Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 14 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội sáng nay, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Hà Nội trong phát triển kinh tế xã hội, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được cải thiện thường xuyên, an sinh xã hội được bảo đảm, sự nghiệp văn hóa y tế tiếp tục phát triển…
Nhấn mạnh năm 2016 là năm được dự báo tình hình kinh tế chính trị có nhiều diễn biến phức tạp, khó khăn, có nhiều diên biến khó lường, Chủ tịch Quốc hội lưu ý ba vấn đề lớn Hà Nội cần chú trọng:
Thứ nhất, Hà Nội phải đi đầu trong việc phát huy vùng kinh tế thủ đô để tăng cường liên kết, sức cạnh tranh của nền kinh tế, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển văn hóa với bảo đảm an sinh xã hội.
Tại kỳ họp này các đại biểu HĐND cần đánh giá phân tích chính xác tình hình, làm rõ ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân; xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và những giải pháp khả thi để tập trung chỉ đạo thắng lợi các nhiệm vụ đề ra.
Tạo cho được chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ các nhiệm vụ đề ra, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu và nhiệm vụ năm 2016, cũng là năm đầu thực hiện nghị quyết đại hội đảng lần thứ 12, và cũng là năm đầu của kế hoạch 5 năm tới.
“Tôi xin lưu ý các đồng chí, tổng kết nhiệm kỳ là quan trọng nhưng 5 năm tới thế nào thì còn quan trọng hơn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Thứ hai, tiến hành rà soát đánh giá việc thực hiện kinh tế xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Triển khai thực hiện hiệu quả Hiến pháp 2013, Luật Thủ đô, trong đó đặc biệt chú ý đẩy nhanh liên kết vùng Thủ đô; công tác quản lý đô thị, quản lý đầu tư, xây dựng, giao thông, môi trường và phân bố dân cư.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ: “Thủ đô phải đi đầu, phát triển văn minh, văn hóa và hiện đại. Thủ đô là trái tim của cả nước, vừa là vai trò chính trị, văn hóa, vừa là địa bàn của vùng. Không chỉ vùng trọng điểm Bắc Bộ, mà còn là tấm gương của cả nước, cho nên phải nhìn xa”.
Thứ ba, cần chủ động sáng tạo và quyết liệt hơn trong chỉ đạo cải cách hành chính.
“Các đồng chí đứng ở bậc thứ 26, báo cáo thì nói là tiến lên được bảy tám bậc chỉ số cạnh tranh, trong đó có cải cách hành chính.
Làm sao cải cách hành chính giải quyết các vấn đề để chỉ số cạnh tranh nó phải tiến lên. 26 thì không chấp nhận được. 26 là vượt bậc so với trước, nhưng mà 26 thì đã được chưa?
Tôi nói như thế để các đồng chí thảo luận xem. Cải cách hành chính và cải cách thể chế phải đi đầu”, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. nguồn: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Trước đó, ngày 16/4/2015, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2014.
PCI gồm nhiều chỉ số thành phần: Chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền địa phương, môi trường cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý.
Theo những tiêu chí này, thành phố Hồ Chí Minh đứng trong tốp 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu; trong khi đó Hà Nội chỉ đứng thứ 26.
Để sớm đạt được những kết quả tích cực, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Hà Nội phải tiếp tục đổi mới phong cách lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, thiếu sót để thực hiện tốt nhiệm vụ gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 với công tác xây dựng Đảng.
Học tập đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng của Chủ tịch hồ Chí Minh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút ngày càng nhiều hơn các nguồn lực, phát triển kinh tế xã hội Thủ đô, đảm bảo được cuộc sống bình yên, an toàn cho nhân dân.
Kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội
Cũng tại phiên khai mạc Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội lần thứ 14, ông Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Phụ trách Đảng bộ Hà Nội đã phát biểu ghi nhận những nỗ lực của Đảng bộ Hà Nội, của các cơ quan trực thuộc Hà Nội trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, ông Phạm Quang Nghị cũng chỉ ra nhiều tồn tại cần khắc phục, đó là: Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững; Chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh chưa cao; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm;
Ông Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: “Vì danh dự, lòng tự hào và trách nhiệm, nghĩa vụ trước Đảng bộ và nhân dân, mỗi cán bộ đảng viên hãy ra sức phấn đấu vì sự phát triển đi lên của thành phố. Nghiêm túc thực hiện điều cam kết hết sức thiêng liêng nhà nước ta là của dân, do dân và vì dân. Mọi quyền lực là của dân, mọi việc đều vì lợi ích của dân. Trên từng vị trí công tác được phân công, dù là công tác Đảng, công tác chính quyền hay đoàn thế, tất cả chúng ta hãy cùng chung một ý chí, một nguyện vọng, một tiếng nói, cùng chia sẻ, cùng gánh vác trách nhiệm. Mỗi người đều phải thể hiện tấm gương thực hiện phương châm: Nói đi đôi với làm và lôi cuốn mọi người cùng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ nặng nề, cấp bách đang đặt ra cho thành phố chúng ta”. |
Quy hoạch xây dựng quản lý đô thị, trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường… một số mặt còn chưa đáp ứng được yêu cầu so với sự phát triển của Thủ đô; Phát triển văn hóa xã hội chưa thực sự tương xứng với vai trò, tiềm năng, vị thế của Thủ đô.
Những biểu hiện suy thoái tiêu cực trong Đảng, nhất là về phẩm chất, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ Đảng viên, công chức, trong đó có cả lãnh đạo quản lý chưa được ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả.
Ông Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: “Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị. Phấn đấu giảm bớt họp hành, việc phối hợp giữa các cấp, các ngành của thành phố cần khẩn trương, chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Kỷ cương hành chính cần được tiếp tục nâng cao, khắc phục tình trạng trì trệ, chồng chéo, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của bộ máy chính quyền các cấp. Nâng cao đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ công chức trong thi hành công vụ…”.
Cũng trong bài phát biểu sáng nay, ông Phạm Quang Nghị cho biết: “Tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân thành phố sẽ tiến hành kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND thành phố.
Theo nguyện vọng của đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Bộ Chính trị và Chính phủ đã đồng ý để đồng chí Nguyễn Thế Thảo thôi giữ chức Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, tạo điều kiện để thành phố kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tại kỳ họp lần này.
Tại đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ 16 vừa qua, đồng chí Nguyễn Đức Chung – Giám đốc Công an thành phố đã được bầu làm Phó Bí thư Thành ủy. Đồng thời được cấp trên đồng ý, giới thiệu để Hội đồng nhân dân Thành phố bầu làm Chủ tịch UBND thành phố theo đúng quy trình và thủ tục”.