LTS: Trong khi giáo dục phát triển chưa được như kỳ vọng, nhiều vấn đề được đưa ra bàn thảo và cũng đã có các cuộc hội thảo, tọa đàm liên quan tới giáo dục. Xác định giáo dục là “Quốc sách hàng đầu” thể hiện tầm nhìn chiến của của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, khi thực hiện quyết sách này chúng ta chưa làm được bao nhiêu. Bài viết thể hiện quan điểm, văn phong riêng của GS. TS HoàngNgọc Hòa - Hội Kinh tế Việt Nam.
Thực hiện quyết liệt “Quốc sách hàng đầu”
Vì sao? Thứ nhất, đất nước ta đã trải qua 30 năm đổi mới và xây dựng trong hòa bình, 25 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, 25 năm thực hiện quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII và 20 năm thực hiện chủ trương đưa giáo dục - đào tạo cùng với khoa học - công nghệ lên vị trí quốc sách hàng đầu theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 BCHTW Đảng khóa VIII.
Trong bối cảnh cách mạng khoa học - công nghệ, cùng với kinh tế tri thức và toàn cầu hóa phát triển như "vũ bão", tạo ra nhiều thời cơ và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và lần thứ X liên tục chủ trương:
Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế bằng các giải pháp "đi tắt đón đầu"; đổi mới giáo dục - đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ để phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Thế nhưng, kết quả đạt được còn nhiều bất cập. Do đó, Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó có giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ.
Bất cập trên do nhiều nguyên nhân, nhất là: "Nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, của đội ngũ cán bộ, đảng viên chậm được khắc phục; chưa chú trọng đúng mức tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp;
Chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo thực hiện một số chủ trương, quan điểm phát triển đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và các đột phá chiến lược...
Nhiều hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội chậm được khắc phục" (Dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XII).
Thứ hai, để thu hẹp khoảng cách tụt hậu, chúng ta phải liên tục đạt được kết quả phát triển nhanh, bền vững và phải thực hiện có hiệu quả giải pháp "đi tắt, đón đầu".
Ảnh minh họa. Xuân Trung |
Nhân tố cơ bản bảo đảm hiện thực hóa điều này là phải có nguồn lực đủ mạnh, quyết định nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì khoa học - công nghệ và kinh tế tri thức phát triển như "vũ bão", tạo nên nguồn lực dồi dào, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững. Con người có tri thức và kỹ năng trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia.
Thứ ba, con đường duy nhất để nước ta thu hẹp khoảng cách tụt hậu, vươn lên tiến cùng thời đại và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là phát huy cao độ sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp để nắm bắt tốt thời cơ, tận dụng tốt những điều kiện thuận lợi, vượt qua được những thách thức, nguy cơ để phát triển nhanh, bền vững kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Nước ta có sức mạnh to lớn của đại đoàn kết 54 dân tộc anh em, gồm hơn 90 triệu người sinh sống trên đất nước tươi đẹp của mình và 4,5 triệu người định cư ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, nhưng đều là "con lạc cháu hồng" được sinh ra từ cùng một bọc, nên rất thắm thiết nghĩa đồng bào.
Việt Nam là đất nước có lượng lao động rất dồi dào, chiếm 65% dân số cả nước, trong đó có gần 16 triệu lao động từ 15-29 tuổi; có đội ngũ khoa học đông đảo cả ở trong nước và định cư ở nước ngoài, một số nhà khoa học đạt trình độ đỉnh cao khu vực và thế giới.
Là một nước được xếp vị thứ cao trong sử dụng internet và mạng thông tin mở,...
Nhưng do chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt đổi mới giáo dục - đào tạo, phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, ngang tầm vị trí quốc sách hàng đầu;
Mong con "ăn biết nhai, nói biết nghĩ", bà mẹ trẻ gửi tâm thư tới GS.Hồ Ngọc Đại(GDVN) - Tôi rất mong sớm nhận được những câu trả lời thỏa đáng của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, GS.TS Vũ Văn Hùng và những người có trách nhiệm với cuốn sách này. |
Phân bổ đầu tư cho lĩnh vực này còn thấp và dàn trải, sử dụng kém hiệu quả, chưa ưu tiên thích đáng cho việc xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu có tác dụng thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, dẫn tới giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ của nước ta tụt hậu ngày càng xa hơn.
Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản gây trở ngại lớn cho việc phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, nên chưa tạo được sức mạnh tổng hợp để thu hẹp khoảng cách tụt hậu.
Quyết liệt thực hiện ba nội dung để thu hẹp khoảng cách
Theo tôi, thứ nhất tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ hóa có trọng tâm, trọng điểm ba khâu đột phá chiến lược, nhất là đẩy mạnh cải cách hành chính tinh giảm tổ chức bộ máy, biên chế, kịp thời loại bỏ những rào cản phi lý, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho thu hút đầu tư…
Kịp thời khắc phục tình trạng thiếu trường, lớp học kiên cố. Nâng cao chất lượng, hiệu quả xóa đói, giảm nghèo bền vững, nhất là ở miền núi cao, vùng đồng bào dân tộc, vùng có nhiều khó khăn.
Cần thực hiện miễn học phí ở các cấp học từ mẫu giáo đến THPT cho con em các gia đình chính sách, các hộ nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên các trường sư phạm và có chế độ học bổng phù hợp theo kết quả học tập cho tất cả học sinh, sinh viên ngành sư phạm.
Thứ hai, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu lực, hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề, trước hết là những vấn đề cấp bách để tạo được bước ngoặt mang tính đột phá trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng trong mọi tình huống.
Trước hết phải khẩn trương tiến hành rà soát, kiểm kê số lượng nhân lực đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, nhưng chưa tìm được việc làm đúng ngành, nghề đào tạo.
Từ đó tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành và ngoại ngữ theo yêu cầu của thị trường lao động trong nước và xuất khẩu để sử dụng có hiệu quả đội ngũ nhân lực này.
Kiên quyết sắp xếp lại hệ thống các cơ sở giáo dục - đào tạo và dạy nghề thành 5 nhóm với sự phân định rõ ràng về mục tiêu đào tạo, số lượng và cơ cấu ngành, nghề đào tạo.
Nhóm 1: Các trường đại học định hướng nghiên cứu
Nhóm 2: Các trường đại học định hướng ứng dụng
Nhóm 3: Các trường đại học định hướng thực hành
Nhóm 4: Các trường cao đẳng và trung cấp đào tạo nghề
Nhóm 5: Các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề ngắn hạn
Nội dung đào tạo cần bảo đảm có tính liên thông giữa nhóm 1 và 2, nhóm 3 và 4.
Giáo dục Việt Nam đang đứng ở đâu trên bảng thứ hạng ASEAN?(GDVN) - Điểm qua bức tranh giáo dục của một số nước quanh ta để thấy vị trí của giáo dục Việt Nam nằm ở đâu? |
Khẩn trương thực hiện đồng bộ, có hiệu quả quá trình phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông hoặc trung học hướng nghiệp thông qua thi tuyển.
Những học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có tiềm năng trí tuệ tốt, đạt các yêu cầu của kỳ thi tuyển trung học phổ thông được tổ chức công bằng, nghiêm túc sẽ vào học trung học phổ thông theo yêu cầu của các trường Đai hoc nhóm 1 và sẽ thi tuyển vào một trong những trường Đại học nhóm 1.
Những học sinh tốt nghiệp trung hoc cơ sở không trúng tuyển hoặc không dự thi trung hoc phổ thông sẽ dự thi vào các trường trung học hướng nghiệp sau khi tốt nghiệp sẽ thi vào các trường Đại học nhóm 2 hoặc nhóm 3 theo sự lựa chọn.
Nếu kết quả thi không đậu Đại học nhóm này, nhưng đạt từ 10 điểm trở lên thì vào học các trường cao đẳng nghề. Số học sinh tốt nghiệp trung học hướng nghiệp còn lai vào hoc các trường trung cấp nghề hệ 1 năm.
Số học sinh không tốt nghiệp hệ trung học hướng nghiệp và học sinh tốt nghiệp trung hoc cơ sở sẽ vào học tại các trường trung cấp nghề hệ 2 năm, hoặc vào học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên hay trung tâm dạy nghề ngắn hạn.
Tăng cường đầu tư vốn ngân sách nhà nước gắn với vốn Chính phủ cho các nhà đầu tư vay lại từ nguồn ODA và vốn xã hội hóa, bảo đảm cho các cơ sở giáo dục - đào tạo và dạy nghề có đủ cơ sở vật chất - kỹ thuật cần thiết để nâng cao số lượng, chất lượng đào tạo nhân lực theo cơ cấu phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động.
Thứ ba, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt nhiệm vụ phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ ngang tầm với vị trí quốc sách hàng đầu, tạo nền tảng, động lực cho thực hiện giải pháp "đi tắt, đón đầu" trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Gắn với phát triển kinh tế tri thức để tạo ra nhiều máy móc, thiết bị, phương tiện kỹ thuật mới hiện đại, giúp "nối dài", "khuyếch đại" sức mạnh của đội ngũ nhân lực chất lượng cao nhằm tăng nhanh năng suất lao động, hiệu quả kinh tế, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh tham gia có hiệu quả cộng đồng kinh tế ASEAN và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm để thu hẹp khoảng cách tụt hậu, nâng cao năng lực an ninh, quốc phòng đủ sức bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.