Thầy Văn Như Cương: VNEN là gì nếu chúng ta làm chỉ để tiêu hàng chục triệu USD?

06/12/2015 08:14
Phương Thảo
(GDVN) - “Tôi thắc mắc rằng, nếu thí điểm VNEN thành công thì có đưa vào cải cách giáo dục sắp tới, như vậy thì toàn bộ truyền thống dạy học của chúng ta sẽ bỏ đi?

Thầy Văn Như Cương khi bình luận về Dự án trường học mới (VNEN) thì tỏ ra băn khoăn và ái ngại nhiều điều. Viết tiếp các bài chủ đề “Mô hình trường học mới” PGS. Văn Như Cương cho rằng, liệu VNEN có liên quan gì tới những đổi mới của giáo dục Việt Nam trong thời gian tới?

“Như tôi hiểu, Ngân hàng thế giới tài trợ 86 triệu USD cho dự án, nếu hoàn thành thì sẽ tiếp tục cho giai đoạn 2 (áp dụng lên tới THCS), nhưng trước hết 86 triệu USD này vẫn chưa được báo cáo, chưa được tổng kết là chi vào những việc gì?. 

Những cơ sở được thụ hưởng dự án VNEN là bao nhiêu, và được thay đổi như thế nào sau khi áp dụng…, thứ nữa tại sao chúng ta lại phải lấy một mô hình của nước Colombia – một mô hình xuất phát từ ghép lớp ở nước khó khăn?

PGS. Văn Như Cương băn khoăn về tính khả thi của VNEN. Ảnh Phương Thảo
PGS. Văn Như Cương băn khoăn về tính khả thi của VNEN. Ảnh Phương Thảo

Trong khi lớp ghép chúng ta đã làm từ lâu. Nhưng thế giới họ đề nghị chúng ta thực hiện với mục đích gì thì tôi cũng chưa hiểu, nhân dân cũng chưa hiểu” PGS. Văn Như Cương băn khoăn.

Với điều kiện cơ sở vật chất như ở Việt Nam hiện tại, muốn thực hiện được mô hình VNEN thì mỗi lớp phải kê bàn ghế thành 6 “mâm”, mỗi “mâm” 6-7 người, các em không chỉ cứ cúi xuống để “ăn” mà phải vẹo đầu nhìn lên bảng do vị trí và ghế ngồi không phải ghế xoay. 

Điều này, theo PGS. Văn Như Cương thì đã có nhiều người kêu. Bởi mô hình VNEN chúng ta áp dụng một cách y nguyên thì ngân hàng thế giới mới cấp tiền, đến mức độ lớp trưởng cũng thay bằng “chủ tịch hội đồng tự quản”, vấn đề này người dân, xã hội đã phản ứng mạnh. Vậy theo PGS. Cương cứ để tên gọi là “lớp trưởng” thì đã sao?

“VNEN đã dập khuân một cách máy móc (từ cách ngồi học, lớp trưởng, bầu bán lớp trưởng đều có quy trình), tôi không hiểu những điều đó để làm gì. Tôi suy nghĩ không biết có đúng không nhưng chúng ta phải làm như vậy để được lĩnh tiền? Như thế thì vô lí quá. Trong tất cả các dự án về giáo dục, nói chung dự án nào cũng vấp phải chất lượng của dự án” PGS. Văn Như Cương nhấn mạnh.

Thầy Văn Như Cương: VNEN là gì nếu chúng ta làm chỉ để tiêu hàng chục triệu USD? ảnh 2

"Giáo viên và học trò vật lộn với sách của GS. Hồ Ngọc Đại, chóng mặt với VNEN"

(GDVN) - Ngoài bất cập về cơ sở vật chất, sách giáo khoa, đội ngũ thì bất cập về thiết bị dạy-học cũng đang gây không ít khó khăn để triển khai mô hình VNEN.

Nhân chuyện nói về các dự án trong giáo dục, tính khả thi và chất lượng của dự án rất khó định lượng. PGS. Văn Như Cương lấy ví dụ, nếu như chúng ta đấu thầu với nhà thầy một con đường, con đường này 1 tháng sau có thể lún, điều đó ai cũng biết về chất lượng.

Ngược lại, với những dự án kiểu như VNEN không ai kiểm chứng được sự thành công hay thất bại (có thể sự thành công của dự án là học sinh của một vùng đến trường đầy đủ, nhưng khi kết thúc dự án các em lại bỏ học?).

“Trong giáo dục tham ô tôi không nói, chắc là ít hơn ngành khác, nhưng làm như VNEN là lãng phí rất lớn. Dự án thì phập phù, không minh bạch, không báo cáo, không tổng kết, không định lượng được. Tôi nghĩ đây là một vấn đề rất lớn của giáo dục” PGS. Văn Như Cương cho biết.

Chính vì vậy, từ những nhận định trên PGS. Văn Như Cương cho rằng, vấn đề lớn nhất là Bộ GD&ĐT thường không lắng nghe, hoặc lắng nghe cho có.

Với mô hình VNEN đã có nhiều phụ huynh, thầy cô giáo lên tiếng, rõ nhất là chuyện tuyển sinh vào lớp 6, các em học theo mô hình VNEN khi vào lớp 6 thường phải có quá trình đào tạo lại từ việc hướng dẫn làm bài kiểm tra 15 phút như thế nào, làm bài ở nhà như thế nào, vì cấp tiểu học các em không được chấm điểm.

“Tôi thắc mắc rằng, nếu thí điểm VNEN mà kết quả thành công thì có đưa vào cải cách giáo dục sắp tới hay không, như vậy thì toàn bộ truyền thống dạy học của chúng ta sẽ bỏ đi? Và tất cả cấp tiểu học sẽ theo của Colombia?” PGS. Văn Như Cương đặt vấn đề.

Trong khi đó, PGS. Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) nhận định, với mô hình trường học mới thì cơ sở vật chất không cần nhiều, mà chủ yếu áp dụng để thay đổi phương pháp. Nếu trước kia học sinh ngồi theo hàng thì với VNEN các em ngồi bàn tròn lại để học.

Tuy nhiên, một điều băn khoăn của các nhà giáo, liệu khi năm 2016 dự án VNEN kết thúc thì có được áp dụng tiếp tục, và có gắn kết gì với chương trình, sách giáo khoa hay không?

PGS. Nguyễn Kế Hào cho rằng, mọi dự án khi kết thúc và lúc hết tiền thì dừng lại. Nhưng khi áp dụng VNEN vào Việt Nam cũng ít nhiều khuấy động làm thay đổi, nhưng điều này là ít.

Trang trí một lớp học VNEN tại trường tiểu học Sơn Tây, Hương Sơn (Ảnh: Lê Văn Vỵ)
Trang trí một lớp học VNEN tại trường tiểu học Sơn Tây, Hương Sơn (Ảnh: Lê Văn Vỵ)

Dự án trường học mới là một Dự án về sư phạm nhằm xây dựng và nhân rộng một kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, dự án này sẽ kết thúc vào năm 2016.

Việc triển khai một mô hình giáo dục mới từ nước Colombia vào Việt Nam, ít nhiều theo PGS. Nguyễn Kế Hào là không có hại nếu chúng ta biết giới hạn. Nội dung VNEN được xây dựng trên nền bộ sách cũ và chỉ áp dụng phương pháp mới để biên soạn lại và in lại cho học sinh. 

“Mọi sự cải tiến đều có thể đem lại lợi ích, cũng như giáo viên soạn giáo án tốt thì sẽ đem lại kết quả. VNEN làm trên diện rộng, khi dự án kết thúc có thể những năm tới giáo viên vẫn dạy theo VNEN, hoặc có thể dạy như chương trình cũ, vì căn bản là thay đổi phương pháp” PGS. Nguyễn Kế Hào cho biết.

Lí do vì sao không áp dụng VNEN ở thành thị, PGS. Nguyễn Kế Hào cho rằng ở thành thị số lượng học sinh/lớp quá đông nên không thể áp dụng được, mở miền núi, vùng sâu vùng xa lớp ít học sinh nên mới có thể kê bàn ghế để ngồi như VNEN.

“Nguồn kinh phí cho VNEN không phải trả lại, đã có yếu tố nước ngoài thì chúng ta phải tiêu tiền đúng theo những gì đã ký. Tôi thấy áp dụng VNEN thì học sinh được chơi, được thích, nhưng học sinh thích thì không phải cái gì cũng đúng. Nếu cho học sinh hê-rô-in cũng thích chứ, nhưng cái thích đó có đúng hay không, có lợi hay không?” PGS. Hào nhận định.

Mô hình trường học mới (VNEN) đang trong giai đoạn kết thúc thử nghiệm tại các địa phương, nhiều nơi đã lên tiếng về sự bất cập khi triển khai dự án. Các thầy cô, nhà giáo đang trực tiếp thực hiện thí điểm dự án này có thể lên tiếng bằng cách gửi bài cho tòa soạn theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn.
Phương Thảo