Giáo sư Kim Tae-hyung từ Đại học Soongsil ngày 31/12 bình luận trên The Korea Herald, "hòa bình nóng" sẽ vẫn tiếp tục ở Đông Á trong năm 2016. Theo học giả Hàn, năm 2015 Trung Quốc là trung tâm chú ý của điểm nóng khu vực vì hoạt động leo thang xây dựng, bồi lấp đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama, ảnh: CNBC. |
Bất chấp việc thúc đẩy chiến lược Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 và xúc tiến thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á, những hoạt động của Trung Quốc trên biển đã thổi bùng căng thẳng trong khu vực. Nỗ lực bành trướng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong năm 2016 sẽ vẫn tiếp tục, nhưng Trung Quốc có khả năng sẽ phải tập trung nhiều hơn vào đối nội.
Trọng tâm chính sách của Trung Quốc năm 2016 dự kiến tập trung vào phục hồi kinh tế, cải cách cơ cấu để hạn chế tác động tiêu cực từ suy thoái kinh tế, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và xúc tiến đầu tư, bởi suy giảm kinh tế nghiêm trọng có thể đe dọa vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc, thổi bùng nghi ngờ trong dư luận.
"Trung Quốc đang đối mặt với hàng loạt vấn đề trong nước, từ suy giảm kinh tế cho đến ô nhiễm môi trường, chênh lệch giàu nghèo và những khoảng trống phát triển mà Bắc Kinh cần tập trung giải quyết. Tuy nhiên cũng có khả năng Trung Quốc sẽ tỏ ra cứng rắn hơn trong các vấn đề đối ngoại để hướng sự chú ý của dư luận Trung Quốc khỏi vấn đề trong nước", giáo sư Kim Tae-hyung bình luận.
Sự biến động trong các tranh chấp ở Biển Đông vẫn tiếp tục bởi Trung Quốc gắn yêu sách chủ quyền (bành trướng phi lý) của họ với "lợi ích quốc gia cốt lõi". Trong khi đó Mỹ vẫn tiếp tục các hoạt động bảo vệ tự do hàng không, hàng hải ở Biển Đông và nguy cơ những cuộc chạm trán Trung - Mỹ ở Biển Đông sẽ xảy ra thường xuyên, tuy nhiên hai bên sẽ tìm cách kiểm soát không để xảy ra đối đầu quân sự.