Vào bãi vàng với giấc mơ làm giàu, nhưng lại vướng vào vòng xoáy ma túy, tưởng rằng cuộc đời anh Phan Văn Kha (SN 1980, xã Tiên An, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) cứ mãi chìm trong vũng lầy ấy. Nhưng sự thức tỉnh sau những dài tháng dài u muội đã giúp anh đứng dậy…
“Trói chân” ở bãi vàng
Trong căn nhà còn thơm mùi sơn mới, vợ chồng anh Kha đang đùa nghịch với đứa con trai bé bỏng của mình. Nụ cười rạng rỡ trên những khuôn mặt của đôi vợ chồng trẻ, minh chứng cho một điều “tình yêu, tình thương luôn làm nên những điều kỳ diệu”.
Cuộc chiến đấu 90 ngày đêm với “cái chết trắng” như một kỳ tích. Anh đã trở về với bản tính hiền lành chất phác vốn có, quyết chí làm lại cuộc đời sau ngày tháng đằng đẵng sống trong nghiện ngập. Giờ đây anh cố gắng làm lụng để bù đắp cho vợ con yêu thương của mình.
Theo Báo An ninh thủ đô, tuổi thơ của Kha không được êm ấm như bao gia đình khác. Sự đột ngột ra đi của người mẹ yêu quý lúc Kha vừa tròn 10 tuổi, rồi người cha đi bước nữa bỏ lại anh em Kha trong nỗi cô đơn thiếu vắng người thân.
Mất mẹ, thiếu cha, Kha phải tự lo cho cuộc đời mình và nuôi dưỡng đàn em thơ dại. Chưa kịp tới trường, Kha đã lao vào cuộc sống mưu sinh đầy gian nan vất vả.
Năm 1998, khi Kha vừa tròn 18 tuổi, cái tuổi đầy hoài bão, ước mơ muốn thay đổi số phận thì huyện miền núi Tiên Sơn nổi lên như một thánh địa vàng.
Những đoàn người kéo vào rừng tìm vận may để thay đổi cuộc đời. Kha cơm nắm cơm đùm theo bước chân của những người đào vào đi tìm kiếm vận may nơi rừng thiêng, nước độc.
Nghề đãi vàng vất vả hơn bao nhiêu nghề khác. Hằng ngày, họ phải chui xuống hàng trăm mét dưới lòng đất, đôi khi đổi tính mạng để có những đồng lương bèo bọt.
“Để gắn cuộc đời của những phu đào vàng với bãi vàng, những ông chủ bãi khích lệ bằng những “tép” ma túy hít để “lấy dũng khí”, anh Kha nhớ lại.
Ban đầu hít, rồi chích, cứ thế Kha và những người bạn đào vàng trượt dài trong nghiện ngập. Những đồng tiền còm cõi tối ngày trong hố sâu đãi vàng, chỉ thỏa mãi những cơn phê thuốc.
Như một bài toán kinh doanh phi lợi nhuận, các ông chủ bãi vàng đã trói chân các “phu vàng” ở bãi vàng bằng “cái chết trắng”.
Ngày trở về
Sau nhiều năm lăn lộn nơi rừng sâu nước độc, sống chung với “nàng tiên nâu”, năm 2007, trong bộ dạng “thân tàn ma dại”, mình đầy hình xăm trổ, Kha thất thểu bước về làng.
Khi kể những ngày đó, anh Kha cười: “Trông thấy tôi lúc đó ai cũng xa lánh, chỉ duy nhất có một người con gái là có vẻ cảm thương tôi”.
Có lẽ người vợ tương lai đã nhận ra được bản chất hiền lành trong con người anh và cảm thông cho số phận của anh. “Tôi không biết sao nữa, chỉ thấy anh ấy hiền lành, ít nói, rồi yêu khi nào không hay” chị Huỳnh Thị Hà, vợ anh Kha chia sẻ.
Anh Kha đã từ bỏ ma túy, tu chí làm ăn và yêu thương vợ con |
Khi biết chị Hà yêu Kha và quyết định đi đến hôn nhân, gia đình và họ hàng chị Hà cấm đoán kịch liệt với lý do lấy Kha thì chỉ có khổ suốt đời thôi.
Thế nhưng mặc cho mọi sự ngăn cấm, ngọn lửa tình yêu giữa họ vẫn bùng cháy. Họ về ở với nhau và chị tin mình sẽ làm thay đổi anh.
Đám cưới diễn ra trong sự bàn tán xôn xao của bà con lối xóm rằng chị Hà bị “đui mù” nên mới chui vào đó. Bỏ ngoài tai những điều đàm tiếu, những lời dị nghị, đám cưới diễn ra vài ba mâm cơm đạm bạc.
Đứa con đầu lòng ra đời, Kha vẫn biền biệt đi phu vàng từ mỏ vàng này đến mỏ vàng kia.
“Anh ấy không gửi tiền về, mẹ con đành phải về ở nhờ nhà ngoại. Nhiều lần mẹ con ngồi ôm nhau, khóc hết nước mắt đợi anh ấy về, mà vẫn không thấy đâu”, chị Hà nhớ lại.
Bao năm chôn vùi tuổi thanh xuân với nghề phu vàng, làm bạn với ma túy. Ý thức việc làm chồng, làm cha cũng tiêu biến, anh Kha vẫn trượt dài trong nghiện ngập.
Không còn tiền hút chích, Kha lại trở về nhà. Và cũng từ khi Kha trở về thì vật dụng trong nhà lần lượt “đội nón” ra đi. Căn nhà trống hoác, Kha cũng đòi đem bán, nhưng chẳng ai dám mua, vì mua thì mẹ con chị Hà ở đâu.
Trở về, rồi lại ra đi, Kha không sao thoát ra được cái vòng nghiện ngập ấy. Để thỏa mãn những cơn phê thuốc Kha lại đi kiếm tiền. Kiếm chẳng đủ hút, chán rồi lại quay về.
Kha kể, có lần hàng xóm gọi nhau í ới đi sắm Tết, nhà anh chẳng còn gì để làm bữa cơm, vợ anh phải lọ mọ đi vay của hàng xóm.
“Lúc nửa đêm đứa con trai chưa thôi nôi khóc ròng vì đói sữa, vợ dỗ mãi mà không chịu nín. Đột nhiên trong đầu tôi nghĩ phải thay đổi. Tôi trằn trọc cả đêm vì những gì mình đã làm, và thấy có lỗi với vợ con vô cùng”.
Hồi sinh
Đã nhiều lần, Kha tự dày vò mình trong ân hận. Suy nghĩ vẩn vơ, có những lúc Kha cũng muốn tìm đến cái chết để vợ con anh đỡ khổ. Nhưng cái chết không giải quyết được gì cả, vì anh sợ con mình lại mồ côi như chính cuộc đời mình.
Hôm sau, trong bóng tối vẫn còn mờ ảo, phủ kín bởi lớp sương sớm, anh lặng lẽ xuống Bệnh viện Tam Kỳ làm xét nghiệm HIV/AIDS.
“Tôi xét nghiệm đến 3 lần, kết quả đều âm tính. Tôi mừng, vì những lần chích thuốc trong bãi vàng, có hàng trăm người dùng một kim tiêm, có người giờ đã xanh cỏ, tôi biết mình may mắn!”.
Anh về thông báo với vợ và bày tỏ dự định của mình muốn tự đi cai nghiện. Ánh mắt chị lóe lên niềm vui mừng rồi chị tìm cách vỗ về anh.
Sự động viên thôi thúc của người vợ khiến anh càng quyết tâm hơn. “Anh muốn lên rừng tìm một nơi hẻo lánh, ít người qua lại, khi lên cơn thì cố chịu trận để tự cai nghiện”. Kha nói với vợ như vậy và quyết tâm thực hiện.
Ngày Kha lên đường “chiến đấu” với “cái chết trắng”, chị Hà vội đùm nắm cơm nhỏ trong chiếc lá chuối khô, vài cân gạo để Kha mang theo.
Nơi anh chọn là khu vực Suối Dưa ở xã Tiên Phước hẻo lánh. Anh dựng lán bên cạnh một hố bom cũ. “Mỗi khi lên cơn tôi lại lao đến hố bom, dầm mình, vật lộn, kêu than. Mỗi lần như thế lại mất hàng giờ chứ không ít!”.
Cứ 2 tuần, chị Hà lại gửi con cho ông bà ngoại. Với chiếc xe đạp cọc cạch, chị vượt hàng chục cây số đường rừng lên thăm và mang theo ít gạo, mắm muối dưa cà tiếp tế cho chồng.
Có vợ con là sự động viên vững chắc, anh Kha càng quyết tâm hơn trong cuộc chiến đấu với “cái chết trắng”.
“Nhiều bận lên thăm anh ấy, nhìn thấy chồng lên cơn rồi lao mình dưới hố bom, gào thét vang vọng trong núi rừng, thấy anh lăn lộn dưới hố bom đầy bùn lầy mà tôi cũng thắt cả lòng. Nhưng anh đã quyết tâm, tôi cũng hy vọng anh sẽ làm được điều rất khó đó”.
Cuối cùng, sau hơn 90 ngày đằng đẵng tự “chiến đấu”, anh quay về với đúng nghĩa của một người chồng người cha.
Trở về, Kha hết mực yêu thương vợ con. Gia đình lại đầy tiếng cười sau nhiều năm thiếu vắng. Bà con hàng xóm đều mừng cho vợ con anh.
Nhiều người đến động viên và san sẻ miếng cơm, cân gạo trong ngày đầu anh trở về và đã đoạn tuyệt với ma túy. Anh lên kế hoạch xây dựng kinh tế cho gia đình mình.
Được người thân cho mượn 3 hecta vườn đồi để làm kinh tế, cứ sáng sớm Kha lại cơm nắm cơm đùm cùng với cái xe đạp cà tàng lên rừng làm việc.
Sau những năm tháng nghiện ngập, giờ đây mỗi nhát cuốc trong khu rừng cằn cỗi, mô hôi thấm đẫm qua chiếc áo sờn vai, anh mới thấm thía được rằng mình làm khổ vợ con quá nhiều.
Anh tâm sự: “Tuổi trẻ tôi sai lầm đi vào con đường nghiện ngập, đứa con thiếu vắng sự thương yêu của người cha bao năm nay. Vợ chồng tôi sẽ nuôi dạy chúng nó học hành tử tế, sau này trở thành người có ích cho gia đình và xã hội!”.
Ngoài công việc hàng ngày với khu vườn đồi ươm những mầm xanh mới, Kha còn tìm và động viên các bạn bè đã từng lầm lỡ quay về hoàn lương, làm lại cuộc đời.