Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc dẫn tờ “Nikkan Gendai” Nhật Bản ngày 29 tháng 11 đưa tin, về vấn đề Biển Đông, gần đây, Chính phủ Nhật Bản đặc biệt quan tâm, liên tiếp có nhiều động thái, thậm chí quyết định tăng cường hợp tác với Mỹ về vấn đề này, đồng thời tuyên bố sẽ nghiên cứu điều Lực lượng Phòng vệ đến Biển Đông, cùng Quân đội Mỹ tiến hành tuần tra.
Đối với vấn đề này, tờ “Nikkan Gendai” cho rằng, ông Shinzo Abe luôn có dụng ý khác trong vấn đề Biển Đông.
Ngày 19 tháng 11 năm 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp nhau bên lề Hội nghị cấp cao APEC |
Trong khi đó, nhìn vào một loạt phát biểu gần đây của Chính phủ Nhật Bản, chính quyền Shinzo Abe hầu như không còn kiên nhẫn tiếp tục che đậy tham vọng ở Biển Đông, cấp bách muốn dựa vào vấn đề Biển Đông để nhanh chóng thúc đẩy xây dựng hải quân và sức mạnh quân sự của họ.
Theo bài báo, ngày 25 tháng 11 năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani thăm Hawaii và đã tổ chức hội đàm với Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris.
Hai bên xác nhận về việc thúc đẩy các vấn đề như vấn đề xây dựng đảo (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ-Nhật huấn luyện chung và tiến hành viện trợ quân sự cho các nước xung quanh.
Ngoài ra, ngày 19 tháng 11, khi hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama ở thủ đô Manila của Philippines, Thủ tướng Shinzo Abe cũng cho biết: “Đã xảy ra tình hình tàu chiến Hải quân Mỹ tiếp cận khu vực đảo Senkaku, lo ngại tình hình sẽ leo thang”.
Sau khi đề cập tới việc tàu thu thập tình báo của Quân đội Trung Quốc nhiều lần đi vào vùng biển lân cận đảo Senkaku, ông đã tuyên bố sẽ nghiên cứu điều Lực lượng Phòng vệ đến Biển Đông.
Từ ngày 5 đến ngày 6 tháng 11 năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani thăm Việt Nam, trong chuyến thăm ông có ghé thăm vịnh Cam Ranh và hai bên đạt được thỏa thuận cho phép tàu chiến Nhật Bản tiếp cận vịnh Cam Ranh để tiến hành tiếp tế. |
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng làm tốt công tác chuẩn bị liên quan, đã đưa xung đột tiềm tàng giữa Trung-Nhật xung quanh vấn đề Biển Đông vào dự tính, đồng thời muốn bổ sung ngân sách, bắt tay thúc đẩy chuẩn bị vũ khí cần thiết.
Bài báo còn cho biết, tháng 9 năm 2015, có tin cho hay, trong hội đàm với quan chức cấp cao Mỹ vào tháng 12 năm 2014, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản Katsutoshi Kawano đã từng nói: “Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản hiện đã có kế hoạch chế tạo tàu cung ứng lưỡng dụng đổ bộ”.
Bài báo chỉ ra, “tàu cung ứng lưỡng dụng đổ bộ” mà tướng Katsutoshi Kawano nói tới chính là tàu tấn công đổ bộ, là một loại tàu chiến được dùng để cung cấp chi viện trên không và mặt nước ở hậu phương chiến tuyến, khi kẻ thù tiến hành tác chiến đổ bộ ở khu vực duyên hải.
Nó có đường băng rộng có thể tự do vận chuyển máy bay chiến đấu cất hạ cánh thẳng đứng, phụ trách vận chuyển trang bị và lực lượng đánh bộ. Hiện nay, “tàu hộ vệ” lớn nhất của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản là tàu Izumo, lượng giãn nước đầy đạt 26.000 tấn, vượt xa trình độ hiện có của Quân đội Mỹ.
Tàu sân bay trực thăng Izumo của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản |
Theo Motoaki Kamiura - phóng viên về mảng quân sự Nhật Bản, sứ mệnh của Lực lượng Phòng vệ là bảo vệ an ninh lãnh thổ Nhật Bản. Vì vậy, Chính phủ muốn chế tạo tàu chiến khổng lồ dùng để tác chiến đổ bộ không phải là một hiện tượng bình thường, cho dù nó dùng để bảo vệ đảo Senkaku thì quy mô như vậy cũng quá lớn.
Katsutoshi Kawano xuất thân từ Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, ông có ý thức mạnh mẽ đối với truyền thống bảo vệ hạm đội Mỹ của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, cho nên đưa ra kế hoạch mạnh dạn như vậy để tranh thủ ngân sách.
Hiện nay, Nhật Bản vừa triển khai thực hiện quyền tự vệ tập thể, cơ quan quyết sách của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản rất có khả năng lấy lý do vấn đề Biển Đông, âm thầm thai nghén tham vọng.
Theo bài viết, mặc dù trong ngân sách quân sự năm tài khóa 2015, kinh phí nghiên cứu tàu tấn công đổ bộ cũng chỉ 5 triệu nhân dân tệ (trên 921,7 triệu đồng),
nhưng thông tin này đã được quan chức quan trọng của nội các Nhật Bản tiết lộ với cấp cao Quân đội Mỹ, cho thấy việc nhập khẩu tàu tấn công đổ bộ của nội các Shinzo Abe đã là một việc tất yếu phải thực hiện.
Ngày 27 tháng 8 năm 2015, Nhật Bản hạ thủy tàu sân bay trực thăng lớp Izumo thứ hai, đặt tên là Kaga |
Theo tiết lộ của một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản, “chính phủ có kế hoạch tiến hành triển khai tàu tấn công vào năm 2019”.
Tạp chí “Nikkan Gendai” phân tích cho rằng, nhìn tổng quan tình hình trước đây, ngân sách lớn nhất trong lịch sử của Bộ Quốc phòng Nhật Bản là 5.911 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.089,673 nghìn tỷ đồng).
Dựa vào yêu cầu ngân sách như vậy để tính, Bộ Quốc phòng Nhật Bản có thể mua 12 máy bay trực thăng MV-22 Osprey và 11 xe chiến đấu đổ bộ AAV-7.
Nhật Bản hiện đang nóng lòng thúc đẩy công tác chuẩn bị cho tàu tấn công đổ bộ chở vũ khí, đồng thời có kế hoạch lấy lực lượng Hải quân Mỹ làm mẫu, thành lập “trung đoàn cơ động đổ bộ” vào năm 2018.
Ngoài ra, bài báo còn cho biết, trong ngân sách thường niên năm nay đã tiếp tục bổ sung kinh phí chế tạo một chiếc tàu Aegis. Cộng với kinh phí chế tạo 1 – 2 tàu Aegis, tổng cộng lên tới 335,5 tỷ yên (gần 61,85 nghìn tỷ đồng).
Tạp chí “Nikkan Gendai” Nhật Bản cho rằng, nhìn vào kế hoạch tăng số lượng tàu Aegis từ 6 chiếc hiện nay lên 8 chiếc theo kế hoạch của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản lấy vấn đề Biển Đông làm lý do, hết sức nỗ lực phát triển hạm đội kiểu mới lấy tàu tấn công đổ bộ làm trung tâm.
Ngày 24 tháng 11 năm 2015, tại Hawaii, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani (phải) gặp gỡ Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Quân đội Mỹ, Đô đốc Harry Harris. |
Theo phóng viên Motoaki Kamiura, sau tàu sân bay trực thăng Izumo, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản lại chi vốn lớn và đã chế tạo ra chiếc tàu cùng loại mang tên Kaga. Như thế vẫn chưa đủ, hiện nay có kế hoạch tiếp tục chế tạo 1 tàu sân bay trực thăng cùng loại.
Trong khi đó, kinh phí chế tạo tàu tấn công đổ bộ chắc chắn không thấp hơn 300 tỷ yên (gần 55,304 nghìn tỷ đồng). Đối với vấn đề này, báo “Hoàn Cầu” Trung Quốc cho rằng, sức mạnh quốc gia của Nhật Bản không thể gánh được, hơn nữa, tuyên truyền rằng, Mỹ cũng không muốn Nhật mạnh hơn.
Vì vậy, theo báo Trung Quốc, kế hoạch nhập khẩu tàu tấn công đổ bộ lần này của Nhật Bản có thể không được Mỹ chấp nhận.
Theo bài báo, bất kể tham vọng của ông Shinzo Abe như thế nào thì cũng “không thoát khỏi lòng bàn tay” của Mỹ, kế hoạch hiện đại hóa quân đội có thể khó thực hiện thuận lợi.
Đối với sự can dự vấn đề Biển Đông của Nhật Bản, Trung Quốc tỏ ra thật sự lo ngại. Tuy nhiên, Trung Quốc nhân cơ hội này để bịa đặt chứng cứ một cách trắng trợn. Họ cho rằng Nhật Bản đã “xâm chiếm” các đảo đá trên Biển Đông của họ và sau đó họ đã tiến hành “thu hồi”.
Trung Quốc ra sức tiến hành bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự ở Biển Đông |
Đây là một loại tuyên truyền xuyên tạc, là một thủ đoạn lừa đảo, mục đích là lừa gạt những người không hiểu biết ở Trung Quốc và trong cộng đồng quốc tế, làm như Trung Quốc có “chính nghĩa”.
Trên cơ sở bịa đặt trắng trợn này, Trung Quốc cho biết, họ sẽ giữ cảnh giác cao đối với việc Nhật Bản can thiệp vấn đề Biển Đông, nhất là quay trở lại Biển Đông về quân sự.
Trên thực tế, cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, lịch sử chính thống của Trung Quốc đã khẳng định điều đó. Bọn bành trướng lãnh thổ ở Trung Quốc đã dùng một bản đồ vẽ bậy “đường 11 đoạn” của Đài Loan rồi áp đặt ý chí quốc gia vào đó, từ đó dùng vũ lực xâm lược, nhảy vào tranh chấp, gây ra điểm nóng ở Biển Đông hiện nay.
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời sẽ kiên quyết đánh bại “chủ nghĩa bành trướng” đã và đang nổi lên ở Trung Quốc.
Việt Nam cũng sẽ hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế để kiềm chế, ngăn chặn mọi mưu đồ và thủ đoạn bành trướng lãnh thổ, bành trướng quân sự ở Biển Đông của giới bành trướng Bắc Kinh.
Quân đội Việt Nam luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng |