LTS: Trong thời gian vừa qua, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được nhiều phản ánh của phụ huynh học sinh có con đang theo học bán trú tại các trường học, đặc biệt là bậc tiểu học và mầm non lo lắng, bất an về vấn đề thực phẩm mà con em mình ăn uống hàng ngày có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) hay không.
Tại Hà Nội, có nhiều trường chưa có đầy đủ cơ sở vật chất, tuân thủ các quy định về ATVSTP. Để làm rõ những vấn đề này, nhóm phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã vào cuộc khảo sát, điều tra tại một số trường trên địa bàn Hà Nội và sẽ tiến hành đăng tải loạt bài viết về chủ đề trên.
Bài 1: Hiệu trưởng "bối rối" về nguồn gốc thực phẩm tại Trường Thành Công B, "khoán trắng" trách nhiệm cho doanh nghiệp
Ngoài những hợp đồng, giấy chứng nhận "vô tri vô giác" mà doanh nghiệp cung cấp thực phẩm đã chuẩn bị từ trước, nhà trường hầu như không có biện pháp nào hữu hiệu để kiểm tra, rà soát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm...
Nhu cầu học bán trú tăng cao
Những năm qua, cùng với sự phát triển của mạng lưới các trường học tổ chức học 2 buổi/ngày. Nhiều bậc phụ huynh bận rộn, không thể ngày 4 lần đưa - đón con.
Tuy nhiên, họ cũng khó lòng yên tâm khi để con ở lại trường khi những suất ăn nhà trường chưa đảm bảo tuyệt đối nguồn gốc xuất xứ.
Nhu cầu gửi con ăn, ngủ bán trú tại trường vào buổi trưa tại trường ngày càng tăng, nhất là ở cấp tiểu học.
Bữa ăn của học sinh bán trú của học sinh. Ảnh Internet |
Các nhà trường, tùy theo điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, nhân lực mà có cách đáp ứng khác nhau như: Xây bếp ăn, tổ chức tự nấu; thuê công ty thực phẩm nấu và cung cấp cho học sinh vào buổi trưa hàng ngày…
Theo quy định của ngành y tế, các bếp ăn tập thể, căng tin nhà trường phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện về ATVSTP. Nơi chế biến thực phẩm phải đáp ứng quy định về trang thiết bị dụng cụ…
Mặt khác, việc sử dụng nguồn nguyên liệu phải có nguồn gốc rõ ràng và phải được ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng thực phẩm đủ điều kiện.
Phát hiện "bữa ăn thịt thối" dành cho trẻ tiểu học(GDVN) - Sự việc kinh hoàng này được gửi tới GDVN, thực phẩm là thịt ôi thiu, không loại trừ là của heo bệnh được chế biến cho cả trăm học sinh tiểu học ăn hàng ngày... |
Ngoài ra, người chế biến thực phẩm phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ, thường xuyên được tập huấn công tác bảo đảm ATVSTP, lưu mẫu thức ăn hằng ngày…
Tuy nhiên, thực tế tại các trường học trên địa bàn Hà Nội chưa có nhiều trường học đang nhập khẩu những thức ăn rõ nguồn gốc, đặc biệt là các trường mầm non tư thục.
Hiệu trưởng "bó tay", phụ huynh lấy gì làm tin?
Ngày 21/12, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có mặt tại Trường tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình, TP. Hà Nội) để ghi nhận về nguồn gốc thực phẩm cho các em học sinh bán trú ăn mỗi ngày mà phụ huynh có phản ánh.
Phụ huynh Nguyễn Văn T. có con đang theo học tại Trường tiểu học Thành Công B cho biết: "Chúng tôi rất lo lắng cho bữa ăn của con em chúng tôi. Nguồn gốc thực phẩm, vệ sinh bếp ăn, thành phần dinh dưỡng... hầu như chúng tôi ít được nhà trường cung cấp thông tin.
Nếu phụ huynh mà hỏi sâu, giám sát kỹ quá thì sợ thầy cô lại trù dập, gây khó dễ cho con em... Nên nhiều khi đành tặc lưỡi".
Theo tìm hiểu, Trường tiểu học Thành Công B có hơn 2.200 học sinh được chia làm 41 lớp.
Trong đó, có 86% học sinh là học bán trú tại trường. Như vậy, một lượng lớn nguồn thực phẩm cung cấp cho trường mỗi ngày là không hề nhỏ.
Một góc sân của Trường tiểu học Thành Công B. Ảnh: Phan Thiên |
Theo bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B cho biết: "Ngoài việc dạy các em học văn hóa, mối quan tâm hơn nữa là sức khỏe các con. Có sức khỏe mới học tập tốt và vấn đề ATVSTP đang là mối quan tâm của toàn xã hội nên Nhà trường rất chú trọng việc đó".
Để chứng minh cho những gì mình nói, bà Yến đã cung cấp cho chúng tôi xem những hồ sơ được ký kết giữa nhà trường và bên đơn vị cung cấp thực phẩm là Công ty Cổ phần Hương Việt Sinh (Mê Linh, Hà Nội).
Ngoài thực phẩm thịt hàng ngày có kiểm định ATVSTP thì vấn đề rau xanh là mối quan tâm. Bởi, nguồn thực phẩm này chỉ cần con dấu của Công ty cung ứng đóng vào là nhà trường ký biên nhận nguồn thực phẩm. Và, như vậy nguồn thực phẩm rau không có sự kiểm soát chặt chẽ nào cả.
Khu vực bếp của Trường tiểu học Thành Công B theo giới thiệu là khu 1 cửa (đầu vào thực phẩm sống và đầu ra thực phẩm chín). Ảnh: Phan Thiên |
Bà Yến cho biết thêm, mỗi năm, đại diện của trường do bà Yến là người đứng đầu đi kiểm tra cơ sở sản xuất nguồn thực phẩm sạch của đối tác là Công ty Hương Việt Sinh.
Tuy nhiên, bà Yến lại không nhớ chính xác địa chỉ cơ sở sản xuất ở đâu.
Trong khi đó, theo lời bà Yến thì Trường tiểu học Thành Công B đã liên kết với Công ty Hương Việt Sinh gần 10 năm?
Khi phóng viên thắc mắc, nguồn rau xanh, thực phẩm như thịt lợn, gà, bò... được Công ty đóng dấu và nói là lấy ở nơi trồng rau sạch, theo cam kết.
Thế nhưng, nếu đơn vị cung cấp có "thu mua" ở ngoài không đảm bảo vệ sinh an toàn thì nhà trường kiểm soát bằng cách nào? bà Hiệu trưởng cũng chỉ biết "lắc đầu" vì chưa biết làm cách nào...
Khi phóng viên đặt câu hỏi, Công ty Hương Việt Sinh chỉ cung cấp một số thực phẩm, còn lại là Công ty này ký kết nhập từ các cơ sở khác.
Trường hợp không may mắn, nếu xảy ra ngộ độc thì ai là người chịu trách nhiệm? bà Yến khẳng định là "đơn vị cung cấp hoàn toàn chịu trách nhiệm".
Như vậy, trách nhiệm an toàn sức khỏe của hàng ngàn học sinh Trường tiểu học Thành Công B đang được "khoán trắng" cho doanh nghiệp.
Phụ huynh Lê Thị T., có con em đang theo học tại trường bức xúc cho biết: "Nhiều hôm con cái tôi về phản ánh là bữa ăn thì không đảm bảo, thức ăn nguội lạnh, mỡ nhiều hơn thịt, không hợp khẩu phần...
Chúng tôi lo lắng cho bữa ăn của con cái nhưng giả sử gia đình có nấu cơm cho các cháu mang đi thì nhà trường cũng không cho mang hoặc cố tình gây khó khăn...".
Về việc này, bà Yến lấy lý do "khó kiểm soát" và thừa nhận không có học sinh nào mang cơm đến trường.
Bà Yến cũng thừa nhận Trường đã nhiều lần phải thay đầu bếp vì lý do trên.
"Nếu em nào không ăn hợp khẩu vị, hay đang điều trị bệnh... thì Nhà trường sẽ có những suất ăn riêng, chứ nếu mà mang cơm ở nhà đi là rất khó kiểm soát chất lượng", bà Phạm Thị Yến cho biết.
Một phụ huynh khác tiết lộ: "Lý do nhà trường không cho học sinh mang cơm đi học là sợ các em khác đều đồng loạt mang đi theo phong trào. Nhà trường còn đâu "khách hàng" để phục vụ. Kiểu gì doanh nghiệp chẳng phải "có đi có lại" cho hiệu trưởng...Với 28 nghìn đồng/suất ăn/2 bữa/ngày, tổng số gần 2.000 suất ăn 1 ngày, các phụ huynh chúng tôi phải chi cho doanh nghiệp tới hơn 1 tỷ đồng mỗi tháng tiền ăn cho học sinh".
Như vậy, cho thấy vấn đề ATVSTP tại các nhà trường có học sinh bán trú đang là điểm "nóng" trong dư luận. Những nghi ngại của phụ huynh học sinh đang đặt nhiều dấu hỏi về công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là trong bối cảnh số lượng bếp ăn tại trường học ngày càng gia tăng…
Với cách kiểm soát "tay không bắt giặc", khoán trắng trách nhiệm cho doanh nghiệp của Trường tiểu học Thành Công B thì có cơ sở để nhiều phụ huynh lo lắng cho sức khỏe, tương lai con em họ.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.
Mọi thông tin phản ánh, góp ý, tố giác về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học, trong đó có nguồn cung cấp thực phẩm trôi nổi, không rõ ràng... xin gửi về Ban Bạn đọc, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tầng 6, tòa nhà 25T1, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, Hà Nội. Email: duyphong@giaoduc.net.vn, ĐT: 0942852555. |