Ngày 2/12, hãng tin BBC có bài phân tích việc Trung Quốc hy vọng sẽ đạt được những gì trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình lần đầu tiên của mình. Hãng thông tấn này cho biết:
"Hồi đầu năm nay, Trung Quốc bắt đầu triển khai hàng trăm binh sĩ tới Nam Sudan để thực hiện sứ mệnh hòa bình của Liên Hợp Quốc – những người lính bộ binh đầu tiên của Trung Quốc được gửi đi tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình bên ngoài đất nước."
Lực lượng gìn giữ hòa bình của Trung Quốc ở châu Phi, ảnh: BBC News. |
Bình phong cho những mục đích khác?
Theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, gìn giữ hòa bình được xác định là "một cách giúp đỡ những nước bị tàn phá do xung đột, để tạo ra các điều kiện cho hoà bình". Những quân nhân gìn giữ hòa bình có nhiệm vụ theo dõi và giám sát tiến trình hòa bình trong những vùng hậu xung đột và giúp đỡ những người từng tham chiến trong việc thực hiện những thỏa thuận hoà bình mà họ đã ký.
Hầu hết các hoạt động gìn giữ hòa bình được thiết lập do chính Liên Hợp Quốc và thực thi bởi những quân nhân và nhân viên phục vụ dưới mệnh lệnh chỉ huy của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, do không có “quân đội của Liên Hợp Quốc” nên những quân nhân và nhân viên gìn giữ hòa bình vẫn thuộc quyền quản lý bởi các đơn vị quân đội của họ.
Hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc là một hoạt động tự nguyện của các quốc gia thành viên, được tham gia với sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và mang tính nhân đạo.
Địa bàn hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình là các quốc gia hay vùng lãnh thổ vừa ra khỏi chiến tranh, nội chiến hay xung đột và ở đó nền hòa bình còn rất mong manh, các lực lượng tại chỗ không đủ khả năng đảm bảo sự ổn định xã hội, không đủ khả năng đảm bảo cuộc sống thanh bình cho người dân.
Tuy nhiên, BBC đã cho biết: “Việc Trung Quốc đưa những người lính bộ binh tham gia hoạt gìn giữ hòa bình chỉ là hình thức, muốn dư luận nhìn thấy rằng họ có lực lượng tham các hoạt động gìn giữ hòa bình thật sự.
Các binh sĩ sử dụng điện thoại di động chụp hình chung với những trẻ em, dưới lá cờ của Nam Sudan, họ chọn một số người bản địa nói một vài lời chứng minh rằng lực lượng gìn giữ hòa bình của Trung Quốc đang làm việc tại đây.
Cùng với đó là đội ngũ nhân viên y tế Trung Quốc mang theo thuốc men và thực hiện tư vấn sức khỏe cho những người già và những người mẹ trẻ. Họ nói Trung Quốc đến đây làm việc bằng trái tim và khối óc.
Tuy nhiên, những người này nhắc nhở người lớn nói trẻ em nên ở trong nhà để tránh tiếp xúc với giới báo chí và qua đó sự thật về hoạt động gìn giữ hòa bình của Trung Quốc đã khác xa với tính chất và mục đích của nó”.
Hoạt động gìn giữ hòa bình đơn thuần là một hoạt động mang tính chất giúp đỡ vô tư thuần túy, phi lợi nhuận, cho dù nó không phải là hoạt động phi chính phủ.
Song, BBC đã phân tích: “ Là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi, có lẽ sứ mệnh của Trung Quốc liên quan đến các hợp đồng làm ăn làm hơn là gìn giữ hòa bình ở châu lục này. Sự hiện diện của Trung Quốc tại các nước đang phát triển gặp khó khăn không "xanh" như sứ mệnh mà nó được kỳ vọng sẽ mang lại”.
Trung Quốc bị cho là lợi dụng hoạt động gìn giữ hòa bình để áp đặt sự lệ thuộc lên Châu Phi
Trung Quốc vẫn nói họ có truyền thống thân thiện “luôn xem khó khăn của bạn như của mình” nên khi đã giúp đỡ thì thường giúp hết sức mình bằng cả sức mạnh của của cải và lực lượng.
Theo BBC: “Người bạn giàu châu Á của các nước châu Phi đã có kế hoạch thành lập một cơ sở tái cung cấp quân sự ở Djibouti và tham vọng gần đây đã được công bố sẽ điều thêm 8.000 cảnh sát cho nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Lực lượng gin giữ hòa bình Trung Quốc hoạt động tại châu Phi, ảnh: BBC News. |
Điều này nhằm tăng cường vai trò của Trung Quốc và vượt ra ngoài phạm vi gìn giữ hòa bình - và theo như nhà phân tích Jakkie Cilliers làm việc tại Viện Nghiên cứu An ninh Anh quốc - đây không chỉ là một sự hoạt động thuần túy của quân đội mà nó như một sự "bình thường hóa" vai trò của Trung Quốc ở châu Phi.
Và ông Cilliers mô tả điều này là một hình thức "đa dạng hóa sự lệ thuộc của người khác vào mình", và Trung Quốc xem như là lẽ đương nhiên cho một cường quốc kinh tế tìm thấy lợi ích của mình ở châu Phi.
Vì vậy, không ngạc nhiên khi quân đội Trung Quốc trong vài tuần qua đã nhanh chóng chuyển từ gìn giữ hòa bình đến phản ứng đối với cuộc chiến chống khủng bố, BBC bình luận.
Và thế là rõ ràng, sự thân thiện của Trung Quốc thể hiện thêm một bước nữa là “luôn xem nhà bạn như nhà của mình” nên cũng luôn giúp “giữ nhà cho bạn” bằng tất cả sức mạnh của lực lượng vốn có. Tuy nhiên họ có giúp một cách vô tư như sứ mệnh mà họ cam kết khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc?.
Nhà nghiên cứu kinh tế James Shikwate Kenya viết cho BBC rằng, Trung Quốc có kế hoạch mở rộng số lượng các "cảng thân thiện" ở châu Phi để bảo vệ lợi ích kinh tế đang phát triển của mình trước kẻ cướp và "khủng bố".
"Rõ ràng hoạt động của Trung Quốc hướng vào đảm bảo an ninh cho các quan hệ kinh tế và đây như hoạt động ngoại giao chỉ tập trung vào thương mại và thương mại", ông James Shikwate bình luận.
Đói nghèo và bất ổn tại châu Phi cũng có một phần trách nhiệm bởi bàn tay của các cường quốc. Ảnh minh họa: Ibtimes. |
Vì vậy, theo như BBC, thì việc triển khai các lực lượng gìn giữ hòa bình của Trung Quốc ở Châu Phi là khởi đầu của một sự gắn kết sâu hơn của nước này trong các vấn đề an ninh toàn cầu, chứ không chỉ là hoạt động gìn giữ hòa bình theo sứ mệnh nhân đạo.
Trung Quốc vừa gìn giữ hòa bình, vừa tranh thủ bán vũ khí?
Theo BBC, cho đến gần đây Trung Quốc đã “chơi trò hai mặt" ở Nam Sudan. Một báo cáo gần đây của Ủy ban về các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc tuyên bố rằng các công ty Trung Quốc cung cấp tên lửa chống tăng và bệ phóng, súng, đạn và tên lửa tới Nam Sudan – nơi mà họ đang tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình.
Việc buôn bán vũ khí được cho là đã dừng lại, nhưng Trung Quốc gầy dựng được nhiều cơ sở với những lợi ích kinh tế rất lớn ở đây nên quyết tâm để bảo vệ.
Trung Quốc được mô tả là chuyên gia "tàng hình" sức mạnh khi chuyển hướng hoạt động gìn giữ hòa bình sang hoạt động chống khủng bố, nhưng lại tuyên bố ủng hộ một chiến lược không can thiệp vào nội tình Châu Phi.
Điều đó có nghĩa là người ta không có khả năng nhìn thấy dấu giày của quân đội Trung Quốc như một phần của hoạt động chống khủng bố, nhưng theo nhà kinh tế James Shikwate thì các vị trí kinh tế của Trung Quốc ở châu Phi lại được nhìn thấy rõ hơn và đang được "gắn bó chặt chẽ" vì lợi ích chiến lược rộng lớn hơn của nó.
Có một ví dụ người ta chứng minh cho tính hai mặt trong trò chơi của Trung Quốc khi cho rằng Trung Quốc tuyên bố chống khủng bố nhưng lại sử dụng tàu chiến của mình giúp hải tặc Somali thoát khỏi bờ biển Đông Phi, để đảm bảo quyền lợi kinh tế của mình không bị tấn công, bất chấp việc đó có thể tiếp tay cho hải tặc hoành hành những quốc gia khác.
Hành động đó cũng được xem như việc nuôi dưỡng khủng bố để giúp cho việc thực hiện những toan tính tiếp theo.
Và BBC kết luận : Mặc dù Chủ tịch Tập Cận Bình đã cảnh báo nghiêm khắc sự trỗi dậy của các cuộc tấn công khủng bố gần đây tại Châu Phi và vấn đề này sẽ gần như chắc chắn sẽ được nêu ra tại hội nghị thưởng đỉnh Châu Phi - Trung Quốc, diễn ra trong tuần này tại Johannesburg.
Tuy nhiên, bất chấp những ngôn ngữ mạnh mẽ từ Bắc Kinh, người ta không nhìn thấy khả năng hành động của quốc gia đông dân nhất trên thế giới hướng vào chống khủng bố, mà Trung Quốc sẽ dựa vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình để tự nhúng sâu hơn vào các hoạt động của Liên Hợp Quốc nhằm phục vụ cho lợi ích riêng của mình.
Như vậy, với những gì mà báo chí đã nêu thì có thể thấy Trung Quốc đã bị cho là lợi dụng là cờ Liên Hợp Quốc, dưới danh nghĩa hoạt động gìn giữ hòa bình để thực hiện những tham vọng của mình. Và qua sự việc này, cái điều mà người ta hay nghi ngại khi nói về chính sách của Trung Quốc là: “Hãy nhìn Trung Quốc làm, trước khi tin những gì Trung Quốc nói”, nay lại được người ta nêu lên qua một hoạt động mang tính nhân đạo tại Châu Phi.