạt các cái sản phẩm của các địa phương dưới dạng các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Trong đó có các sản phẩm rất nổi tiếng như "nước mắm Phú Quốc".
“Chúng ta đã thúc đẩy hình thành được các hoạt động về sáng tạo, sáng kiến, sáng chế trong thực tiễn sản xuất kinh doanh cũng như trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ”, ông Trần Việt Thanh cho biết.
Với vấn đề sở hữu trí tuệ trong nghiên cứu khoa học trong trường đại học, TS. Nguyễn Hồng Quang - Trưởng Phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng trong một trường đại học, để điều chỉnh các mối quan hệ trong quá trình tạo lập, ghi nhận, quản lý và khai thác các tài sản trí tuệ, không chỉ có Quy chế Quản trị Tài sản Trí tuệ hay Quy chế Bảo mật, mà còn cần kể đến vai trò quan trọng của một số nội quy khác.
Thứ trưởng Trần Việt Thanh (ngoài cùng bên phải) trao Giấy Chứng nhận quản trị viên Tài sản trí tuệ cho các học viên trải qua Chương trình Đào tạo Quản trị viên Tài sản Trí tuệ tại TP.HCM giai đoạn 2011-2015. |
Trong đó quy định về quản lý hoạt động khoa học và công nghệ tạo cơ sở cho các quá trình phát triển tài sản trí tuệ mới, Quy định về Đạo đức trong giảng dạy và Nghiên cứu khoa học tạo nền tảng văn hóa trong việc tôn trọng Quyền tác giả, Quyền nhân thân và hội nhập vào môi trường khoa học quốc tế, Quy định về Phân phối thu nhập từ hoạt động Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ góp phần hài hòa lợi ích phát sinh từ các tài sản trí tuệ mới...
Theo TS Quang, các quy trình tổ chức thực hiện và quản lý đề tài khoa học công nghệ tại Trường Đại học Quốc tế rất rõ ràng. Cụ thể cách thức định lượng phần đóng góp của các đồng tác giả công trình khoa học, mức thưởng đến 1.500 USD/điểm đối với các bài báo công bố vượt định mức.
Ngoài ra Trường Đại học Quốc tế cũng có chính sách ưu tiên cho sinh viên đứng tên là tác giả đầu tiên đối với các công trình công bố để thuận lợi hơn trong việc xin học bổng nước ngoài, các kết quả so sánh và đánh giá mức độ sao chép quyền tác giả của các luận văn, mức độ tăng trưởng của nguồn vốn từ bên ngoài xã hội trong hoạt động R&D của nhà trường...
“Đó là các nền tảng quan trọng giúp Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM thu hút và đãi ngộ tốt lực lượng giảng viên và nghiên cứu viên tốt nghiệp từ nhiều trường đại học danh tiếng ở nước ngoài, trở thành Trường Đại học công lập đầu tiên giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh và tự chủ về tài chính, với hàng trăm bài báo khoa học công bố hàng năm”, TS Quang cho hay.
TS. Quang cho biết, chủ trương của Đại học Quốc tế là chú trọng nâng dần số lượng đơn đăng ký và các công bố sáng chế, nhằm phục vụ mục tiêu hợp tác phát triển công nghệ và chuyển giao công nghệ trong giai đoạn tiếp theo.
Sớm có mẫu quy chế quản bản quyền trong trường học
Đánh giá về kết quả của Chương trình Đào tạo Quản trị viên Tài sản Trí tuệ tại TP.HCM trong giai đoạn 2011-2015 do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ tổ chức, TS. Đào Minh Đức - Trưởng Phòng sở hữu trí tuệ Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết TP.HCM là địa phương đầu tiên tổ chức "Chương trình Đào tạo Quản trị viên Tài sản Trí tuệ".
Chương trình hướng đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp, trường, viện tự xây dựng hoạt động sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ trong nội bộ.
Thông qua việc tham gia nghiên cứu tại Chương trình, trung bình mỗi năm TP.HCM có trên 20 người được đơn vị ra quyết định bổ nhiệm, phân công vào các chức danh như Chuyên viên Tài sản trí tuệ, Chuyên viên sở hữu trí tuệ, Trưởng Bộ phận hoặc Phòng, Ban Quản trị Tài sản trí tuệ, Giám đốc Tài sản trí tuệ... và chính họ tự xây dựng, ban hành các Quy chế, Quy định, quy trình, thủ tục quản trị tài sản trí tuệ nội bộ của trên 20 doanh nghiệp, trường, viện khác nhau...
Ông Bùi Nguyên Hùng - Cục Trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTT&DL cho rằng hoạt động quản trị tài sản sở hữu trí tuệ nói chung và đặc biệt là quản trị quyền tác giả có tầm quan trọng rất lớn với doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng và cả trung học thuộc các lĩnh vực khác nhau trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch.
Theo ông Hùng, cần xây dựng một hệ thống giáo trình về quản trị tài sản trí tuệ, tổ chức quản lý và khai thác các tài sản trí tuệ phát sinh trong hoạt động của giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên, thí dụ như các luận văn, đồ án tốt nghiệp của sinh viên khi ra trường tạo nên các tác phẩm như tượng đài, kịch bản điện ảnh, kịch bản sân khấu...
“Cục Bản quyền tác giả sẽ chủ trì để sớm ban hành một mẫu Quy chế quản lý Quyền tác giả, Quyền liên quan trong hệ thống các trường ĐH, CĐ và trung học thuộc ngành VHTT&DL”, ông Hùng cho biết.