Máy bay nguyên mẫu J-20 cuối cùng
Tờ Popular Science Mỹ ngày 1/12 đưa tin, trải qua vài tháng bay thử, Viện nghiên cứu bay thử Trung Quốc có thể đưa máy bay chiến đấu J-20 số hiệu 2017 đến khu vực miền bắc xa xôi của nước này để tiến hành những thử nghiệm quan trọng hơn.
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 Trung Quốc số hiệu 2017 |
Ngày 24/11/2015, máy bay nguyên mẫu J-20 thứ 8 số hiệu 2017 đã tiến hành bay thử lần đầu tiên ở căn cứ của Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc tại Thành Đô.
Sự thay đổi lớn nhất của máy bay mới là hình dạng của nóc khoang lái, giúp phi công có tầm nhìn lớn hơn. Máy bay J-20 số hiệu 2017 không có sự thay đổi quan trọng khác cho thấy, dòng máy bay này đã tiếp cận phiên bản thử nghiệm cuối cùng. Nó có thể là chiếc máy bay nguyên mẫu tiến hành bay thử định hình cuối cùng.
Trước đó, máy bay nguyên mẫu J-20 số hiệu 2016 bay thử lần đầu tiên vào ngày 18/9/2015, chỉ hơn 2 tháng sau, J-20 số hiệu 2017 lại xuất hiện, bay thử lần đầu tiên.
Nếu bắt đầu sản xuất hàng loạt, phi đội máy bay J-20 đầu tiên của Trung Quốc sẽ bắt đầu bay vào năm 2017, cách lần bay thử đầu tiên 6 năm. Đến khoảng năm 2020, máy bay chiến đấu J-20 sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 số hiệu 2017 Trung Quốc |
Mặc dù lô J-20 đầu tiên có thể không nhanh như F-22, nhưng chúng vẫn có tính năng tàng hình, radar tiên tiến, bộ cảm biến hồng ngoại và tên lửa tầm xa, đã tạo ra khả năng cạnh tranh trong cuộc chạy đua vũ khí trang bị mới.
Theo học giả Trung Quốc, trong nghiên cứu chế tạo vũ khí trang bị, Trung Quốc sẽ kiên trì chiến lược “đối phương sợ cái gì, Trung Quốc sẽ phát triển cái đó”.
J-20 chuyển sang giai đoạn chế tạo số lượng nhỏ
Ngày 25/12, một chiếc máy bay chiến đấu J-20 hoàn toàn mới sơn màu vàng xuất hiện trên đường băng nhà máy của Công ty TNHH công nghiệp máy bay Thành Đô.
Điều gây chú ý hơn cả màu sơn là thân máy bay đánh số 2101. Kế tiếp chiếc máy bay nguyên mẫu thứ 8 số hiệu 2017 không phải là máy bay số hiệu 2018 hay 2019, mà là máy bay số hiệu 2101, cho thấy, đây là chiếc J-20 đầu tiên được chế tạo theo lô với số lượng nhỏ, đánh dấu máy bay J-20 từ giai đoạn sản xuất máy bay nguyên mẫu bước vào giai đoạn sản xuất đại trà.
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 số hiệu 2101 Trung Quốc xuất hiện trên đường băng ngày 25/12/2015 |
Trong giai đoạn này, Công ty Thành Đô sẽ chế tạo khoảng 12 – 24 máy bay chiến đấu để Không quân Trung Quốc bay kiểm tra và đánh giá, tìm hiểu tính năng của J-20, sau đó tiếp tục đưa vào sản xuất đại trà số lượng lớn.
Sina ngày 28/12 cho hay, máy bay chiến đấu J-20 trang bị cho đơn vị tác chiến, một mặt có thể thông qua dùng thử, phát hiện ra nhiều vấn đề hơn và tiến hành cải tiến, mặt khác, có thể giúp cho bộ đội nhanh chóng tìm hiểu, nắm bắt máy bay chiến đấu thế hệ mới, tích lũy kinh nghiệm.
Lực lượng tác chiến thường có thể phát hiện ra một số vấn đề mà phi công bay thử rất khó phát hiện. Chẳng hạn, phi công của đơn vị tác chiến sẽ xem xét chức năng và thiết kế nào hợp lý ở góc độ tác chiến, có thiết kế chức năng sử dụng thường ngày không có vấn đề, nhưng trong thời chiến lại là một vấn đề khác.
Popular Science Mỹ cho rằng, một khi Viện nghiên cứu bay thử Trung Quốc (CTFE) đạt được năng lực và trình độ thành thạo kỹ thuật sử dụng toàn diện J-20 trong các hành động tác chiến, J-20 sẽ có năng lực tác chiến ban đầu vào năm 2018 – 2019.
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 số hiệu 2101 Trung Quốc xuất hiện trên đường băng ngày 25/12/2015 |
Do tiến bộ công nghệ trong 10 năm qua và tập trung đầu tư, Trung Quốc trở thành nước thứ hai trên thế giới bắt đầu sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu tàng hình. J-20 sẽ giúp cho Không quân Trung Quốc có được ưu thế công nghệ trước không quân các nước châu Á khác.
Mặc dù phải sử dụng động cơ AL-31 Nga, J-20 có lẽ không thể tiến hành tuần tra siêu âm, nhưng tính năng tàng hình, khả năng hoạt động liên tục tầm xa và năng lực tác chiến điện tử sẽ giúp cho nó trở thành một đối thủ khó đối phó của các máy bay chiến đấu khác.
J-20 cũng đã trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động mạnh, lắp bộ cảm biến tìm kiếm theo dõi hồng ngoại ở đầu máy bay và camera ở thân máy bay giúp phi công có góc nhìn 360 độ (tương tự thiết bị điện tử hàng không của máy bay chiến đấu F-35).
Về vũ khí, J-20 sẽ trang bị các tên lửa tầm xa như PL-12, PL-15 và PL-21 cùng với các tên lửa tầm ngắn hồng ngoại như PL-8, PL-10.
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 số hiệu 2101 Trung Quốc xuất hiện trên đường băng ngày 25/12/2015 |
Về J-20, Popular Science cho rằng, trong tình hình phối hợp với các trang bị khác như máy bay không người lái chống tàng hình Thần Ưng, một loạt bộ cảm biến của J-20 sẽ giúp nó có khả năng giao chiến trực diện với các máy bay chiến đấu tàng hình khác.
Mặc dù J-20 đã trở thành một đối thủ đáng sợ, nhưng cùng với sự phát triển tiến bộ trong vài năm tới, dự tính khả năng của nó có thể sẽ tiếp tục tăng lên. J-20 tương lai rất có thể sẽ lắp động cơ nội WS-15 Trung Quốc có khả năng tuần tra siêu âm, đồng thời có nhiều lựa chọn thiết bị kết nối ngoài hơn.
Cùng với hoạt động thử nghiệm J-20 kết thúc, Không quân Trung Quốc sẽ còn khởi động nhiều chương trình mới hơn, chẳng hạn máy bay chiến đấu tàng hình J-31, máy bay ném bom tàng hình H-20, máy bay không người lái tàng hình Lợi Kiếm và vũ khí siêu thanh.
Động cơ kém thì khó đối phó máy bay chiến đấu nước khác
Mặc dù những thông tin về tiến triển của máy bay chiến đấu tàng hình J-20 đã gây chú ý cho dư luận, nhưng người ta cũng ngạc nhiên vì Trung Quốc vẫn phải mua máy bay chiến đấu Su-35 Nga.
The Hindu ngày 9/12 cho rằng, do Mỹ đẩy mạnh triển khai chiến lược “tái cân bằng” châu Á-Thái Bình Dương, tăng cường triển khai lực lượng quân sự ở khu vực, quan hệ Trung-Mỹ nóng lên vì vấn đề Biển Đông đã gây lo ngại cho Trung Quốc.
Hơn nữa, máy bay chiến đấu tàng hình J-20 và J-31 của Trung Quốc cần phải vài năm nữa mới có thể đưa vào chiến đấu, do đó, Trung Quốc đã vội vã mua máy bay chiến đấu Su-35 và đã đạt được hợp đồng với Nga.
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 số hiệu 2016 Trung Quốc |
Ngoài ra, nhập khẩu máy bay chiến đấu Su-35 Nga giúp cho Trung Quốc sở hữu radar và động cơ tiên tiến của Nga, có lợi cho Trung Quốc nghiên cứu phát triển động cơ nội.
Theo tờ Sputnik Nga ngày 29/12, Trung Quốc rất coi trọng hiện đại hóa lực lượng không quân, nhưng tồn tại một số vấn đề hạn chế.
Nếu Trung Quốc không thể tự nghiên cứu chế tạo được động cơ phản lực công suất lớn thì máy bay chiến đấu của họ sẽ rất khó “cạnh tranh” với máy bay chiến đấu cùng loại của nước khác. Trung Quốc có kế hoạch bắt đầu sản xuất hàng loại loại động cơ này vào năm 2019.