South China Morning Post ngày 6/12 dẫn lời các nhà phân tích nhận định, 4 đường băng quân sự mà Trung Quốc xây dựng, cải tạo ở Biển Đông là vấn đề nhức đầu đối với các bên yêu sách khác. Kế hoạch rõ ràng phát triển 4 đường băng này của quân đội Trung Quốc sẽ tác động rõ rệt đến cán cân lực lượng ở Biển Đông.
Chiến đấu cơ J-11 Trung Quốc đặt bất hợp pháp trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, Đà Nẵng, Việt Nam. |
Trung Quốc bồi lấp xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) trên 7 thực thể ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) đã tăng gấp 4 lần số đường băng quân sự cho hải quân Trung Quốc trong vùng biển chiến lược quan trọng. Việc bồi lấp bằng cách phun bê tông, bơm cát lên các rặng san hô đã tạo ra diện tích mặt bằng lớn chưa từng có.
Hiện nay Trung Quốc đang gấp rút thúc đẩy các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng cầu cảng, nhà cửa và quan trọng nhất là 3 đường băng dài 3000 mét ở đá Vành Khăn, Chữ Thập và Xu Bi. Trước đó Trung Quốc cũng đã nối dài một đường băng trên đảo Phú Lâm (Hoàng Sa, Đà Nẵng, Việt Nam).
Euan Graham, Giám đốc Chương trình an ninh quốc tế tại Viện Lowy ở Sydney, Úc nói với AP, các căn cứ này có tác động đáng kể đến cán cân lực lượng ở Biển Đông khi hải quân và hải cảnh Trung Quốc có thể tăng cường sự hiện diện. Trong khi Bắc Kinh vẫn khăng khăng nói rằng các công trình trên đảo nhân tạo là vì "mục đích hòa bình", các nhà phân tích nói rằng đó là mối đe dọa cho hòa bình và ổn định trong khu vực.
Nhận định này càng được củng cố khi Trung Quốc điều động chiến đấu cơ J-11BH/BHS tiên tiến của mình ra đồn trú (bất hợp pháp) trên đảo Phú Lâm trong tháng 10. Đường băng trên đảo Phú Lâm dài 2,4 km sẽ sớm bị vượt qua bởi đường băng dài trên 3 km ở Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn.
Khi chiến đấu cơ Trung Quốc được bố trí (bất hợp pháp) trên 3 đường băng này, chúng có thể đe dọa các bên yêu sách khác, đặc biệt là Philippines và Việt Nam. Nó cũng làm phức tạp các hoạt động của quân đội Hoa Kỳ trong việc tuần tra bảo vệ tự do, an toàn hàng không hàng hải ở Biển Đông.
"Trong những giai đoạn căng thẳng, giá trị hăm dọa của các cuộc tuần tra trên không từ các đảo nhân tạo này sẽ lớn đáng kể", Graham bình luận. 3 đường băng này cho phép máy bay của Trung Quốc có thể tiếp nhiên liệu, sửa chữa, tái vũ trang đạn dược nếu cần thiết mà không phải bay hơn 1000 km về căn cứ ở đảo Hải Nam, Hans Kristensen từ Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ bình luận.
Tuy nhiên những đảo nhân tạo này cũng dễ bị đánh bom trong một cuộc xung đột, sự hiện diện của chúng yêu cầu các đối thủ phải có kế hoạch và nỗ lực bổ sung. Nếu Trung Quốc công bố áp đặt đơn phương một vùng nhận dạng phòng không trên tất cả hoặc một phần Biển Đông, các đường băng này có thể được sử dụng cho các hoạt động tuần tra (bất hợp pháp).
Các đường băng này cũng sẽ hữu dụng khi Trung Quốc phát triển chương trình chế tạo tàu sân bay của họ, đặc biệt là đào tạo phi công đổ bộ ban đêm mô phỏng các hoạt động tác chiến trong điều kiện khó khăn. Tuy nhiên tính hữu dụng của chúng bị hạn chế bởi cần một lượng lớn nhiên liệu cho các máy bay phản lực.
"Nếu chúng ta bắt đầu nhìn thấy bằng chứng vệ tinh cho thấy các kho lưu trữ nhiên liệu quy mô lớn trên các đảo nhân tạo, đó là chỉ dấu rõ ràng rằng Trung Quốc đang có kế hoạch phát triển chúng thành căn cứ không quân hoạt động", Graham bình luận.