Hội nghị nội các ngày 24/12 của Chính phủ Nhật Bản đã thông qua ngân sách năm tài khóa 2016. Báo chí quốc tế ngày 24/12 đã đăng nhiều bài viết về vấn đề này.
Các nhà lãnh đạo Nhật Bản |
Tổng ngân sách năm tài khóa 2016 là 96.720 tỷ yên (gần 800 tỷ USD), tăng 380 tỷ yên so với ngân sách ban đầu năm tài khóa 2015, tăng 4 năm liên tục. Nguyên nhân là do tiến trình già hóa dân số tăng nhanh, những chi phí an sinh xã hội như y tế, chăm sóc tăng nhiều.
Do thu thuế tăng lên, lượng phát hành trái phiếu chính phủ mới giảm 2.430 tỷ yên so với năm tài khóa 2015, xuống còn 34.430 tỷ yên.
Ngân sách quốc phòng cao kỷ lục
Trong tổng ngân sách nhà nước năm 2016 được Chính phủ Nhật Bản thông qua ngày 24/12, ngân sách quốc phòng đã đạt mức cao kỷ lục mới, với 5.050 tỷ yên (41,8 tỷ USD), bắt đầu từ tháng 4/2016.
Theo Nhân Dân nhật báo Trung Quốc ngày 24/12, quyết định tăng ngân sách quốc phòng lần này của Chính phủ Nhật Bản hoàn toàn không nằm ngoài dự tính. Từ năm 2012 trở đi, chính quyền Shinzo Abe đã tìm kiếm khả năng tăng ngân sách quốc phòng vì nhiều lý do.
Tờ Mainichi Shimbun Nhật Bản phân tích cho rằng, nguyên nhân chủ yếu ngân sách quốc phòng của Nhật Bản tăng mạnh liên tục là “do lo ngại các hoạt động của Trung Quốc trên biển, nhằm tăng cường công tác phòng vệ quần đảo tây nam”.
Với ngân sách này, Tokyo sẽ tập trung vào tăng cường bảo vệ cho các đảo phía tây nam kéo dài từ các hòn đảo chính của Nhật Bản đến vùng biển gần Đài Loan.
Khoản chi trên sẽ được phân bổ từ ngân sách quốc gia và sẽ được trình lên Quốc hội Nhật Bản để thảo luận và thông qua vào đầu năm 2016.
Ngân sách quốc phòng 2016 cao hơn 1,5% so với mức chi trong năm tài khóa 2015, đánh dấu năm thứ tư liên tiếp Nhật Bản tăng chi tiêu quốc phòng.
Theo tuyên truyền của tờ Nhân Dân nhật báo Trung Quốc, từ khi ông Shinzo Abe lên nắm quyền lần thứ hai, chính quyền của ông đã đẩy nhanh các bước “bình thường hóa” quân sự, tìm kiếm khả năng trở thành nước lớn về chính trị, quân sự.
Theo hãng tin Reuters Anh, Mỹ luôn thúc đẩy Nhật Bản từ bỏ chính sách phòng vệ đảo đã thực hiện vài chục năm để giúp họ phát huy thực lực quân sự tốt hơn ở châu Á.
Đáp lại, Lực lượng Phòng vệ đã tích cực hành động, phối hợp với kế hoạch tự do đi lại của Mỹ. Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng lần này là để hỗ trợ tài chính cho rất nhiều hành động quân sự, tập trung thực hiện giấc mơ quân đội mạnh của ông Shinzo Abe.
Lữ Diệu Đông – chủ nhiệm phòng nghiên cứu ngoại giao, Viện nghiên cứu Nhật Bản – Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, Chính phủ Nhật Bản muốn thông qua ngân sách quốc phòng vào năm tới để hỗ trợ tài chính cho bình thường hóa về quân sự. Họ muốn tìm một lý do hợp lý và Trung Quốc chỉ là cái cớ để họ đạt được mục đích này.
Theo Lữ Diệu Đông, nguyên nhân chính tăng ngân sách quốc phòng là để tăng cường tiếng nói và cảm giác hiện diện của Nhật Bản ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thực hiện chủ nghĩa hòa bình tích cực của Nhật Bản và phối hợp với chiến lược tái cân bằng châu Á của Mỹ.
Cố vấn nội các của ông Shinzo Abe Tomohiko Taniguchi cho biết: “Chúng tôi lần đầu tiên có thể lập tức thực hiện tự vệ tập thể với Mỹ và các nước khác, mọi người cảm thấy chúng tôi cuối cùng có thể thoát khỏi trói buộc”.
Biên đội tàu ngầm, tàu chiến Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản |
Tiếp tục thực hiện chính sách cứng rắn
Theo hãng tin Reuters Anh, nhiều quan chức Nhật Bản cho rằng, chính sách an ninh cứng rắn hiện nay không phải hoàn toàn là do ông Shinzo Abe thúc đẩy. Chính sách này có nguồn gốc rất sâu xa, vì vậy, nó được duy trì mạnh mẽ sau khi ông Shinzo Abe rời nhiệm.
Nghị sĩ Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Ryota Takeda cho rằng: “Sự thay đổi về thái độ quốc phòng hoàn toàn không phải vì ông Shinzo Abe là Thủ tướng, mà là vấn đề phải làm của chúng tôi”.
Ngày 16/12, tại một hội nghị cán bộ cấp cao của Lực lượng Phòng vệ, ông Shinzo Abe cho rằng, Lực lượng Phòng vệ phải nhìn xa trông rộng, tích cực hoạt động trên toàn thế giới, đồng thời ám chỉ sau khi Luật an ninh có hiệu lực vào tháng 3/2016, Lực lượng Phòng vệ sẽ tích cực tiến hành hoạt động ở nước ngoài.
Lữ Diệu Đông cho rằng, trong tình hình xã hội Nhật Bản có xu hướng bảo thủ hóa về tổng thể, chính sách an ninh cứng rắn cũng sẽ được tiếp tục, cho dù ông Shinzo Abe có ra đi.
Sửa đổi Hiến pháp hòa bình là tư tưởng đã định của đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản. Tình hình trong tương lai có thể sẽ hòa dịu, nhưng đường lối chính tăng cường thực lực phòng vệ sẽ không thay đổi.