Tờ “International Herald Leader” – một ấn phẩm của hãng tin nhà nước Tân Hoa xã Trung Quốc ngày 9 tháng 12 có bài viết bình luận cho rằng, ngày 24/11/2015, Thổ Nhĩ Kỳ lấy lý do “xâm phạm không phận, nhiều lần cảnh báo không có hiệu quả” đã bắn hạ một chiếc máy bay chiến đấu Su-24 của Không quân Nga ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, chiếc máy bay rơi vỡ ở bên phía Syria.
Ngày 24/11/2015, máy bay chiến đấu ném bom Su-24 Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ |
Sau sự việc này, bên nào cũng coi là mình đúng. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, trong thời gian ngắn, máy bay chiến đấu Nga nhiều lần xâm phạm không phận, Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo 10 lần trong vòng 5 phút mà không có hiệu quả thì mới khai hỏa (nổ súng).
Phía Nga thì kiên trì cho rằng, máy bay chiến đấu của họ không xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ, cũng không nhận được cảnh báo, yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ xin lỗi chính thức.
Bài báo cho rằng, sự kiện này cũng có ý nghĩa “báo động” đáng kể đối với Trung Quốc. Bài báo này đã phỏng vấn chuyên gia quân sự Kiều Lương, thiếu tướng không quân, giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc về khả năng xảy ra “sự kiện bất ngờ” và cách thức “đề phòng” và “xử trí” của Trung Quốc.
Tướng học giả Kiều Lương cho rằng, trong “tranh chấp lãnh thổ” ở biển Hoa Đông và Biển Đông (Trung Quốc nhảy vào tranh chấp) cũng tồn tại mối đe dọa máy bay chiến đấu hoặc tàu chiến Trung Quốc bị các đối thủ tiềm tàng bắn rơi hoặc bắn bị thương.
Mặc dù nhìn vào tình hình hiện nay, khả năng này không lớn lắm. Nhưng, do có tiền lệ “Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu Nga”, Kiều Lương cho rằng, Trung Quốc không thể “xem thường” việc này.
Bởi vì, sự kiện này rõ ràng có màu sắc “chuột vờn mèo”. Theo lý thì con chuột không có “can đảm” để thách thức con mèo, nhưng nó tại sao dám làm?
Giới bành trướng Trung Quốc thường sử dụng các tướng học giả như Kiều Lương phun "hỏa lực mồm" trên mặt báo |
Kiều Lương cho rằng, bởi vì, đằng sau con chuột có một lực lượng hỗ trợ cho nó dám làm như vậy. Kiều Lương nghĩ rằng, ở khu vực xung quanh Trung Quốc cũng tồn tại tình hình tương tự, “có một số nước cũng có thể mạo hiểm chơi trò chuột vờn mèo, nguyên nhân là đứng đằng sau họ chắc chắn không phải là chuột”.
Nói cách khác Kiều Lương xem các nước ven biển Hoa Đông và Biển Đông đang bị Trung Quốc nhảy vào tranh chấp lãnh thổ, hàng hải chỉ là "chuột"?Còn “mèo” ở đây vừa chỉ Trung Quốc vừa chỉ Hoa Kỳ?
Kiều Lương định lắt léo đánh tráo khái niệm, hoán đổi vị trí từ kẻ bành trướng sang nạn nhân bị bành trướng khi nhắc đến câu: Nước sông không phạm nước giếng! Ông ta nói tiếp: “Nếu anh không xâm phạm tôi, tôi sẽ không chủ động gây sự. Nhưng, nếu anh xâm phạm tôi, tôi quyết sẽ không tỏ ra mềm yếu, sẽ không lùi bước, càng sẽ không ngậm đắng nuốt cay”.
Vấn đề ở đây cần làm rõ, thế nào được gọi là "xâm phạm"? Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1956, 1974 và 7 thực thể ở Trường Sa, Việt Nam tháng 3/1988 và 1995 rõ ràng là hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Trung Quốc nghênh ngang kéo giàn khoan 981 xâm nhập và hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam tháng 5 năm ngoái rõ ràng là xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC.
Bây giờ Trung Quốc đang bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp trên 7 thực thể ở Trường Sa và đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực cũng như tự do hàng không, hàng hải trên tuyến đường huyết mạch quốc tế. Đó có phải là hành vi xâm phạm? Chắc chắn là không có gì phải nghi ngờ.
Trung Quốc đã và đang tiến hành bồi đắp, xây đảo nhân tạo quy mô lớn và bất hợp pháp ở 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam. |
Đấy là chưa nói đến đường lưỡi bò phi pháp do Trung Quốc tự vẽ ra để độc chiếm Biển Đông mà cả thế giới này không ai hiểu nổi. Và chính người Trung Quốc cũng không thể lý giải hay gọi tên nó là cái gì. Bắc Kinh lại đang tìm cách giải thích luật pháp quốc tế theo kiểu bẻ cong nó, đánh tráo khái niệm hòng "Trung Quốc hóa" luật pháp quốc tế.
Theo Kiều Lương, Trung Quốc trước hết sẽ cùng các nước liên quan xây dựng cơ chế trao đổi có hiệu quả, tiền đề của cơ chế trao đổi này là muốn “dựa vào các nguyên tắc của luật pháp quốc tế” để hành xử. Trên cơ sở của các cơ chế trao đổi có hiệu quả, tiếp tục từng bước xây dựng cơ chế lòng tin.
Nếu đối phương có ý đồ gây sự thì lòng tin cũng sẽ không thể nói được. Trong tình hình không có lòng tin, trao đổi không có hiệu quả, nếu thấy có ý đồ khiêu khích, Trung Quốc không thể loại trừ khả năng “nổ súng” và đây là “sự lựa chọn cuối cùng”.
Cuối cùng thì mưu đồ bành trướng, dùng vũ lực tranh cướp cũng đã lộ rõ. Những gì Kiều Lương đề cập ở phía trên chỉ là cách hoán đổi vị trí từ thủ phạm sang bị hại, từ kẻ cướp thành nạn nhân. Anh xông vào nhà người ta cướp của, giằng bát cơm trên tay người ta, bị phản kháng thì lu loa lên rằng mình bị cướp để lấy cớ thượng cẳng chân, hạ căng tay với thiên hạ.
Nói cách khác, ông Lương đang xui dại các nhà lãnh đạo của mình, cứ tiếp tục bành trướng đi, cứ theo đuổi đường lưỡi bò đi, nếu nước nào phản kháng thì khiêu khính cho họ nổ súng trước, hoặc tạo các tình huống gài bẫy tương tự để Trung Quốc có cớ dùng vũ lực, quăng chài một mẻ!
Tuy nhiên, viên tướng này đã quá coi thường các nước láng giềng trong khu vực. "Con mèo" dù ranh mãnh đến đâu, nhưng hợm hĩnh khinh địch tất sẽ phải trả giá. Người Trung Quốc vẫn nói, cao nhân tất hữu cao nhân trị, hay nói như dân gian Việt Nam, vỏ quýt dày có móng tay nhọn, mà móng tay nhọn còn có bấm móng tay!
Nếu chỉ đơn thuần là miếng võ mồm của một số học giả nóng đầu như Kiều Lương thì không có gì đáng nói. Đằng này Trung Quốc đang gấp rút leo thang quân sự hóa Biển Đông, các quan chức, lãnh đạo nước này cũng không dấu diếm lời đe dọa. Đó là một điều cần hết sức cảnh giác và đề phòng.
Hình ảnh này được cho là máy bay chiến đấu J-11B của lực lượng đường không Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc đã triển khai bất hợp pháp ở sân bay trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Đà Nẵng, Việt Nam. |
Theo Kiều Lương, hành động bắn hạ máy bay chiến đấu Nga của Thổ Nhĩ Kỳ là một việc hoàn toàn ngoài dự tính của Nga và cộng đồng quốc tế. Mặc dù Nga khi đó đã bị thiệt hại, nhưng họ “trả thù” tương đối mạnh mẽ.
Ông Lương ca ngợi Moscow: Thông qua các biện pháp đáp trả của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ có thể thấy, ngoài không trực tiếp khai chiến với Thổ Nhĩ Kỳ, các biện pháp khác đều đã sử dụng, bao gồm các “hành động quân sự phi chiến tranh”.
Sau đó viên tướng này quay sang "thày dùi" cho Bắc Kinh rút ra bài học cho Trung Quốc là: “Hành động quân sự phi chiến tranh” không chỉ là gìn giữ hòa bình, rút công dân, tấn công cướp biển, mà còn có thể “nổ súng”, thậm chí có thể “đổ máu”, nhưng nó không đồng nghĩa với chiến tranh, mà là một trạng thái “cận chiến tranh”.
Kiều Lương cho rằng, đây là một “bài học”, một lời “cảnh báo” đối với Trung Quốc. Ông ta cho rằng, các chỉ huy và phi công ở “tuyến 1” của Trung Quốc phải “tăng cường ý thức đề phòng, không để một số nước tấn công đến mức trở tay không kịp, không để bị thua thiệt, không tạo cơ hội cho đối phương khiêu khích”.
Theo ông ta, nếu gặp tình huống đối phương “khiêu khích”, Trung Quốc phải chuẩn bị tốt và trước về việc “đáp trả tại chỗ”, nhưng cần phải phán đoán ra sự “khiêu khích” của đối phương có phải là một cái “bẫy” hay không.
Nếu sự khiêu khích của đối phương là để làm xấu đi môi trường đầu tư ở khu vực xung quanh Trung Quốc, có ý định “buộc anh phải động thủ”, một khi “mắc bẫy” có nghĩa là đối thủ đã làm xấu đi môi trường xung quanh của Trung Quốc, có lợi cho đối phương đạt được ý đồ rút vốn toàn cầu khỏi khu vực xung quanh Trung Quốc.
Sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu Nga đã khiến cho thị trường chứng khoán châu Âu lao dốc, đồng Lira Thổ Nhĩ Kỳ mất giá và thị trường chứng khoán Nga suy giảm, tức là làm cho rất nhiều vốn rút khỏi thị trường của họ.
Kết quả này có lợi nhất cho Mỹ, bởi vì, đồng thời với nó, việc trông chờ tăng lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ đang thu hút các nguồn vốn quốc tế đổ vào Mỹ. Nếu sự khiêu khích của đối phương có ý đồ như vậy thì Trung Quốc không thể dễ dàng “mắc bẫy”.
Kiều Lương “quân sư” cho Bắc Kinh là: Trên cơ sở cân nhắc không để bị mắc lừa, cũng không thể hiện mềm yếu và càng không thể để bị thua thiệt, phải mạnh dạn ứng phó một cách “mưu mẹo” và có “trí tuệ”.
Nói tóm lại, qua cuộc khủng hoảng Nga - Thổ 17 giây và cách hành xử của cả hai phía, Kiều Lương rút ra chiêu thức mới nhằm hỗ trợ Bắc Kinh độc chiếm Biển Đông, hiện thực hóa đường lưỡi bò:
Cứ thúc đẩy quân sự hóa Biển Đông, hiện thực hóa đường lưỡi bò. Bên nào phản kháng mạnh mẽ thì khiêu khích cho họ phải nổ súng hoặc tạo ra các tình huống tương tự. Lúc đó Trung Quốc sẽ có cớ động thủ, quăng chài một mẻ.
Về mặt dư luận, lực lượng "hỏa lực mồm" như ông Lương sẽ trợ chiến bằng những bài phân tích xuyên tạc luật pháp quốc tế, đánh tráo khái niệm, hoán đổi vị trí ngõ hầu làm cho trắng đen lẫn lộn, thị phi khôn lường để dư luận Trung Quốc và quốc tế lạc vào trận đồ Bát Quái thông tin.
Tuy nhiên, Biển Đông không phải của riêng một nước nào, mà là tài sản chung, không gian sinh tồn, tuyến giao thông huyết mạch của cả khu vực và quốc tế. Các nước cũng không phải trẻ con để cho "con mèo" ranh mãnh nào đó có thể đe dọa.
Bình luận của ông Lương có thể thỏa mãn một số cái đầu nóng trong đội ngũ các nhà lãnh đạo Trung Quốc và mê hoặc một bộ phận người dân nước này thiếu thông tin cũng như kiến thức nhưng lại quá rảnh rang về thời gian, chứ không thể lừa được dư luận khu vực và quốc tế, bởi ngàn đời nay, giấy không thể bọc được lửa!