Đó là câu nói bất hủ của Phạm Hùng (tên thật là Phạm Văn Thiện, còn gọi là anh Hai, sinh ngày 11/6/1912 tại xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) là một chiến sĩ cộng sản kiên cường.
Cuộc đời ông như một cuốn tiểu thuyết viết về những con người thần tiên. Ông là Đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa II năm 1960 đến khóa VII năm 1988. Ông là một trong những người có công lớn trong việc góp phần chỉ đạo thành công cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước vào ngày 25/4/1976.
Vì một Quốc hội thống nhất
Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, toàn miền Nam được giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Lê Duẩn, cùng một lúc chúng ta phải triển khai nhiều công việc trọng yếu.
Trong đó, đồng chí Trường Chinh và Phạm Hùng được phân công chỉ đạo trực tiếp triển khai cuộc Tổng tuyển cử để hoàn thành việc thống nhất đất nước về mặt Nhà nước.
Ngày 5/11/1975, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn của Chính phủ cùng đại diện các nhân sĩ, trí thức yêu nước, dân chủ, đã mở Hội nghị liên tịch (mở rộng) tại Sài Gòn.
Hội nghị tiến hành thỏa thuận và đi đến nhất trí về sự cần thiết sớm hoàn thành thống nhất đất nước, trước hết về mặt Nhà nước.
Hội nghị cũng đã đề xuất những nguyên tắc và biện pháp tiến hành hiệp thương giữa hai miền Nam - Bắc và cử đoàn đại biểu miền Nam tham dự Hội nghị hiệp thương với đoàn đại biểu miền Bắc.
Từ ngày 15 đến ngày 21/11/1975, Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất đất nước được tổ chức tại Sài Gòn. Hai đoàn đại biểu đại diện cho hai miền tham dự hội nghị.
Đoàn đại biểu miền Bắc gồm 25 đại biểu, do đồng chí Trường Chinh - Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn, đoàn miền Nam gồm 25 đại biểu do đồng chí Phạm Hùng - Bí thư Trung ương Cục miền Nam làm trưởng đoàn.
Hội nghị đã tiến hành thảo luận và đi đến nhất trí hoàn toàn mọi vấn đề thuộc về chủ trương, biện pháp nhằm thống nhất đất nước về mặt Nhà nước.
Thực hiện chủ trương của hội nghị, từ tháng 2/1976, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tiến tới tổng tuyển cử được triển khai.
Ngày 25/4/1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung lần thứ 2 (lần thứ nhất vào ngày 6/1/1946) được diễn ra trên phạm vi cả nước. Hơn 23 triệu cử tri (chiếm 98,8%) đi bỏ phiếu, 492/605 ứng cử viên đã trúng cử.
Tháng 6/1976, Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất với 492 đại biểu, được gọi là Quốc hội khóa VI với ý nghĩa kế tục sự nghiệp của 5 khóa Quốc hội trước, họp kỳ họp đầu tiên tại Hà Nội.
Đây là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử quan trọng, là kỳ họp hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước, tạo tiền đề cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước đi lên sau các cuộc chiến tranh.
Đồng chí Phạm Hùng thăm bệnh viện 19-8 Bộ Công an năm 1980. ảnh tư liệu. |
Trong kỳ bầu cử đầu tiên này, có những đại biểu đặc biệt vốn là lực lượng thứ 3 của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Họ là những người tiêu biểu trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đây là lực lượng tập hợp các trí thức yêu nước, tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc bằng nhiều hình thức phong phú.
Có những người trong họ không trực tiếp cầm súng ra chiến trường nhưng họ đứng ngay trong lòng địch và có những phương thức đấu tranh phong phú, mang lại những hiệu quả lớn lao.
Với thành phần đại biểu như vậy, Quốc hội khóa VI tiếp tục nêu cao tư tưởng Đại đoàn kết toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền được thể hiện liên tục từ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta.
Người chiến sĩ cộng sản kiên cường
Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, hiếm có ai bị chính quyền thực dân Pháp tuyên 2 án tử hình như đồng chí Phạm Hùng.
Gia đình Phạm Hùng tuy không khá giả, nhưng cha mẹ rất quan tâm tới việc học hành của con cái.
Không chỉ giỏi chữ, anh Hai còn là người rất giỏi võ và mê thể thao, nhất là bóng đá. Anh Hai cũng thích văn nghệ như: tuồng, đờn ca tài tử.
Những trăn trở cuối đời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng |
Năm 1927, sau khi hoàn thành chương trình tiểu học tại Vĩnh Long, Phạm Hùng thi vào Trường Trung học Mỹ Tho do người Pháp mở.
Trong thời gian này, phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Châu Trinh diễn ra rầm rộ ở nhiều nơi, lan xuống Mỹ Tho.
Cùng với sự xuất hiện của Nguyễn Ái Quốc và tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của ông.
Từ giữa năm 1930, Phạm Hùng tham gia nhiều tổ chức liên quan đến Đảng Cộng sản như: Nam kỳ học sinh Liên hiệp Hội, Thanh niên Cộng sản Đoàn với bí danh Phạm Hùng và giữ chức Bí thư Chi bộ trường.
Tháng 10/1930, Phạm Hùng bị Hội đồng kỷ luật trường đuổi học tạm thời 3 tháng vì “có xu hướng chống Pháp” và bị đuổi học hẳn khi mật thám tìm thấy bằng chứng ông có dính líu đến Đảng Cộng sản.
Những câu hỏi lớn liên quan tới vận mệnh dân tộc |
Rời ghế nhà trường, Phạm Hùng càng hăng hái hoạt động, tham gia phát truyền đơn, tổ chức biểu tình. Năm 19 tuổi, ông được Xứ ủy Nam kỳ phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho.
Tháng 6/1931, đồng chí Phạm Hùng bị bắt trong cuộc truy lùng của mật thám Pháp. Dùng bao cực hình tra tấn dã man nhưng không khai thác được gì, thực dân Pháp kết án đồng chí Phạm Hùng 3 năm tù giam, 3 năm quản thúc.
Trong phiên Toà Đại hình ngày 20/9/1932 tại Mỹ Tho, thực dân Pháp đã tuyên án tử hình Phạm Hùng và đưa về xà lim án chém Khám Lớn-Sài Gòn.
Tại đây, đồng chí bị đưa ra xử trong “Vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương” và lại nhận mức án tử hình. Trước án tử hình thứ hai, đồng chí cười mỉa mai quan toà người Pháp:
- Luật pháp của các ông kỳ thật. Tôi có mỗi một cái đầu đã bị chém, các ông muốn chém nữa thì còn đầu đâu mà chém?
Trước sự đấu tranh quyết liệt của nhân dân ta, nhân dân Pháp và Quốc tế Cộng sản đòi trả tự do cho các tù nhân chính trị trong “Vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương”, đồng chí Phạm Hùng được giảm xuống án chung thân khổ sai, đày ra Côn Đảo.
Ngày 17 /1/1934, tù nhân số 6268 Phạm Hùng vừa đến “địa ngục trần gian” Côn Đảo lập tức được đưa ngay vào Sở Chỉ Tồn, Banh 1- nơi khét tiếng là trung tâm khổ sai, dành cho những tù nhân chính trị “ngoan cố”.
Từ năm 1932, Côn Đảo đã có Chi bộ Cộng sản đầu tiên do các đồng chí Nguyễn Hới, Tôn Đức Thắng, Tống Văn Trân, Lê Đức Thọ lãnh đạo.
Đến Côn Đảo, Phạm Hùng được bầu vào ban lãnh đạo của Chi bộ với các nhiệm vụ như: Giúp đỡ anh em tù chính trị ở các khám, tổ chức đấu tranh, học tập, tổng kết kinh nghiệm, biên soạn, dịch thuật tài liệu cho Đảng và tổ chức vượt ngục.
Dưới sự lãnh đạo của các đồng chí Phạm Hùng, Ngô Gia Tự,... anh em tù chính trị tại Côn Đảo đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh, trong đó có việc thành lập “Hội tù nhân thống nhất” để anh em tù nhân có thể giúp đỡ lẫn nhau lúc ốm đau, lao động.
Các cai ngục thường dụ dỗ, tạo điều kiện cho tù thường phạm đánh đập tù chính trị nhằm làm nhụt ý chí đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng.
Trong một lần tù thường phạm thách đấu, Phạm Hùng đã đứng ra thách đấu để bảo vệ anh em.
Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn có lần kể: “Khi còn ở nhà tù Côn Đảo, chính anh Hai Hùng là người đỡ đòn cho tôi và Bác Tôn.
Mỗi lần ra ăn cơm, tụi cai ngục cứ quất roi xối xả vào anh em tù, anh Hai thường đưa lưng ra đỡ cho tôi và Bác Tôn luồn qua.
Tình cảm của anh Hai đối với đồng chí là tất cả tấm lòng và sự sống chứ không đơn giản bằng lời...”. Bác Tôn đánh giá: “Phạm Hùng là một con người thép”.
Cuối năm 1941, đồng chí Phạm Hùng được bầu làm Bí thư Đảo ủy. Mặc dù thường xuyên bị đánh đập, giam cầm, đồng chí luôn sát cánh cùng anh em chống khủng bố, cứu tế tù nhân các trại giam.
Cách mạng Tháng Tám nổ ra, đồng chí Phạm Hùng lãnh đạo tù nhân giải phóng Côn Đảo.
Sau khi ổn định tình hình Côn Đảo, ngày 23 tháng 9 năm 1945, người thợ máy Tôn Đức Thắng đã trực tiếp lái chiếc ca-nô mang tên “Giải Phóng” về đất liền cùng với đồng chí Phạm Hùng.
Sau 12 năm bị cầm tù tại Côn Đảo, “con người thép” Phạm Hùng đã trở về đất liền trong vòng tay đón mừng của đồng chí, đồng bào.
Với tấm lòng kính trọng và cảm phục, tôi đã viết một bài thơ “Lấp lánh kim cương” để tặng ông, trong đó có đoạn: “Nhớ một thời đời lầm than tăm tối/ Vượt chông gai gan góc trước kẻ thù/ Chí hiên ngang người tử tù khí phách/ Sáng kim cương còn rạng đến ngàn thu”.