Chính thức phản hồi về một số thông tin liên quan tới hoạt động của Công ty cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên (Trung Nguyên IC), chiều ngày 14/12/2015, thông cáo báo chí dẫn lời bà Lê Hoàng Diệp Thảo - Tổng giám đốc công ty Trung Nguyên IC khẳng định: “Các hoạt động kinh doanh của công ty đang tiến triển rất tốt, các dự án đang triển khai theo đúng tiến độ và kế hoạch đã đề ra.
Bên cạnh đó, công ty đảm bảo ổn định công ăn việc làm cho người lao động tại hai nhà máy, không ảnh hưởng đến các đối tác và khách hàng nói chung, cam kết thanh toán đúng quy trình, cũng như bảo đảm chất lượng cà phê hòa tan G7 và cung cấp đầy đủ cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu”.
Trung Nguyên IC là công ty đang sở hữu 2 nhà máy trực tiếp sản xuất cà phê hòa tan G7 tại Bình Dương và Bắc Giang. Đây là 2 trong số 3 nhà máy sản xuất cà phê hòa tan của hệ thống Trung Nguyên Group.
Nhà máy còn lại là Nhà máy Cà phê Sài Gòn thuộc sở hữu trực tiếp của CTCP Tập đoàn Trung Nguyên.
Sản phẩm cà phê hòa tan G7 (ảnh nguồn Trung Nguyên). |
Thời gian qua, thông tin Trung Nguyên dừng sản xuất sản phẩm cà phê hòa tan G7 xuất phát từ vụ việc được cho là tranh chấp giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch Trung Nguyên Group, đơn vị chủ quản của Trung Nguyên IC với bà Lê Hoàng Diệp Thảo – Tổng giám đốc Trung Nguyên IC.
Vụ việc ngay lập tức gây xôn xao trên thị trường, ảnh hưởng không nhỏ đến các đối tác đặc biệt là vị thế, thương hiệu của Trung Nguyên.
Trước thông tin này, thông cáo Trung Nguyên IC khẳng định: “Các nhà máy vẫn hoạt động ổn định để duy trì lượng cung đều đặn cho thị trường và một lượng lớn cho xuất khẩu. Do vậy, thị trường không hề thiếu cà phê G7 như được đồn thổi".
Theo đánh giá Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, G7 là nhãn hiệu cà phê hòa tan được người tiêu dùng yêu thích và mua dùng nhiều nhất. Từ năm 2009 đến 2011, cà phê Trung Nguyên là thương hiệu số một tại Việt Nam với số lượng người tiêu dùng cà phê lớn nhất.
Cũng theo số liệu của Kantar Worldpanel, trung bình 10 người uống cà phê hòa tan lại có 5 người mua cà phê hòa tan G7 để sử dụng. Số liệu cũng chỉ rõ 18% nhân viên trí thức uống cà phê Trung Nguyên, cao hơn con số trung bình 13% nhân viên trí thức uống thức uống không cồn; Cứ 3 nhân viên trí thức uống cà phê thì có 1 người dùng cà phê Trung Nguyên; riêng nhóm nhân viên văn phòng trên 30 tuổi có đến 40% lựa chọn cà phê Trung Nguyên.
Trong khi đó theo báo cáo phân tích của hãng Euromonitor, hiện thị trường cà phê hòa tan tại Việt Nam bị chi phối bởi 3 doanh nghiệp gồm Vinacafé, Nestle và Trung Nguyên, gần đây có sự chen chân của tên tuổi mới như PhinDeli hay trước đó là cà phê Moment của Vinamilk.
Euromonitor cho rằng, nếu tập đoàn Trung Nguyên đạt mức tăng trưởng kép của toàn thị trường cà phê hòa tan, thì năm 2015 Trung Nguyên sẽ bỏ túi 156,4 tỷ đồng từ G7. Con số này sẽ tăng lên 185 tỷ đồng năm 2016.
Còn theo một phân tích khác của Nielsen, thị phần của Trung Nguyên thua xa Vinacafe Biên Hòa nhưng điều bất ngờ là kết quả kinh doanh của Trung Nguyên lại vượt trội so với Vinacafe Biên Hòa.
Trong năm 2014, công ty mẹ Trung Nguyên đạt trên 4.000 tỷ doanh thu và gần 1.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Với mức lợi nhuận trên, việc Trung Nguyên IC đưa ra thông báo khẳng định giữ vững nguồn cung và chất lượng thị trường sẽ giúp đối tác, người lao động yên tâm sản xuất, xua đi lo ngại thiếu nguồn cung trên thị trường dịp cuối năm.
Tóm tắt diễn biến thông tin ngừng cung cấp cà phê hòa tan G7 |