South China Morning Post ngày 10/12 đưa tin, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện ra một loạt các xoáy nước nguy hiểm chết người gần quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp), nơi các tàu ngầm Trung Quốc có thể bị hút vào và nghiền nát bởi áp lực dưới độ sâu chết người.
Tàu ngầm Trung Quốc, ảnh: SCMP. |
Những xoáy nước ngầm nguy hiểm này nằm giữa Hoàng Sa và căn cứ tàu ngầm Du Lâm trên đảo Hải Nam, Trung Quốc. Đó là những xoáy nước ngầm khá sâu và gần như một cơn lốc chuyển động chậm hoặc một hố đen trong lòng biển, một hiện tượng vật lý hải dương hiếm gặp.
Chúng không có bất cứ dấu hiệu nào trên bề mặt, có nghĩa là không thể quan sát và phát hiện thấy các xoáy nước ngầm chết người này từ vệ tinh hay tàu thuyền mặt nước càng làm cho chúng trở nên nguy hiểm hơn. Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư Wang Dongxiao từ phân viện Biển Đông, Viện Hải dương học Quảng Châu, Trung Quốc đã ghi lại nhiều sự kiện về các xoáy ngầm ở Hoàng Sa.
Mỗi xoáy nước ngầm này có đường kính hơn 100 mét mang theo năng lượng rất lớn, làm thay đổi cảnh qoan của toàn bộ đáy biển khu vực khi chúng xuất hiện thường xuyên và bất thường. Kết quả nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Báo cáo Khoa học.
Năng lượng trong các xoáy nước ngầm với dòng chảy nhanh hơn dòng chảy bình thường 8 lần, có thể hút những con tàu và nghiền nát chúng theo nhiều hướng khác nhau. Tiến sĩ Ma Chao, một nhà nghiên cứu từ phòng thí nghiệm Vật lý hải dương Đại học Hải dương Trung Quốc cho rằng đây là phát hiện quan trọng.
"Xoáy nước ngầm như một bóng ma ám ảnh các nhà khoa học biển trong nhiều thập kỷ. Rất ít tài liệu có sẵn vì chúng rất khó khăn để có thể quan sát được. Nhưng nghiên cứu hiện tượng này là rất quan trọng, bởi vì chúng có thể là động lực đằng sau những con sóng ngầm", ông Ma Chao bình luận.
Những con sóng ngầm lan truyền trong lòng biển mà không có bất cứ dấu vết nào trên mặt biển. Chúng có thể khiến các tàu ngầm vô tình đi vào khu vực có sóng ngầm đột nhiên bị chìm hàng trăm mét chỉ trong vài phút và tàu ngầm mất kiểm soát.
Xoáy nước ngầm, hình minh họa: Youtube. |
Không giống như máy bay có thể bay lên độ cao thích hợp khi gặp bất ổn, trong trường hợp gặp sóng ngầm, tàu ngầm không thể hạ sâu hơn 500 mét do áp lực nước dưới độ sâu này rất lớn. Hiện tượng sóng ngầm, xoáy nước ngầm bị cho là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn tàu ngầm lớn, bao gồm cả vụ tàu USS Thresher ngoài khơi bờ biển Boston năm 1969, một thảm họa tàu ngầm tồi tệ nhất trong lịch sử.
Phát hiện này cũng có thể giải thích một số sự cố hải quân Trung Quốc gặp phải khi tiến hành tập trận (bất hợp pháp) gần Hoàng Sa. Năm ngoái tờ Nhân Dân nhật báo cho biết, một chiếc tàu ngầm Trung Quốc thuộc hạm đội Nam Hải đã may mắn thoát chết trong gang tấc khi đi qua một xoáy nước ngầm ở gần Hoàng Sa.
Thuyền trưởng tàu ngầm này được Nhân Dân nhật báo dẫn lời mô tả: "Nó giống như một chiếc xe lao nhanh xuống vách núi, chúng tôi cảm thấy bất lực và vô vọng", một sự cố mà ông ta chưa từng gặp trong 22 năm lái tàu ngầm. Khi bất ngờ bị xoáy nước ngầm hút xuống, một số khoang và đường ống trong tàu ngầm này đã bị vỡ.
Sau 3 phút nỗ lực trong tuyệt vọng, đóng cửa tất cả các khoang bị ngập dù vẫn còn thủy thủ mắc kẹt bên trong, chiếc tàu ngầm này may mắn thoát khỏi miệng lưỡi tử thần. Hải quân Trung Quốc từ chối tiết lộ thời gian và địa điểm chính xác, nhưng nó diễn ra ở khu vực các xoáy ngầm gần Hoàng Sa.
Các nhà nghiên cứu đã thúc giục chính phủ Trung Quốc và các công ty dầu khí thận trọng, xem xét rủi ro bởi các xoáy nước ngầm này trước khi tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác (bất hợp pháp) tài nguyên trong khu vực. Các xoáy nước ngầm này cũng có thể có tác động rất lớn đến các đường ống, dây cáp dưới đáy biển.