Làm lại cuộc đời ở vùng "rốn" ma túy

29/08/2015 19:14
Trí Linh
(GDVN) - Công an xã Bon Phặng đang quản lý hơn 50 người được tha tù trở về địa phương, trong số đó anh Lò Văn Ơn ở bản Kéo Pháy là một tấm gương hòa nhập cộng đồng.

Huyện Thuận Châu - tỉnh Sơn La vẫn được coi là vùng “rốn” ma túy. Đặc biệt, xã Bon Phặng vẫn còn nhiều “anh chị” đang phải ngồi bóc lịch trong tù.

Hiện nay, công an xã đang quản lý hơn 50 người được tha tù trở về địa phương, trong số đó anh Lò Văn Ơn ở bản Kéo Pháy là một tấm gương hòa nhập cộng đồng.

Cái lý của người nghèo

Theo sự giới thiệu của Công an tỉnh Sơn La, phóng viên Báo An ninh thủ đô men theo Quốc lộ 6 tìm về xã Bon Phặng. Mùa ngô lúa đang chín vàng.

Nếp nhà sàn anh Lò Văn Ơn vừa cất to đẹp nhất nhì bản, cùng hàng chục nóc nhà sàn khác đã khiến nơi này trở nên trù phú hơn. Anh Ơn vừa cùng vợ đi gặt nốt nương để cày ải. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt rạng ngời.

Anh hỏi: “Ai về thăm Ơn đấy?”. Chúng tôi trình bày sự tình. Ơn gật: “Ôi dà, mình ở đây làm suốt. Tôi bây giờ thành con trâu của bản rồi”.

Trong hồi ức của bà Bùi Thị Thá, mẹ đẻ của Ơn, thì anh là một người lành hiền chịu khó. Ơn cứ như con trâu của bản, ham làm nương làm rẫy, qua làm nương, đi hội nên tìm được người “ưng cái bụng” là chị Lò Thị Tuân.

Năm 1989 hai người làm đám cưới. Thế nhưng, từ lúc nào Ơn đã thay đổi cùng biết bao người sức dài vai rộng của địa phương.

Năm đó, “cơn lốc” ma túy tràn về địa phương. Nhiều thanh niên trở thành nô lệ của ma túy, không ít người đi buôn ma túy và đầu độc chính người thân họ mạc của mình.

Năm đó, Ơn và Tuân sống chủ yếu vào làm nương rẫy, những mùa lúa, mùa ngô đã giúp cho hai cậu con trai của anh chị lớn lên.

Bà Thá chia sẻ: “Nhiều bà con chỉ thấy cái lợi trước mắt đã tiếp tay hoặc mua ma túy cung cấp cho người trong xã và vùng lân cận.

Cán bộ hỏi sao không đi buôn trâu buôn bò mà kiếm tiền, sao lại đi buôn thuốc phiện, ma túy? Người dân trả lời. Con trâu con bò không cầm được trên tay, phải dắt nặng lắm. Nhưng ma túy thì nhẹ, mang theo người được”.

Thói đời, càng có nhiều thuốc thì nạn chích hút càng phổ biến. Số người sức dài vai rộng mắc nghiện trong xã tăng lên từng ngày, cũng đã khiến nhiều tổ ấm, với những ngôi nhà gỗ ọp ẹp trở nên xiêu vẹo.

Năm 2000, Ơn cũng bập vào ma túy và mau chóng bị cơn lốc nghiệt ngã này cuốn đi. Không chỉ chích hút, anh thấy bà con trong bản người âm thầm, kẻ công khai bán thuốc thì cũng tìm cách đi theo.

Giữa lúc đời sống khó khăn, đó là cách đơn giản và dễ dàng nhất mà bà con có thể nghĩ ra, bất chấp tác hại và những lời cảnh báo một khi bị phát hiện.

Ông Lò Văn Trưởng khi đó bảo con trai: “Con ơi dừng lại đi. Đừng dại. Chịu khó làm nương rẫy thì cũng có cái ăn”.

Mặt Ơn đanh lại: “Lúa ngô gì cũng chẳng bằng làm xong một chuyến. Con không thể chịu nổi nghèo túng mãi”.

Ông Trưởng như chết điếng. Trời ơi, nó có vợ có con rồi, nó là trụ cột gia đình, làm sao quản được cái thằng chân thoăn thoắt ấy?

Người tự khuỵu xuống. Từng đêm, ông bà hướng ra nương ngô thông thốc gió cầu thần núi thần sông đưa con quay về. Bao nhiêu tấm gương xấu ở bản chỉ ra một điều, chẳng thể làm giàu bằng con đường phạm pháp.

Ông Trưởng nghĩ, con người chỉ thay đổi số phận được bằng lao động. Quả nhiên, đứa con dại dột của ông đã không thoát nổi lưới pháp luật.

Năm 2004, Ơn bị bắt và bị Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La kết án 4 năm tù giam.

Nhớ lại ngày đó, Ơn tâm sự: “Kiếm tiền bằng mọi cách, bất chấp luật pháp, tôi đã sai. Tôi càng sai khi không nghe lời cha mẹ. Tiền nuôi con chẳng thấy đâu, cũng chẳng thoát nghèo. Sau cùng nếp nhà trống hoác, còn tôi phải trả giá. Khổ!”.

Cai nghiện cho con

Mãi đến sau này, Ơn chẳng trả lời được câu hỏi vì sao năm 2004, nhiều người lầm lỡ ở thung lũng Bon Phặng chịu án tù đến thế?!

Nhưng năm đó, sau khi Ơn bị bắt rồi, suối Mo Nạy vắng thêm người rửa chân sau buổi đi nương.

Chị Lò Thị Tuân, vợ anh, mỗi lần vào thăm chồng đã động viên kịp thời, nhỏ to tâm sự với anh những lời “hay như hoa rừng” khiến anh có quyết tâm làm lại cuộc đời.

Hơn thế, trong những ngày cải tạo trong trại giam Yên Hà (Sơn La), Ơn được học nghề mộc và học rất nhanh. Công việc cần lắm sự nhẫn nại, tỉ mẩn giúp anh dần trở nên biết nghĩ sâu xa.

Giữa năm 2008, sau khi mãn hạn tù trở về quê, anh nói với vợ: “Anh sẽ làm nghề thợ mộc để nuôi con”.

Làm lại cuộc đời ở vùng "rốn" ma túy ảnh 1
Lò Văn Ơn bên xưởng mộc

Với câu nói đầy quyết tâm, chị Tuân mừng lòng. Thế nhưng, niềm vui đoàn tụ chẳng kéo dài được bao lâu, thì một ngày Ơn đau đớn phát hiện con trai lớn Lò Văn Quân mắc nghiện.

Anh thấy căm thù ma túy, căm thù công việc mình từng làm, nhiều người đã và đang làm. Và anh đã không buông xuôi con. Bốn đứa con nheo nhóc buộc anh phải nghĩ cách làm ăn.

Anh bảo vợ vừa làm nương, vừa mượn đất để trồng cấy quyết tâm đẩy lui cái nghèo, đồng thời phải tìm cách cai nghiện cho thằng Quân.

Sẵn có kỹ năng làm mộc, cộng thêm lời hứa với vợ, Ơn chịu khó đi tìm những hộ cần làm nhà ở các bản trong xã, gợi ý xin giúp để lấy chút tiền công. Thấy ngôi nhà nào hỏng thì anh xin sửa chữa.

Được bà con chấp thuận, anh vay tiền ngân hàng mua dụng cụ về làm mộc, kéo cậu con trai nghiện ngập vào làm để kèm cặp và tự tìm cách cai cho con.

Nhờ quyết tâm cao, cộng với hai bàn tay khéo léo và tính chịu khó, bà con nhờ ngày một nhiều, công việc đến với anh đều hơn. 

Năm 2010, anh mời 2 người cùng cảnh được tha tù về cùng làm với mình, mở cho họ cơ hội được hòa nhập cuộc sống. Việc làm ấy khiến bà con trong vùng, chính quyền địa phương xã Bon Phặng rất nể phục.

Con trai anh nhờ thế cũng được tạo điều kiện giúp đỡ cai dứt hẳn ma túy. Có chút vốn liếng, anh mua thêm cưa máy, nhận thêm 3 người từng bị phạt tù, nghiện ngập khác vào làm việc, giúp họ có cơ hội làm lại cuộc đời. 

Đã làm khổ người thân, chúng tôi phải làm lại

Nhờ chăm chỉ, tích lũy, năm 2014 vợ chồng Ơn đã cất được ngôi nhà sàn khang trang. Hai cậu con trai đã có vợ, mỗi buổi tối các cháu nội lại ríu rít bên ông bà.

Ghi nhận việc làm của anh Ơn, ông Hà Văn Hoa - Chủ tịch UBND xã Bon Phặng cho biết:

Anh Ơn trở về, được địa phương đón nhận, tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng. Anh ấy đã trở thành con người lương thiện, giúp ích nhiều cho địa phương, phát triển kinh tế gia đình và tạo công ăn việc làm cho một số người cùng cảnh.

Đặc biệt hơn, anh Ơn dù không biết chữ, nhưng lại chọn cách trả lương theo thu nhập hàng tháng và không cố định mức lương. Thu nhập nhiều thì trả công cho anh em nhiều, vì thế anh em làm thuê rất được lợi”.

Ông Ngoan cho hay, trong số hơn 50 người được tha tù về trong danh sách quản lý ở địa phương, thì anh Ơn là một tấm gương tốt cần học tập.

Ông Ngoan nói: “Việc làm của anh Ơn đã được chính quyền địa phương báo cáo về Công an huyện Thuận Châu, từ đó được đề nghị khen thưởng trên Công an tỉnh Sơn La.

Năm 2014, anh Ơn được đi dự Hội nghị biểu dương mô hình, cá nhân điển hình thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù ở Hà Nội”.

Chuyến đi đó không chỉ là chuyến đi xa quê nhất của anh, mà còn mở rộng thêm cách nghĩ của Ơn, cũng lay động trong anh biết bao nhiêu ước vọng.

Nay, anh và hai người con trai, cùng những người thợ lành nghề đã nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn. Nhóm cũng đến nhiều bản làng ở các huyện bên cạnh để làm nhà sàn, nhà gỗ.

Công ăn việc làm đối với người được cai nghiện hay người chấp hành xong án phạt quan trọng lắm. Tôi ước mở rộng hơn, nhận được nhiều người hơn vào làm. Qua những ngày đi làm, thấy sống bằng việc làm, dù đổ mồ hôi cũng thích lắm. Nó thanh thản mà. Tôi sướng nhất là những lúc sum họp gia đình”, anh Ơn nói.

Suối Mo Nạy uốn quanh những cánh đồng Bon Phặng trong ngần chảy róc rách từ bên kia dãy núi, dường như đang chắt chiu thêm sự ngọt mát cho những kiếp người.

Thật mừng là Ơn đã hứa: “Người như chúng tôi đã làm khổ người thân, làm mất hình ảnh của bản, của xã. Giờ chúng tôi sẽ cùng góp phần làm bình yên cho quê hương”.

Trí Linh