Hôm 25/11 đưa tin, Cục Phòng, chống HIV/AIDS Bộ Y tế và Ủy ban Dân tộc cùng phối hợp ngành y tế tỉnh Đác Lắc triển khai mô hình điểm “Truyền thông thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV/AIDS dựa vào cộng đồng trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng Tây Nguyên”. Sau hơn hai năm triển khai tại xã Hòa Xuân, TP Buôn Ma Thuột bước đầu đã phát huy hiệu quả.
Là một trong 21 đơn vị hành chính của TP Buôn Ma Thuột (Đác Lắc), xã Hòa Xuân có năm thôn, ba buôn đồng bào DTTS và một khu dân cư tại Tiểu khu 1266. Toàn xã hiện có gần 1.800 hộ, trong đó có hơn 710 hộ đồng bào DTTS tại chỗ với hơn 3.600 nhân khẩu, sinh sống tập trung chủ yếu tại ba buôn gồm: Buôr, Cư Dluê và D’Rai H’Linh. Theo thống kê của ngành y tế Đác Lắc, tính đến hết tháng 10-2013, xã Hòa Xuân có tám người bị nhiễm HIV/AIDS, trong đó số nhiễm HIV mới là năm người, số tử vong do AIDS là một người. Số người nhiễm HIV chủ yếu do lây qua đường tình dục, từ mẹ sang con và ở lứa tuổi thanh niên.
Ngay sau khi triển khai mô hình điểm “Truyền thông thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV dựa vào cộng đồng trong đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên” tại xã Hòa Xuân, Ủy ban Dân tộc (UBDT) phối hợp Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) gửi Tạp chí AIDS và cộng đồng cho các thôn, buôn, người có uy tín và già làng, trưởng bản của ba buôn, đồng thời cung cấp tài liệu, tuyên truyền phòng, chống cho các thôn, buôn và các cán bộ nòng cốt của xã.
Cùng với đó là sự tham vấn, hỗ trợ về mặt chuyên môn của ngành y tế tỉnh Đác Lắc và sự phối hợp chặt chẽ của UBND xã Hòa Xuân. Ngoài ra còn triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: Tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và kỹ năng truyền thông cho hơn 2.000 lượt người dân trong xã.
Từ cuối năm 2013 đến nay, các đơn vị triển khai mô hình phối hợp UBND xã Hòa Xuân tổ chức cho ba buôn đồng bào DTTS ký cam kết “Buôn không có người nhiễm mới HIV/AIDS và mắc các tệ nạn xã hội”, các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS của xã ký cam kết “Gia đình không có người nhiễm HIV/AIDS và mắc các tệ nạn xã hội”...
Trong suốt quá trình triển khai thực hiện mô hình này, UBND xã Hòa Xuân chỉ đạo Trạm y tế xã phối hợp các cộng tác viên y tế thôn, buôn tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS lồng ghép trong các đợt tiêm chủng mở rộng, tuyên truyền cổ động trực quan.
Vụ trưởng Vụ Địa phương II, Ủy ban Dân tộc Nguyễn Xuân Đức cho biết: Bên cạnh sự phối hợp, hỗ trợ nhiệt tình và trách nhiệm của các cơ quan chức năng tỉnh Đác Lắc, mô hình còn nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía người dân, nhất là các già làng, trưởng bản, người có uy tín, chức sắc tôn giáo tại địa phương...
Vì vậy, qua hơn hai năm triển khai thực hiện mô hình, các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS dựa vào cộng đồng trong đồng bào DTTS tại xã Hòa Xuân được triển khai rộng khắp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của chính quyền và người dân, nhất là trong ba buôn đồng bào DTTS.
Cán bộ Trạm y tế xã Hòa Xuân, TP Buôn Ma Thuột tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong phòng, chống HIV/AIDS cho phụ nữ dân tộc thiểu số. (Ảnh: Báo Nhân dân). |
Đến nay, nhận thức của người dân về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người bị lây nhiễm HIV/AIDS và có ý thức phòng, chống tăng rõ rệt. Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, tăng 25% tỷ lệ người dân trong độ tuổi từ 15 đến 49 hiểu đúng về HIV/AIDS và xác định được đúng cách phòng ngừa lây nhiễm HIV; 90% số cán bộ, lực lượng nòng cốt được tập huấn nâng cao nhận thức về phòng, chống; 100% số các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội của địa phương đều tham gia chương trình; 100% số trưởng buôn, già làng, người có uy tín, chức sắc tôn giáo tổ chức và vận động người dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS...
Để phòng, chống nhiễm HIV thông qua các hoạt động truyền thông của mô hình đạt hiệu quả trong thời gian tới, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Nguyễn Đức Nhuận cho biết, xã sẽ tăng cường sự tham gia của cộng đồng, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với những người bị lây nhiễm... Nhóm cán bộ nòng cốt phát huy vai trò là tuyên truyền viên vận động người thân và những người chung quanh tham gia tích cực phòng, chống tại địa phương; nâng cao nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của HIV/AIDS.
Phó vụ trưởng Vụ Tuyên truyền UBDT Đỗ Văn Đại cho biết: Sắp tới, tại Hà Nội sẽ tổng kết mô hình điểm “Truyền thông thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV/AIDS dựa vào cộng đồng trong đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên” và xã Hòa Xuân, nếu được đánh giá có hiệu quả, sẽ đề nghị Cục Phòng, chống HIV/AIDS tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế phối hợp UBDT nhân rộng mô hình tại các địa phương trong cả nước nhằm xây dựng các buôn, thôn lành mạnh, không có tệ nạn hoặc giảm tệ nạn xã hội.
Ngoài ra, còn có chính sách bảo đảm tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS cho đồng bào DTTS và ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bố trí kinh phí cho nhóm cán bộ nòng cốt hoạt động và quan tâm công tác khen thưởng các tập thể, cá nhân đóng góp tích cực trong thực hiện các mô hình tiếp theo.