Cuối ngày 28/12, liên bộ Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đã tổ chức gặp mặt báo chí thông báo về kết quả kiểm tra việc Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có đủ điều kiện mở ngành mới hay không.
Theo kết luận của Đoàn kiểm tra liên bộ (Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế) vào ngày 23/12/2015 thì Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã bổ sung cơ sở vật chất và đội ngũ theo góp ý của các thành viên trong Đoàn thẩm định liên ngành tại Biên bản ngày 5/10/2015.
Điều kiện cơ sở vật chất và giảng viên của trường đã vượt so với quy định mở ngành của Thông tư 08; có tham khảo đề xuất của Bộ Y tế với Bộ GD&ĐT tại Công văn số 7836 năm 2014.
Buổi gặp mặt báo chí thông tin về việc mở ngành Y - Dược tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. |
Cụ thể, Đối với ngành Y Đa Khoa: Về đội ngũ giảng viên ngành Y có 34 người có trình độ thạc sĩ trở lên/56 giảng viên cơ hữu, trong đó 23 tiến sĩ và 11 thạc sĩ; 10 chuyên khoa I và 12 chuyên khoa II.
Thiếu 01 tiến sĩ Sản khoa và 6 môn học chưa có giảng viên cơ hữu đúng chuyên ngành: Chẩn đoán hình ảnh, Truyền nhiễm, Tâm thần, Kí sinh trùng, Sinh lí bệnh miễn dịch, Mô phôi.
Đối với ngành Dược học, về đội ngũ giảng viên ngành Dược có 20 giảng viên trình độ tiến sĩ, Phó giáo sư, thạc sĩ, 2 chuyên khoa I, 1 chuyên khoa II, trong đó 14 chuyên ngành và 8 cơ sở. Có 1 giảng viên/19 môn cơ sở và chuyên ngành, trong đó thiếu giáo viên chuyên ngành dạy môn Phân tích kiểm nghiệm.
Mặc dù cho phép tuyển sinh ngành Dược nhưng đoàn kiểm tra liên ngành yêu cầu trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phải thực hiện xong hợp đồng mua bán thiết bị đã kí trị giá 23 tỉ đồng; bổ sung tối thiểu 1 thạc sĩ môn Phân tích kiểm nghiệm và báo cáo Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế.
Chỉ tiêu xác định theo đúng Thông tư 32/2015/TT-BGDĐT ngày 16/12/2015 của Bộ GD&ĐT.
Đối với ngành Y Đa khoa; Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế sẽ xem xét cho phép trường đăng kí chỉ tiêu tuyển sinh sau khi trường bổ sung đội ngũ (có tham khảo Công văn 7836 của Bộ Y tế), trong đó có 01 tiến sĩ Sản khoa, 6 giảng viên cơ hữu đúng chuyên ngành của 6 môn học:
Chẩn đoán hình ảnh, Truyền nhiễm, Tâm thần, Ký sinh trùng, Sinh lí bệnh Miễn dịch, Mô phôi; thực hiện các hợp đồng mua bán trang thiết bị đã kí trị giá 11 tỉ đồng.
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội hiện tại được phép đào tạo ngành Dược học. Ảnh Xuân Trung |
Kết luận cũng nêu, về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho đào tạo ngành Y, cơ bản trường đảm bảo được cơ sở vật chất tối thiểu theo yêu cầu của chương trình đào tạo; còn thiếu một số thiết bị thực hành, thí nghiệm.
Tuy nhiên, Nhà trường phải bổ sung danh mục thiết bị theo hợp đồng mua bán trị giá 11 tỉ và giao hàng tháng 1/2016.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho đào tạo ngành Dược học, cơ bản trường đảm bảo được cơ sở vật chất theo yêu cầu của chương trình đào tạo; còn thiếu một số lượng trang thiết bị. Trường cần bổ sung danh mục thiết bị theo hợp đồng mua bán 23 tỉ và giao hàng vào tháng 2/2016.
Trong buổi thông tin với báo chí, về việc khi nào được phép mở ngành Bác sỹ Đa khoa, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, hai Bộ không ấn định lúc nào thì cho phép tuyển sinh ngành Bác sỹ đa khoa đối với Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Chỉ khi nào trường bổ sung, hoàn thiện đúng các tiêu chí và đoàn kiểm tra đưa ra và báo cáo lại cho Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế kiểm tra. Sau khi hai bộ đồng ý thì lúc đó trường sẽ được phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định.
Trước đó, GS. Trần Phương – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là trường ngoài công lập, hoạt động theo loại hình phi lợi nhuận, nhiệm vụ đào tạo của Trường nhằm mục đích cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Là trường tư, phi lợi nhuận nên bất cứ ngành học nào đất nước cần, xã hội cần, chúng tôi có thể lập đề án xin phép Bộ. Cụ thể, đầu tiên, khi mới thành lập chúng tôi xin phép đào tạo các ngành kinh tế - kinh doanh, sau là kỹ thuật công nghệ và giờ là xin mở ngành Y - Dược.
Như vậy, các trường tư không bị khống chế bởi phạm vi đào tạo nào. Khác với các trường công lập do Nhà nước thành lập căn cứ vào nhu cầu của bộ ngành phải thực hiện đúng các quy định về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của trường.
Về việc mở hai ngành Y - Dược, sau 16 năm hoạt động, lãnh đạo trường, sau nhiều thời gian suy nghĩ, đi đến kết luận nên mở thêm ngành Y - Dược, là vì:
Nếu xét về số bác sĩ để chăm lo sức khỏe cho nhân dân Việt Nam hiện còn quá thấp, chỉ khoảng 8 bác sĩ trên vạn dân, trong khi các nước tiên tiến đạt khoảng 30 - 40 bác sĩ trên vạn dân.
Về dược sĩ, chúng ta chỉ có 1,5 dược sĩ trên 1 vạn dân, trong khi nhu cầu trước mắt cũng đòi hỏi gấp 2 – 3 lần đội ngũ này đóng vai trò quan trọng.
“Chúng tôi còn nghĩ đến việc xa hơn: Đất nước mình hiện nay, trên 90% dược liệu phải nhập từ nước ngoài. Như vậy, thuốc chữa bệnh cho người Việt Nam chủ yếu do người nước ngoài sản xuất.
Trong khi đó, theo các nhà dược học, Việt Nam có đến khoảng 4.000 cây có thể dùng làm dược liệu. Tuy nhiên, chúng ta chưa có nghiên cứu, chiết suất, chế biến nên gần như vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài, trong khi chúng ta chỉ chế biến được mấy chục cây.
Việc đào tạo dược sĩ còn để chế biến dược liệu từ nguồn sẵn có trong nước phục vụ dân mình. Động cơ đó hoàn toàn không có mục đích lợi nhuận, kinh doanh mà chỉ là mong muốn chăm sóc sức khỏe cho người dân và khai thác nguồn dược liệu của Việt Nam” GS. Trần Phương cho biết.
Chúng tôi sẽ thông tin tiếp về đề tài này.