Xác định sai nguồn gốc đất
Dự án xây dựng cầu Ngọc Hồi được UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 3197 phê duyệt chủ trương đầu tư tại Km 186 + 300 trên quốc lộ 1A, huyện Thanh Trì.
Đây là dự án nhằm thay thế cầu cũ đã xuống cấp, mất an toàn, góp phần trong việc phát triển kinh tế xã hội, an ninh cho khu vực phía Nam TP. Hà Nội…
Thế nhưng, trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã lộ rõ nhiều dấu hiệu bất thường khiến nhiều người dân vô cùng bức xúc.
Trong đơn gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều người dân nằm trong diện tích bị thu hồi đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Người dân cho rằng, các phòng ban chuyên môn huyện Thanh Trì đã không làm tròn trách nhiệm khiến quyền lợi của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Giấy xác nhận về nguồn gốc đất của UBND xã Ngọc Hồi có lợi cho người dân không được xem xét, áp dụng. |
Trong đó đáng chú ý nhất là 3 trường hợp: gia đình bà Nhân Thị Thủy, Nhân Thị Nhung và Nhân Thị Phúc ở đội 9, xã Ngọc Hồi (Thanh Trì).
Trong đơn, bà Nhân Thị Thủy, cho biết: “Ngày 3/11/2014, gia đình bà nhận được bản dự thảo chi tiết phương án bồi thường của Ban chỉ đạo GPMB huyện Thanh Trì khiến bà vô cùng bất ngờ. Trong đó, nhiều vấn đề không thể chấp nhận khi dự thảo đưa ra thiếu diện tích đất, giá đền bù chưa thỏa đáng, chính sách tái định cư không đảm bảo...”.
Dự thảo phương án chi tiết bồi thường hỗ trợ ghi diện tích đất đang sử dụng: 45,8m2 là đất phi nông nghiệp (ao chuyên dụng) do UBND xã quản lý. Tuy nhiên, theo bà Thủy, diện tích đất ghi như vậy là không đúng thực tế vì trước đây mẹ bà là Hoàng Thị Sáng sử dụng mảnh đất với diện tích 155m2 từ năm 1979.
Đến năm 1999, bà Sáng đã làm đơn xác nhận nguồn gốc đất ở ổn định từ năm 1979 và đồng thời được UBND xã xác nhận. Từ đó đến nay diện tích này vẫn không có biến động.
Mặc dù chưa giải thích, đáp ứng quyền lợi cho người dân nhưng UBND huyện Thanh Trì đã tiến hành cưỡng chế. |
Cũng theo bà Thủy, điều phi lý nữa, trong dự thảo phương án chi tiết bồi thường hỗ trợ còn bắt dân phải nộp tiền sử dụng đất 50% giá đất? Đồng thời bà Thủy cũng không được giao đất tái định cư khi tiến hành thu hồi đất để giải quyết chỗ ở.
Trong khi nhiều trường hợp khác là người nhà lãnh đạo xã, huyện cũng bị thu hồi, diện tích nhỏ hơn gia đình bà nhưng lại được "ưu ái" tái định cư một cách khó hiểu?
Cùng chung sự thiệt thòi, bà Nhân Thị Nhung cho rằng, việc Ban bồi thường giải phóng mặt bằng áp giá đền bù theo “cảm tính”, không đúng như giá thị trường. Cụ thể, tháng 9/2015 bà mới có quyết định thu hồi đất nhưng lại áp giá đền bù đất theo bảng giá năm 2014, gây thiệt hại lớn cho dân.
“Chúng tôi tôn trọng ý kiến của xã, nếu làm sai xã phải chịu”
Để làm rõ những vấn đề “vướng mắc” mà người dân phản ánh, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc ông Nguyễn Huy Hiển, Phó Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT,GPMB) huyện Thanh Trì.
Ông Hiển cho biết: Theo Quyết định số 23 năm 2014 của UBND TP. Hà Nội thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm xác nhận: Về nhà đất có tranh chấp hay không tranh chấp; về nguồn gốc; quá trình sử dụng đất; tình trạng nhà, đất ở trên địa bàn xã, phường bị thu hồi đất...
Quy định đã rõ như vậy nên Ủy ban xã phải có trách nhiệm xác nhận. Khi thấy có vấn đề gì chưa phù hợp thì chúng tôi mới ý kiến. Nhưng trách nhiệm ở đây vẫn thuộc về xã. Trên cơ sở xác nhận nguồn gốc đất từ xã chúng tôi mới xác định phương án bồi thường, tái định cư theo quy định".
Ông Nguyễn Huy Hiển (áo trắng), Phó Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT,GPMB) huyện Thanh Trì làm việc với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Hải Ninh |
Ông Hiển cho biết thêm: “Ngay sau khi xã xác nhận nguồn gốc đất xong, bên Ban cùng với chủ đầu tư dự án lập dự thảo phương án bồi thường hỗ trợ gửi tới các hộ gia đình có nhà đất nằm trong phạm vi chỉ giới thu hồi để lấy ý kiến của các hộ xem phương án như thế đã đúng chưa? Có gì sai sót không?
Thực tế khi chúng tôi gửi phương án thì có mấy hộ dân có khiếu nại, Phòng Tài nguyên Môi trường có yêu cầu xã giải trình. Tuy nhiên, do xã khẳng định họ căn cứ các hồ sơ có liên quan nên làm là đúng…”.
Cũng theo ông Hiển, liên quan đến khiếu nại của người dân, UBND huyện Thanh Trì đã có quyết định giải quyết đơn thư với nội dung khiếu nại của người dân là không có cơ sở.
Tuy nhiên, theo người dân, tại buổi gặp gỡ, trao đổi với các hộ dân thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi được diễn ra ngày 11/12/2015 do UBND huyện Thanh Trì chủ trì. Mặc dù đã được Huyện yêu cầu có mặt nhưng các vị Bí thư, Chủ tịch, cán bộ địa chính UBND xã Ngọc Hồi đều vắng mặt. Chính vì thế, những kiến nghị của người dân chưa được giải quyết dứt điểm.
Cũng tại buổi làm việc, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tài liệu xác nhận của UBND xã Ngọc Hồi về nguồn gốc sử dụng đất của người dân từ năm 1979 ghi rõ diện tích, mốc giới thì ông Hiển khẳng định là có tài liệu này trong hồ sơ nhưng chỉ là 1 căn cứ, UBND xã còn có những xác nhận khác.
Mặc dù, một mặt ông Hiển nói chủ trương của Huyện là “áp dụng các chính sách có lợi nhất cho người dân” nhưng với tài liệu “có lợi cho người dân” nêu trên thì cả UBND xã Ngọc Hồi và huyện Thanh Trì đều đã “loại sang một bên”, không xem xét cẩn trọng.
Về việc tái định cư, ông Hiển cho biết, trường hợp các hộ gia đình không có nhà ở khác ngoài nhà bị thu hồi trên địa bàn thì sẽ được chính sách tái định cư. Trường hợp bà Nhân Thị Thủy, Nhân Thị Nhung và Nhân Thị Phúc đều được UBND xã xác nhận là có nhà khác tại xã Ngọc Hồi nên sẽ không được tái định cư.
Một số trường hợp phản ánh là "người nhà" lãnh đạo nên được suất tái định cư, ông Hiển cho biết sẽ cho rà soát, kiểm tra lại.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.