Những ngày qua hầu hết dư luận thế giới đều nóng lên vì vụ thử "bom nhiệt hạch" của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên diễn ra vào ngày 6/1. Nóng bởi vì sự liều lĩnh của Triều Tiên. Nóng vì bất ngờ về kỹ thuật hạt nhân của Triều Tiên. Nóng vì Triều Tiên vẫn không từ bỏ việc sử dụng “vũ khí giết người hàng loạt” này làm công cụ khẳng định vị thế cho mình trên thế giới.
Ai cũng đoán biết mục đích của vụ việc này là để Triều Tiên khẳng định mình, dằn mặt Mỹ và đồng minh, đồng thời nắn gân ý đồ của Trung Quốc. Đến giờ này, phần nào mục đích ấy đã đạt được khi cả Liên Hợp Quốc cũng lên tiếng về vụ việc này. Mỹ và các đồng minh thì đã có những động thái khẩn cấp trong việc tìm kiếm biện pháp hành xử đúng mức với kẻ ngang bướng.
Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: The Times. |
Như vậy, dù mục đích có đạt được thì hầu hết đều bất lợi cho Triều Tiên, ngoại trừ việc gây chú ý cho Trung Quốc hay nâng tầm quan trọng trong việc trở lại bàn đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của quốc gia này. Song lợi thế ấy thì chưa rõ ràng và không chắc có theo ý muốn của Triều Tiên.
Tuy nhiên, qua vụ thử bom nhiệt hạch vừa qua, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đã đạt mục đích của mình, mà thậm chí thành công ấy còn lớn hơn tiếng nổ của bom nhiệt hạch. Thành công nào vậy?
Đảm bảo lòng trung thành của thuộc cấp
Có thể thấy rằng nhà lãnh đạo Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) có được sự tôn kính và sự trung thành của những người thuộc cấp là do có công lớn trong việc kháng chiến chống Nhật và thành lập nên nước CHDCND Triều Tiên. Với nhà lãnh đạo Kim Jong-il (Kim Chính Nhật), thì do được tham chính từ rất sớm nên dần khẳng định vị thế và vai trò của mình trước khi nắm quyền.
Và khi lãnh đạo đất nước, ông Kim Jong-il đã cùng với cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung thực hiện chính sách Ánh dương, giúp cho hai miền Triều Tiên có những hoạt động kết nối đầu tiên sau gần nửa thế kỷ đối địch, mà chương trình gặp gỡ người thân giữa hai miền là một trong những điểm sáng trong sự nghiệp của ông.
Với Kim Jong-un thì việc nối nghiệp không được chuẩn bị kịp thời và chu đáo, mà nguyên nhân chính là do ông Kim Jong-il thay đổi việc lựa chọn “thế tử” và do ông ra đi quá sớm. Vì vậy, đã có rất nhiều nghi ngại về vị thế của nhà lãnh đạo trẻ trong mắt những bậc tiền bối của cách mạng Triều Tiên, một phần vì tuổi đời quá trẻ, một phần vì kinh nghiệm chính trường quá ít.
Điều đó là sự thật bởi liên tiếp trong mấy năm qua, từ khi nắm quyền, nhà lãnh đạo trẻ này đã phải thử thách lòng trung thành của thuộc cấp bằng việc gạt bỏ quyền lực, loại bỏ chức vị, thậm chí hành quyết nhiều vị công thần từ thời lập quốc.
Kim Jong-un phải thể hiện quyền uy bằng việc thanh trừng để gây khiếp sợ cho những người không chuyên chính. Tuy nhiên, chắc chắn ông ta cũng hiểu đó chỉ là “vạn bất đắc dĩ” mà thôi.
Có thể thấy rằng, đối với Kim Jong-un nỗi lo “giặc ngoài” không lớn bằng “thù trong”, nên bất kể thuộc cấp nào có biểu hiện mà cần phải xem lại lòng trung thành đều phải đón nhận những phán quyết hết sức tàn nhẫn.
Nhưng xem ra trong lòng của vị lãnh đạo trẻ này vẫn không yên vì chưa làm được gì “ra ngô ra khoai”, ngoài việc thanh trừng, để cho thuộc cấp nể phục.
Người chú rể ông Kim Jong-un, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Jang Song-thaek cũng bị hành quyết đã khiến nhiều thuộc cấp khiếp sợ. |
Những tuyên bố hùng hồn hay những kế hoạch quân sự táo bạo đều đã có từ thời cố lãnh đạo Kim Jong-il nên nhà lãnh đạo trẻ có thể hiện như thế nào thì với thuộc cấp cũng như “ôn bài” mà thôi. Vị thế của Kim Jong un không thể nâng lên được. Cấp dưới nghe ông, tuân thủ ông vì lo sợ nhiều hơn.
Vì vậy, để xứng đáng là một "người kế thừa vĩ đại” của các bậc tiền bối, Kim Jong-un đã quyết tâm cho phát triển kỹ thuật hạt nhân. Vì vậy, khi thành công thì vị thế của nhà lãnh đạo trẻ được nâng lên cũng đồng thời làm cho sự vị nể của các thuộc cấp dành cho ông tăng lên.
Ông nói được và đã làm được. Với thành công của vụ thử bom H, các thuộc cấp có thể sẽ cảm thấy trở nên nhỏ bé hơn rất nhiều so với nhà lãnh đạo trẻ của họ.
“Việc thử nghiệm này được thực hiện một vài ngày trước sinh nhật của Kim Jong-un và biểu hiện này như một sự thách thức mang tính quân sự, có thể được dùng để tăng cường thông tin khẳng định ông luôn là lãnh tụ tối cao của đất nước và luôn là một vị chỉ huy tài năng”, theo BBC, ngày 7/1.
Điều này xuất phát từ hai vấn đề được chứng tỏ qua vụ việc thử bom H vừa qua.
Thứ nhất là nó chứng minh cho việc ông Kim Jong-un thanh trừng những thuộc cấp là không sai vì những “kẻ đó” làm ảnh hưởng đến đất nước nên gạt bỏ thì mới có thể thành công như hôm nay. Thứ hai là chứng tỏ những người ông trọng dụng vẫn là những tài năng, đảm bảo thành công cho những kế hoạch vĩ đại của đất nước.
Ông Kim Jong-un đã chọn được người tài năng và giao đúng việc, vì vậy những thuộc cấp của ông sẽ quyết tâm thể hiện mình, thể hiện lòng trung thành mà không có nhiều miễn cưỡng như trước đây.
Trong mắt cấp dưới, giờ đây Kim Jong-un là vị lãnh đạo tài năng và đã trưởng thành nên họ thay đổi trong suy nghĩ về nhà lãnh đạo trẻ và họ trung thành với thượng cấp là xuất phát từ trọng nể chứ không còn do sợ hãi nữa.
Đảm bảo được sự đoàn kết của người dân quanh lãnh tụ
Với người dân Triều Tiên, trước khi Kim Jong-un lên nắm quyền có lẽ họ chỉ biết ông là cháu nội của người lập quốc Kim Nhật Thành, có lẽ cũng chỉ có thể được biết đến như vậy mà thôi. Họ quý trọng người lập quốc nên Kim Jong-un được thơm lây. Với người dân Triều Tiên, Kim Jong-un khi đó chỉ là một thanh niên trẻ bình thường, trước khi được chỉ định làm lãnh đạo đất nước.
Người dân Triều Tiên thể hiện sự cung kính với hai nhà đạo Kim Il-sung và Kim Jong-il chính là một hình ảnh, khát khao mà Kim Jong-un hướng tới. Ảnh: Reuters. |
Việc người dân xứ Bắc Hàn thể hiện tình cảm với “người thừa kế vĩ đại” này chủ yếu theo lời kêu gọi của bộ máy truyền thông nhà nước rót vào họ những thông tin thể hiện sự xuất chúng của nhà lãnh đạo trẻ, từ đó họ tôn kính trong mơ hồ.
Dù ông Kim Jong-un có những cải cách làm cho xã hội Triều Tiên cởi mở hơn, nhưng thật ra chỉ ở thủ đô Bình Nhưỡng và một vài thành phố lớn là bộ mặt cuộc sống có đổi thay mà thôi.
Vùng nông thôn Triều Tiên vẫn còn rất nghèo khó, lại thêm thiên tai gây nên mất mùa làm cho cuộc sống của người nông dân Triều Tiên còn rất thiếu thốn. Do vậy, với họ, lãnh tụ Kim Jong-un chưa mang lại những gì mà họ chờ đợi.
Luật pháp và mệnh lệnh của nhà nước vẫn trong thời chiến đã làm cho người dân Triều Tiên gần như phải tuân thủ tuyệt đối và có lẽ sự kính trọng lãnh tụ cũng nằm trong mệnh lệnh.
Có lẽ nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un cũng thừa hiểu điều đó, nên việc huy động sức dân cho Songun mà chưa mang lại kết quả như mong muốn là một kìm nén của ông. Điều đó làm cho ông quyết tâm thực hiện bằng được kế hoạch chế tạo vũ khí hạt nhân để "đập tan mọi âm mưu của kẻ thù nguy hiểm cho sự an nguy của đất nước", để thể hiện cái tầm của lãnh tụ trong mắt người dân.
BBC ngày 7/1 nhận định: “Nhà lãnh đạo kế tiếp của CHDCND Triều Tiên đã phát triển một chương trình vũ khí hạt nhân hiệu quả, được xem như một phương tiện để khẳng định quyền tự chủ về chính trị và chiến lược của đất nước. Cùng với đó cũng tăng cường uy tín của cá nhân lãnh đạo Kim Jong-un trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển một nền kinh tế quân sự”.
Và quan trọng hơn qua đó chứng minh cho người dân biết là ông ta sử dụng tiền của của dân cho mục đích giữ vững nền độc lập bằng việc phát triển thứ vũ khí hiện đại, chứ không phải chỉ là hô hào, khẩu hiệu xuông với những loại vũ khí cũ kỹ, lạc hậu.
Qua đó Kim Jong-un cũng chứng minh cho người dân biết rằng ông đúng là "lãnh đạo thiên tài" như những gì mà đảng và nhà nước đã tuyên truyền.
Thế là khi bom H nổ thì ngoài sức công phá trong lòng đất, sức công phá trong lòng người của nó cũng mạnh không kém. Với đất nước sống bằng tinh thần mạnh mẽ như Triều Tiên thì việc tự hào về một lãnh tụ tài ba là một lợi thế mà ông Kim Jong-un đã có được qua tiếng nổ của bom “đắc nhân tâm”.
Với nhiều người dân Triều Tiên lúc này, vị lãnh tụ của họ đã có thể sánh ngang với những lãnh đạo của các siêu cường trên thế giới.
Tiếng nổ của bom “đắc nhân tâm” có thể còn quan trọng hơn với ông Kim Jong un vì nó giúp cho ông xây dựng được một nền tảng niềm tin vững chắc của người dân và tạo nên khối đoàn kết xung quanh ông.
Dân Triều Tiên đón nhận thông tin thử thành công bom nhiệt hạch. |
Khi chưa thực hiện việc thử bom H, đất nước Triều Tiên ngột ngạt và điều đó có thể dẫn đến hai vấn đề dễ gây nên hậu quả xấu cho bản thân ông Kim Jong-un.
Thứ nhất là việc tiếp tục bị cấm vận làm cho cuộc sống đói kém sẽ không thể yên lòng dân và hình ảnh lãnh tụ đáng kính của họ sẽ nhạt nhòa. Thứ hai là nếu phải đánh đổi cho mở mang đất nước, tư tưởng mới xâm nhập từ bên ngoài vào làm cho ông Kim Jong-un sẽ không là gì nữa trong lòng người dân.
Cả hai điều đó đều ảnh hưởng đến vị thế của ông. Tuy nhiên, nay với tiếng nổ của bom “đắc nhân tâm” thì ông có thể tạm thời xua tan những lo lắng đó. Ông có thể tiếp tục thực hiện kế hoạch kỹ thuật hạt nhân tốn kém mà không quá lo lòng dân dậy sóng.
Mặt khác, nếu việc đàm phán sáu bên được nối lại, kỹ thuật hạt nhân được đánh đổi bằng gỡ bỏ cấm vận và hòa nhập quốc tế thì ông cũng không quá lo hình ảnh sẽ nhạt nhòa.
Như vậy, có thể thấy rằng, mục đích của việc thử bom H là Triều Tiên hướng tới “giặc ngoài”, nhưng với nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un thì nó hướng tới “thù trong” và có thể thấy rằng bước đầu ông đã thành công. Bom H mà Triều Tiên vừa thử là thứ vũ khí giết người hàng loạt, nhưng với ông Kim Jong un, đó là bom “đắc nhân tâm” đánh vào lòng người dân đất nước ông.
Tuy nhiên, uy lực của quả bom "đắc nhân tâm" này có thể kéo dài được bao lâu mới là vấn đề. Bởi lẽ cuộc sống của người dân Triều Tiên vốn đã đủ khó khăn vì chính sách bế quan tỏa cảng cùng với các lệnh trừng phạt quốc tế, chưa kể thiên tai.
Nay thêm vụ thử bom nhiệt hạch, chắc chắn Bình Nhưỡng sẽ vấp phải những biện pháp trừng phạt cứng rắn của cộng đồng quốc tế, bao gồm Trung Quốc - nhà tài trợ, viện trợ chính của nền kinh tế Bắc Triều Tiên. Khi cơn đói đến, người dân không thể đem niềm tự hào có bom nhiệt hạch ra để làm no bụng mình, cái giá phải trả cho những hành động phiêu lưu sẽ không hề nhỏ.