Tờ Tin tức Tham khảo, một phụ san của Tân Hoa Xã ngày 5/12 dẫn nguồn báo Nihon Keizai Shimbun Nhật Bản hôm 4/12 đưa tin, kinh phí phòng vệ năm 2016 của Nhật Bản sẽ lần đầu tiên vượt 5.000 tỷ yên (khoảng 40,7 tỷ USD), chủ yếu dùng để tăng cường trang bị phòng vệ để thích ứng với nhiệm vụ mới của Luật bảo đảm an ninh sẽ có hiệu lực từ tháng 3 năm 2016.
Máy bay cảnh báo sớm E-2D |
Kinh phí di dời căn cứ Futenma của Quân đội Mỹ cũng đội lên. Nhật Bản và Mỹ tồn tại bất đồng rất lớn về kinh phí dành cho quân Mỹ đóng ở Nhật Bản mà phía Nhật Bản phải gánh chịu, chính phủ nóng lòng với việc bù đắp.
Theo bài báo, kinh phí cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong đó bao gồm chi phí tái tổ chức của Quân đội Mỹ từng bước giảm xuống với đỉnh điểm là năm tài khóa 2002, nhưng sau khi ông Shinzo Abe quay trở lại làm Thủ tướng, ngân sách năm tài khóa 2013 bắt đầu tăng trở lại.
Ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2015 đạt 4.980,1 tỷ yên, trên cơ sở đó, năm tài khóa 2016 sẽ tăng đến 5.040 tỷ yên. Như vậy, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản tăng 4 năm liên tục.
Đặc điểm của ngân sách quốc phòng Nhật Bản năm tài khóa 2016 là tăng cường năng lực phòng vệ để thực hiện nhiệm vụ mới theo quy định sau khi thực hiện Luật bảo đảm an ninh.
Máy bay vận tải cánh xoay nghiêng V-22 Osprey |
Kế tiếp sau năm tài khóa 2015, Nhật Bản sẽ nhập máy bay cảnh báo sớm E-2D thứ hai, hỗ trợ cho thực hiện quyền tự vệ tập thể - bảo vệ tàu chiến của Quân đội Mỹ, chẳng hạn như: dò tìm thông tin về tên lửa dùng để chống tàu chiến Mỹ, truyền tới tàu Aegis của Lực lượng Phòng vệ Biển để đánh chặn.
Lực lượng Phòng vệ còn muốn tiếp tục tăng cường phòng vệ đảo nhỏ chống lại hoạt động trên biển của Trung Quốc, có kế hoạch mua sắm 12 máy bay vận tải cất hạ cánh thẳng đứng Osprey (có thể nhanh chóng vận chuyển lực lượng), xe tăng chiến đấu đổ bộ (có thể đổ bộ tác chiến đảo nhỏ), xe chiến đấu cơ động (có hỏa lực như xe tăng và có thể di chuyển tốc độ cao), đồng thời sẽ sớm mua sắm 17 máy bay trực thăng tuần tra SH-60K (loại máy bay giỏi trinh sát tàu ngầm), 7 máy bay chiến đấu tàng hình F-35.
Ngoài ra, để thực hiện tác chiến thống nhất giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản với Quân đội Mỹ, kinh phí mua sắm máy bay tiếp dầu mới KC-46A dùng với máy bay chiến đấu Quân đội Mỹ cũng sẽ được đưa vào.
Máy bay tiếp dầu KC-46A |
Bối cảnh tăng kinh phí phòng vệ là sự thay đổi nhanh chóng của môi trường an ninh. Kinh phí quốc phòng trong 10 năm của Trung Quốc tăng trưởng lớn, gia tăng số lượng máy bay chiến đấu và tàu ngầm, kinh phí năm tài khóa 2015 gấp hơn 3 lần Nhật Bản.
Ngoài ra CHDCND Triều Tiên đang thúc đẩy nghiên cứu vũ khí hạt nhân "thu nhỏ" và nâng cao tính năng của tên lửa đạn đạo.
Kinh phí di dời căn cứ Futenma cũng sẽ tăng mạnh trên cơ sở 142,6 tỷ yên của năm tài khóa 2015.
Chính phủ Nhật Bản xác định phương án di dời Henoko là "sách lược giải quyết duy nhất" của vấn đề căn cứ Futenma, trong năm sắp bắt tay xây dựng đê kè, bắt đầu công việc bồi đắp toàn diện.
Vào tháng 10, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu xây dựng các công trình chính như di dời khí tài cần thiết.
Theo cán bộ của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, đưa kinh phí cần thiết cho di dời vào kinh phí phòng vệ nhằm "thể hiện tư thế thúc đẩy di dời một cách thiết thực".
Máy bay chiến đấu F-35B Mỹ |
Về gánh vác kinh phí của quân đồn trú Mỹ ở Nhật Bản sau năm tài khóa 2016, Nhật Bản và Mỹ còn đang bàn bạc. Xét tới tình hình tài chính nghiêm trọng, Nhật Bản yêu cầu giảm mức hiện hành (năm tài khóa 2015 là 189,9 tỷ yên), nhưng do Mỹ tăng cường triển khai tàu Aegis ở căn cứ Yokosuka, họ yêu cầu tăng lên, hai bên vẫn chưa đạt được đồng thuận.