TS Nguyễn Minh Phong: “Thủ tướng rất quyết liệt, tạo áp lực lên các Bộ trưởng"

16/12/2015 08:02
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, sự thay đổi rất tích cực trong tư duy điều hành của Chính phủ chính là bước ngoặt quan trọng của nền kinh tế.

LTS: Quốc hội đề ra chỉ tiêu tăng trưởng 6,2% cho Chính phủ trong lúc kinh tế thế giới cũng như Việt Nam còn nhiều khó khăn, đó là một bài toán không hề dễ dàng. Nhưng điều thần kỳ đã xảy ra, sau 3 tháng đầu gặp khó khăn, kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh ở 9 tháng cuối năm. Vì vậy, Ngân hàng Thế giới khẳng định Việt Nam sẽ cán đích ở con số 6,5% cuối năm nay và đạt 6,6% vào năm sau.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS.Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế nhận định, sự đổi mới trong tư duy và đi liền với đó là sự quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đã tạo ra bước ngoặt lớn.

- Những năm trước đây khi mà kinh tế tăng trưởng nhích lên thì đi liền với đó là nỗi lo lạm phát cao. Nhưng năm nay dù kinh tế tăng trưởng cao nhưng vì sao lạm phát lại không bị tăng cao, thưa ông?

TS Nguyễn Minh Phong: Vâng, đây là điểm rất thú vị ít được đề cập, nhưng nó lại rất quan trọng. Việt Nam đã thay đổi tư duy rất mạnh mẽ, vì vậy mà trong mấy năm gần đây chúng ta không còn đặt chỉ tiêu tăng GDP như một chỉ tiêu thi đua.

Thay vào đó, chúng ta lấy mục tiêu là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, tức là lấy chất lượng tăng trưởng làm mục tiêu chính. Vì vậy, mức tăng trưởng của Việt Nam năm nay còn thấp hơn một số quốc gia lân cận, nhưng lại được các nhà phân tích quốc tế đánh giá rất cao.

Lạm phát năm nay thấp là bởi nó được hội tụ bởi 4 yếu tố lạm phát đã được kiểm soát tốt: Thứ nhất là lạm phát tiền tệ luôn trong sự kiểm soát. Thủ tướng đã ra một quyết định rất quan trọng đó là không xem xét bất cứ khoản chi nào không nằm trong dự toán. Đây là một biện pháp quyết liệt của Thủ tướng, thể hiện trách nhiệm của Chính phủ trong điều hành để giảm áp lực về lạm phát tiền tệ.

Thứ hai là kiểm soát được lạm phát “chi phí đẩy”, mặc dù giá xăng dầu có lên một chút, dù tiền lương có lên một chút nhưng về cơ bản thì đã giảm được “chi phí đẩy” nhờ giảm thủ tục thuế quan, giảm thủ tục đầu tư, giảm các chi phí hành chính.

Thứ ba, lạm phát từ bên ngoài có thể tác động lên nước ta thì diễn biến tích cực, bởi vì thế giới đang ở giai đoạn giảm phát và lạm phát thấp, các yếu tố đầu vào cũng như lạm phát lan tỏa không lớn.

Thứ tư, lạm phát cầu kéo cũng được kiểm soát. Chúng ta thấy rằng người dân vẫn tiết kiệm, tiêu dùng có tăng 10% nhưng về cơ bản đó là tiêu dùng có chọn lọc. Không có chuyện mất cân đối cung cầu hàng hóa. Nhiều chương trình khuyến mại khổng lồ kéo dài nên người dân có nhiều lựa chọn tốt.

Tỷ giá thì ổn định, giá vàng thấp nên người dân không lo lắng. Những yếu tố đó tạo ra lợi thế cả về tâm lý, căn cứ và quyền lợi và người dân rất yên tâm. Vì thế ngân hàng vẫn tăng được huy động, trong khi tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Tất cả những điều đó tạo nên hiệu ứng tích cực chung cho động lực phát triển kinh tế.

TS.Nguyễn Minh Phong. ảnh: Huỳnh Phan.
TS.Nguyễn Minh Phong. ảnh: Huỳnh Phan.

- Có rất nhiều chính sách điều hành đã được Chính phủ đưa ra khi nền kinh tế đối diện với vô vàn khó khăn, cá nhân ông thấy ấn tượng với chính sách nào?

TS Nguyễn Minh Phong: Trước hết chúng ta phải ghi nhận chung sự nỗ lực của hệ thống chính trị tham gia, vào cuộc đồng bộ. Đặc biệt, chúng ta phải ghi nhận những thay đổi rất căn bản về môi trường đầu tư mà Thủ tướng Chính phủ đã rất nỗ lực chỉ đạo thời gian qua.

Cụ thể, đó là các biện pháp giảm thuế, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo ra độ mở tích cực hơn, tham gia hội nhập quốc tế tích cực hơn… Chính phủ đã định hướng, mở đường, dẹp bớt những khó khăn để các doanh nghiệp có thể tham gia phát triển, khơi lên được các nguồn lực. Và nhiều nguồn lực hợp lại thì tạo thành nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững dù còn nhiều khó khăn phía trước.

TS Nguyễn Minh Phong: “Thủ tướng rất quyết liệt, tạo áp lực lên các Bộ trưởng" ảnh 2

Năm 2020, thủ tục xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ còn 5 ngày

Thứ hai, chúng ta cũng phải ghi nhận rằng, trước nhiều khó khăn như vậy nhưng Chính phủ rất năng động, ngay từ đầu năm đã ra một loạt các nghị quyết từ 01, 02 cho tới nghị quyết 19, nhất quán là phải cải thiện môi trường đầu tư.

Đồng thời, trong công tác điều hành Thủ tướng Chính phủ luôn chỉ đạo rất quyết liệt, tạo áp lực lên các Bộ trưởng, tăng cường sự phối hợp với nhau, thậm chí yêu cầu quy trách nhiệm cho các vị trí lãnh đạo. Từ đó tạo ra sự cải cách mạnh mẽ về mặt quản lý nhà nước, biểu hiện rõ nhất đó là thủ tục quản lý thuế.

Chúng ta thấy rằng ngay từ đầu năm thì có những đánh giá e ngại về thủ tục của Việt Nam khi mà thủ tục thuế quan lên tới 800 giờ, nhưng chỉ tới quý III vừa rồi thì đã giảm xuống còn hơn 170 giờ. Thậm chí, Thủ tướng còn chỉ đạo phải tiếp tục nỗ lực cao hơn nữa để giảm số giờ thủ tục thuế quan xuống mức thấp hơn cả mức trung bình của khu vực.

TS Nguyễn Minh Phong: “Thủ tướng rất quyết liệt, tạo áp lực lên các Bộ trưởng" ảnh 3

"Nhà đầu tư rất sợ những thủ tục hành chính lằng nhằng"

Như vậy là Chính phủ đã thay đổi rất mạnh trong tư duy điều hành, thể hiện bằng những kết quả hết sức tích cực, đúng như tuyên bố của Thủ tướng “Việt Nam không thể đứng chót Asean mãi như thế này”.

Tôi cho rằng, đây là một điểm nhấn vô cùng rõ rệt, ghi dấu ấn của Thủ tướng Chính phủ, của tập thể Chính phủ.

Vấn đề thứ ba, Chính phủ đã rất quyết liệt trong chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay, tăng cho vay các lĩnh vực ưu tiên, thực hiện việc cải thiện điều kiện tiếp cận vốn để các doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn… đồng thời tạo điều kiện đầu tư cho hạ tầng để tăng cường nguồn lực đầu tư tư nhân, tăng cường sức dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Việc nới room để các nhà đầu tư nước ngoài vào các kênh nhạy cảm, từ tài chính, chứng khoán, ngân hàng… đều được mở và ngày càng mở hơn.

Việc ứng phó với những diễn biến thực tế của Chính phủ cũng rất nhanh chóng và đem lại hiệu ứng tích cực ngay lập tức, đó là miễn visa cho một loạt khách du lịch đến từ các quốc gia châu Âu; cho phép mua hàng miễn thuế trên các chuyến bay tới Việt Nam.

Những chính sách như vậy đang và sẽ tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam nói chung, và đặc biệt tạo động lực giúp các doanh nghiệp Việt Nam tháo gỡ khó khăn, tăng trưởng ổn định.

Chính phủ chỉ đạo rốt ráo giảm mạnh các thủ tục thuế quan, tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh: Lao động.
Chính phủ chỉ đạo rốt ráo giảm mạnh các thủ tục thuế quan, tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh: Lao động.

- Dưới góc nhìn của ông, đâu là những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2016 và những năm tiếp theo?

TS Nguyễn Minh Phong: Có 6 yếu tố rõ nét cho thấy triển vọng của nền kinh tế Việt Nam:

Thứ nhất là kinh tế đối ngoại chắc chắn phát triển rất tốt nhờ sự nỗ lực không ngừng của Chính phủ. Đây vừa là điều kiện vừa là điểm sáng cho nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới. Nó gắn liền với các Hiệp định đã ký cũng như vị thế Việt Nam đã đạt được.

Thứ hai là đề cao kinh tế tư nhân, đồng thời tỷ lệ thuận với quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Thứ ba là xuất khẩu đã có nhiều điều chỉnh tích cực sau khi Thủ tướng chỉ đạo đơn giản hóa thủ tục hành chính, thuế quan đã rất thuận lợi. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo, phải tiếp tục rút ngắn thời gian thủ tục hành chính hơn nữa, xuống mức thấp hơn mức trung bình của Asean.

Chính vì vậy, môi trường đầu tư và môi trường xuất khẩu chắc chắn sẽ là một điểm mạnh của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Thứ tư là Việt Nam có lợi thế tiềm năng về biển và đây là hướng đầu tư khai thác rất mạnh trong những năm tới.

Thứ năm là chính sách về nông nghiệp cũng đang được cải thiện nhanh, các mô hình nông nghiệp lớn đang được triển khai tích cực, thay đổi cơ cấu và có thêm nhiều kỹ thuật chế biến đáp ứng nhu cầu của các thị trường khác nhau. Nói gì thì nói nông nghiệp vẫn là một trụ cột của kinh tế Việt Nam.

Thứ sáu, ngành du lịch và một số ngành dịch vụ chất lượng cao hy vọng sẽ tiếp tục được cải thiện và tăng trưởng tốt. Thời gian vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều biện pháp tạo điều kiện cho ngành du lịch và ngay lập tức thu được kết quả rất tốt, thí dụ như chính sách miễn thị thực cho khách du lịch ở 5 quốc gia châu Âu; hay cho phép hàng khách mua hàng miễn thuế trong các chuyến bay tới Việt Nam.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quang (Thực hiện)