Gen “hòa” và triết lý “lô đề”

12/12/2015 08:10
Xuân Dương
(GDVN) - Nghe và biết người ta nói dối mà vẫn vỗ tay hoan hô thì hoặc là “ngây thơ quá” hoặc là “cao minh quá”. Có điều “thái quá bất cập”, cái gì “quá” cũng không tốt.

Theo thông tin từ Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam (VMS-South): “Tàu Hải Đăng 05 theo định kỳ có nhiệm vụ tiếp tế, kiểm tra và đưa công nhân thay ca cho các công nhân quản lý vận hành đèn biển do VMS-South quản lý tại quần đảo Trường Sa”.

Trong hành trình từ đảo Sơn Ca đến đảo Song Tử Tây, thuyền trưởng tàu Hải Đăng 05 Trần Văn Ngà cho biết: “Tàu chiến 995 của Trung Quốc mở bạt pháo 37 ly, điều khoảng 10 người mặc quân phục dàn đội hình chiến đấu và chĩa AK từ boong tàu 995 sang tàu Hải Đăng 05”. 

Đọc diễn văn tại Quốc hội Việt Nam, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Dân tộc Trung Hoa từ trước đến nay đều yêu hòa bình, cái gen “hòa” của dân tộc từ trước tới nay đều không thay đổi, “hòa” trong văn hóa được bảo lưu trường tồn, mãi mãi”. [1]

Gen “hòa” và triết lý “lô đề” ảnh 1
Đọc diễn văn tại Quốc hội Việt Nam, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Dân tộc Trung Hoa từ trước đến nay đều yêu hòa bình, cái gen “hòa” của dân tộc từ trước tới nay đều không thay đổi..." (Ảnh: vietnamnet.vn)

Nhắc đến hai chữ “văn hóa” trong diễn văn của Chủ tịch Tập, người ta không thể không nghĩ đến các tác phẩm văn học nổi tiếng của Trung Quốc như Tam quốc diễn nghĩa, Đông Chu liệt quốc,…hay như bộ phim “Khúc hát sa mạc” mới chiếu trên truyền hình gần đây.  

Cốt lõi của các tác phẩm này là những cuộc chiến mà các triều đại phong kiến Trung Quốc đã tiến hành nhằm tranh giành lãnh thổ và xâm chiếm lân bang.

Sau chữ “Hòa” mà ông Tập nói trước Quốc hội Việt Nam là chuyện mở bạt che pháo và chĩa súng vào tàu Việt Nam, vậy liệu có đúng cái gen “hòa” của dân tộc Trung Hoa từ trước tới nay đều không thay đổi”?

Gen “hòa” và triết lý “lô đề” ảnh 2

Chơi dao sắc có ngày đứt tay

(GDVN) - Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan: Chủ nghĩa dân túy có thể chiếm quyền điều khiển phản ứng chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo thống kê chưa đầy đủ trong bài viết “Danh sách các trận đánh trong lịch sử Trung Quốc” [2] tính từ thời nhà Hán (206-202 TCN) đến nay người Trung Quốc đã tiến hành 1.043 trận đánh lớn hoặc chiến dịch quy mô. 

Chỉ tính thời nhà Hán, từ năm 206 trước công nguyên (TCN) đến năm 184 sau công nguyên (SCN), trong gần 400 năm Trung Quốc đã tiến hành 61 cuộc chiến tranh trong đó có 6 cuộc chiến tranh xâm lược láng giềng bao gồm: 

Năm 112 TCN-Hán bình định Nam Việt; 

Năm 111 TCN-Hán bình định Đông Việt;
 
Từ năm 111 TCN-đến năm 110 TCN: Hán bình định Tây Khương; Năm 40-Năm 43: Chiến tranh nhà Hán chống cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (Nam Việt); 

Năm 30-Năm 185 Chiến tranh Đông Hán bình định tộc Khương; 

Năm 73-Năm 17: Chiến Tranh Đông Hán với các nước Tây Vực.

Tìm hiểu kỹ một chút nữa, trong 1.043 cuộc chiến mà người Trung Quốc tiến hành có 105 cuộc chiến với các quốc gia, dân tộc khác, ngoại trừ một số cuộc chiến chống xâm lăng như “Chiến tranh Nha phiến”, “Chiến tranh chống Nhật”… hầu hết các cuộc chiến mà người Trung Quốc tiến hành đều là xâm chiếm đất đai các nước láng giềng.

Như vậy, trong vòng 2.200 năm, bình quân (làm tròn) cứ hai năm người Trung Quốc lại tiến hành một cuộc chiến quy mô lớn, cứ 10 cuộc chiến thì có 1 cuộc đánh nhau với các quốc gia lân bang nhằm mở rộng lãnh thổ (ngoại trừ một số cuộc chiến chống xâm lược).

Những con số nêu trên có phải là bằng chứng cho thấy gen "hòa” của người Trung Quốc được duy trì từ thời cổ đại đến nay?

Gen “hòa” và triết lý “lô đề” ảnh 3

Ăn bám để sống, sống để ăn bám!

(GDVN) - Cánh “ăn bám” không chỉ xem ăn bám là phương tiện mà còn là lý tưởng: ăn bám để sống, sống để ăn bám, phấn đấu để ăn bám, chết cũng để được “bám”!

Phát biểu của ông Tập trong chừng mực nào đó là đúng với người dân lao động Trung Quốc ngày xưa, vốn theo triết lý “Quân – Sư – Phụ”, coi vua còn trên cả cha mẹ. Các cuộc chiến đều do tầng lớp vua chúa tiến hành mà người dân chỉ là con tốt trên bàn cờ quyền lực. 

Còn người dân Trung Quốc thời cận đại, như Lỗ Tấn đã phải viết trong “AQ chính truyện”, không phải chỉ là mang “gen hòa” mà còn được đại diện bởi cách nghĩ: “Nó đánh mình thì khác gì nó đánh bố nó.Thật thời buổi này hết chỗ nói”.

Sở dĩ nói “đúng với người dân lao động Trung Quốc ngày xưa” chứ không phải ngày nay, bởi vì ngày nay “chủ nghĩa dân túy” theo cách nói của một số học giả, còn theo cách nói phổ thông là “chủ nghĩa dân tộc cực đoan” đang được giới tinh hoa gieo rắc đến tận các hang cùng ngõ hẻm.

Sau thời kỳ “giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình, dễ dàng nhận thấy não trạng AQ trong người Hoa đã bị tẩy sạch, họ đã được “tái trang bị” bởi tư tưởng mới: “một cuộc chiến có thể đem lại 10 năm hòa bình (ý kiến trên mạng xã hội Sina Weibo)”?

Vì sao không dùng số ít, rằng “một bộ phận” người Hoa được “tái trang bị…” mà dùng số nhiều?

Vì kết quả của một cuộc thăm dò do Thời báo Hoàn Cầu – cơ quan trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc  công bố cho thấy, với gần 1.500 người ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thành Đô, Tây An, Thẩm Dương...

Khi được hỏi ý kiến, gần 80% ủng hộ Trung Quốc “sử dụng vũ lực để đập tan các hành động gây hấn và xâm phạm” trên Biển Đông. Chỉ vỏn vẹn 16,6% là nói không. [3]

Xem thế để thấy quảng bá cho gen “hòa” của người Trung Quốc khi 80% người dân nước này muốn chiến tranh ở Biển Đông thực chất cũng vẫn chỉ là những truyền nhân của học thuyết Tôn Tử “Binh bất yếm trá” (khi dùng binh việc dối trá là đương nhiên), đó cũng là điều “từ trước tới nay đều không thay đổi”.

Đến một số chung cư cao tầng ở Hà Nội, nhà vài chục tầng không có tầng 13 mà là 12 và 12A. Con số 13  ứng với Tông đồ thứ 13 của chúa Jesu, kẻ phản chúa do vậy người ta kiêng, không thích con số này.

Người phương Đông coi số lẻ 1, 3, 5… là số sinh, các số chẵn 2, 4, 6… là số tử. Trong các “số tử” có một số gọi là “trùng tử” là số 4 vì nó vừa là số chẵn lại ứng với bước thứ 4 trong vòng đời “sinh – lão – bệnh – tử”.
 
Từ cách nghĩ đó không bao giờ người ta xây cầu thang từ tầng nọ lên tầng kia với số bậc chia hết cho 4 bởi nếu không bước chân vào tầng mới sẽ là “bước tử”. 

Người mê tín, nhất là dân “lô đề” coi số 7 (thất) là mất, là “bất” nên số 72, 74 được xem là “bất tử” hay sim điện thoại đuôi 0404 là sim đẹp vì đó là “không chết, không chết”!

Nói thêm một chút ngoài lề không phải để cho vui, không phải để khuyến khích mê tín dị đoan,  mà muốn nhân đây diễn giải một điều khác.

Trong quan hệ đối ngoại, giới học giả quốc tế đều cho rằng  phần lớn những lời lẽ ngoại giao đều là những lời “nói dối chân thật”, nghĩa là cả người nói và người nghe đều biết đó là nói dối.

Người Trung Quốc nhận Kinh Dịch là tác phẩm của họ từ thời cổ đại, lại là hậu nhân của Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử…không có lý giới lãnh đạo Trung Quốc không biết đến con số “trùng tử”? 

Chẳng qua họ nắm quá rõ tâm lý người Việt, kể cả tâm lý dân “lô đề”, nếu có ai đó cho rằng khi quảng bá 4 tốt và 16 chữ, các con số này đều chia hết cho 4, đều dẫn tới bước “tử” thì họ bảo rằng không phải vậy đâu, đó là 04 và 4 lần 04 tức là 16, tức là “không chết, không chết”?

Nghe và biết người ta nói dối mà vẫn vỗ tay hoan hô thì hoặc là “ngây thơ quá” hoặc là “cao minh quá”. Có điều “thái quá bất cập”, cái gì “quá” cũng là không tốt. 

“Ngây thơ quá” thì dễ “ăn” quả lừa, “cao minh quá” đến mức làm cho mọi người dành hết niềm tin vào sự “cao minh” không khéo có ngày lại mang họa, vậy nên có vỗ tay thì cũng nên vỗ cầm chừng cho phải phép.

Gen “hòa” và triết lý “lô đề” ảnh 4

Khuyến khích cán bộ nói, để biết khả năng cán bộ làm!

(GDVN) - Quan điểm “nhìn việc cán bộ làm, đừng nghe cán bộ nói” đã đến lúc phải thay đổi thành hãy khuyến khích “cán bộ nói” để từ đó đánh giá “khả năng cán bộ làm”.

Cho nên “quân tử phòng thân, tiểu nhân phòng bị gậy”, lúc nào cũng phải đề phòng, trước hết là “phòng thân” bởi chuyện quốc gia đại sự, chẳng ai lo hộ cho mình kể cả đồng chí tốt. 

Thời buổi mà các nước lớn luôn đi đêm trên lưng nước nhỏ thì việc có sẵn “bị” – tức là tiềm lực kinh tế và “gậy” – lực lượng quốc phòng là điều không cần bàn luận.

Khi người ta đã mở bạt che pháo, đã chĩa AK vào mình thì không thể không hỏi tiếp theo sẽ là gì?

Chúng ta đủ tỉnh táo để không xảy ra vụ “SU-24” trên Biển Đông song không vì thế mà quên vụ “Hải Đăng 05”, không thể  để một lần nữa những người con ưu tú của nước Việt chỉ có tay không chống giặc như những chiến sĩ công binh hải quân kết vòng sinh tử trên đá Gạc Ma trước làn đạn kẻ thù năm 1988.

Cũng chính vì thế quan điểm tiêu cực về kinh tế, ngoại giao, an ninh, quốc phòng với hàng xóm không phải là cách chúng ta lựa chọn. Không có gì hợp lý hơn là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” hay nói như lãnh đạo Philippines  “coi trọng tình bạn với Trung Quốc nên mới phải khởi kiện”.

Khi người ta nói “hòa” và người ta chĩa AK thì để cho phải phép, chúng ta cũng nói “hòa” và sớm có việc làm phù hợp.

Giữ cho “bạn” không trở thành thù, ngăn “bạn” không dám nổ súng chính là để cho đời sau khỏi phải nhắc thêm một cuộc chiến trong thế kỷ 21, cũng chính là để cho con cháu hai bên được sống trong an bình. 

Đó mới là hữu nghị thực sự chứ không phải thứ  “hữu nghị viển vông” cho không cũng chẳng ai muốn nhận.
 

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/11/151107_xi_jinping_vn_speech_complete

[2]https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_s%C3%A1ch_c%C3%A1c_tr%E1%BA%ADn_%C4%91%C3%A1nh_trong_l%E1%BB%8Bch_s%E1%BB%AD_Trung_Qu%E1%BB%91c

[3] http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20120706/nguoi-dan-trung-quoc-dang-bi-kich-dong/500473.html

Xuân Dương