Liên minh Châu Âu đang lâm nguy! Đó không chỉ là lời cảnh báo. Những vấn đề liên tiếp đặt ra cho EU như gánh nặng về nợ công của Hy Lạp, khủng hoảng dân nhập cư chưa giải quyết được gây nên mâu thuẫn giữa các thành viên, đến mức Thủ tướng Vương quốc Anh phải đang chạy đua với những vấn đề liên quan đến việc ở lại hay rời khỏi tổ chức này.
Tuy nhiên, vấn đề làm cho EU lâm nguy lại không chỉ nằm ở những gánh nặng ấy, mà ở một khía cạnh khác còn nguy hiểm hơn nhiều, liên quan đến vấn đề pháp lý của những trụ cột hình thành nên nguyên tắc dân chủ truyền thống phương Tây, một trong những yếu tố đảm bảo sự liên kết giữa các thành viên.
Đó là việc chính quyền nhà nước Cộng hòa Ba Lan vừa ban hành luật kiểm soát báo chí, trong đó đặc biệt là đặt hoạt động của truyền thông công lập đưới sự kiểm soát của chính phủ, theo đệ trình của đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền và chiếm đa số tại hai viện của Quốc hội Ba Lan, The Guardian, ngày 7/1 đưa tin.
Cựu Thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski, lãnh đạo đảng Luật pháp và Công lý – người làm cho cả EU đau đầu vì phá vỡ những nguyên tắc của nền dân chủ phương Tây. Ảnh: The Guardian. |
Từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, vấn đề này đã làm đau đầu những lãnh đạo cao nhất của tổ chức này cùng lãnh đạo của những quốc gia thành viên quan trọng. Do mọi việc được vận dụng theo hiến pháp, thông qua bởi Nghị viện và được Tổng thống Andrzei Duda ký ban hành thành luật, nghĩa là đúng thủ tục theo quy định của pháp luật không thể có cơ hội cho sự áp đặt nào khác từ bên ngoài được.
Việc kiểm soát truyền thông công lập tại Ba Lan làm ảnh hưởng đến các trụ cột hình thành nên nguyên tắc dân chủ truyền thống tại EU nói riêng và cả nên dân chủ phương Tây nói chung, từ đó đi ngược lại tôn chỉ hoạt động của tổ chức, trong khi Ba Lan là thành viên cực kỳ quan trọng của EU trong thời điểm hiện nay, theo Reuters ngày 8/1.
Ba Lan quan trọng với EU không chỉ là vì cựu Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đang là Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, mà còn quan trọng ở chỗ Ba Lan là hình mẫu cho những chuẩn mực của dân chủ phương Tây được áp dụng thành công tại những thành viên mới ra nhập sau khi Hội đồng tương trợ kinh tế COMECON tan rã.
Tại sao tình hình lại dẫn đến nghiêm trọng như vậy?
Tiến bộ không tương thích
Có thể nói rằng, giá trị của nền dân chủ truyền thống phương Tây đã tác động đến người dân Ba Lan khi lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết Lech Walesa lãnh đạo nghiệp đoàn công nhân Ba Lan chống lại chính quyền nhà nước Công hòa Nhân Dân Ba Lan, từ năm 1980.
Những giá trị ấy và quá trình đấu tranh cho những giá trị ấy được hiện thực hóa tại Ba Lan đã giúp cho ông Walesa trở thành chủ nhân của giải Nobel Hòa bình năm 1983, theo CNN, ngày 10/10/1983.
Và cũng chính những giá trị ấy được tôn trọng bởi chính quyền của Wojciech Jaruzelski – nhà lãnh đạo cuối cùng của đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan – giúp cho việc chuyển đổi hình thái kinh tế - xã hội tại Ba Lan cuối những năm 1980 diễn ra một cách hòa bình và nó giúp làm nên chiến thắng cho ông Lech Walesa trong cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên tại Ba Lan thời hậu Xô Viết.
Điều đó cho thấy, hơi thở của cuộc sống tại Ba Lan hơn 30 năm qua đã chứa đựng nhiều giá trị của nền dân chủ phương Tây, nó giúp cho xã hội Ba Lan phát triển và quốc gia này ngày càng đóng vai trò quan trong trong liên minh kinh tế lớn nhất thế giới này.
Ba Lan thậm chí còn được hướng đến sẽ thay thế vai trò của Vương quốc Anh trong EU nếu người dân xứ sở sương mù quyết rời bỏ tổ chức này sau một cuộc trưng cần dân ý năm 2017.
Vậy mà Nghị viện Ba Lan lại quyết định gạt bỏ những giá trị dân chủ truyền thống ấy. Tại sao vậy?
Tổng thống Ba Lan Andrzei Duda – người ký ban hành luật kiểm soát truyền thông công lập tại Ba Lan, làm cho EU có thể bị lâm nguy. Ảnh: AP. |
Thực ra, mọi việc không phải đều tốt đẹp như người ta cảm nhận. Ngay từ thời cựu Tổng thống Walesa còn nắm quyền, những giá trị dân chủ mà nhờ đó tạo dựng nện tên tuổi của ông đã làm nhà nước Ba Lan có những bất ổn vì chính những điều ấy.
Bản thân ông Walesa cũng đã từng vi phạm những nguyên tắc dân chủ ấy, để đảm bảo cho sự bình yên của đất nước và chính quyền của ông.
Có thể thấy rằng, nếu thời gian anh em song sinh nhà Jaroslaw và Lech Kaczynski của đảng Luật pháp và Công Lý - chi phối chính trường Ba Lan không quá ngắn (người em Lech Kaczynski là Tổng thống và người anh Jaroslaw Kaczynski là Thủ tướng) thì có lẽ đạo luật này đã được ban hành từ khá lâu rồi.
Điều đó chứng tỏ những giá trị của nền dân chủ truyên thống phương Tây không phải là hoàn toàn tương thích với sự phát triển của xã hội tại Ba Lan.
Việc Ba Lan phát triển và đóng vai trò quan trọng trong EU có hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất là Ba Lan được EU ưu tiên, hỗ trợ hơn so với các thành viên mới khác rất nhiều vì Ba Lan nằm ở trung tâm EU, nơi giao thoa giữa EU truyền thống và EU mở rộng, và cũng chính là giao thoa giữa nền dân chủ mang tính truyền thống và nền dân chủ mang tính đồng hóa. Vì vậy, Ba Lan nghiễm nhiên được hưởng những lợi thế do địa chiến lược mang lại.
Thứ hai là do Ba Lan đã nỗ lực tạo điều kiện cho những giá trị dân chủ truyền thống được đảm bảo tồn tại và phát triển mạnh mẽ tại quốc gia này, chứ thực ra không hoàn toàn do sực mạnh của nhà nước Ba Lan mang lại. Ba Lan đã trở thành tuyến đầu của EU trong việc khẳng định giá trị dân chủ phương Tây đối trọng với giá trị cũ còn sót lại.
Tuy nhiên, khi những nguyên tắc dân chủ theo chuẩn mực truyền thống không tương thích với thực tiễn phát triển của đất nước Ba Lan, chủ quyền quốc gia và lợi ích của người dân bị đồng hóa bởi những giá trị ấy nhưng chất lượng cuộc sống không đổi thay tương ứng với tỷ lệ mức độ thẩm thấu của nó, từ đó làm nảy sinh mâu thuẫn quốc gia - liên minh và ngày càng trở nên sâu sắc, cực đoan.
Việc Ba Lan thông qua đạo luật liên quan tới kiểm soát truyền thông công lập sẽ mang lại hệ quả, mà theo The Guardian thì “trong một động thái chưa từng có, vào ngày 13/1, Ủy ban Châu Âu sẽ xem xét các quy định mới của pháp luật tại Ba Lan, mà về mặt lý thuyết có thể dẫn đến việc Ba Lan mất quyền biểu quyết tại EU về các vấn đề liên đến toàn 28 quốc gia của khối”.
Tuy nhiên, ông Jean-Claude Juncker, người đứng đầu Ủy ban Chấu Âu, cho biết vào ngày 7/1 rằng điều đó là khó xảy ra. "Bây giờ chúng tôi đang thảo luận với Ba Lan và tôi không muốn suy đoán về hậu quả nữa. Chúng ta phải có mối quan hệ thân thiện và tốt với Ba Lan nên cách tiếp cận của chúng tôi là rất xây dựng”, The Guardian tường thuật.
Điều đó cho thấy hành động của Ba Lan khẳng định rằng chủ quyền quốc gia không thể nhạt nhòa trong cơ chế liên minh.
Chất lượng cuộc sống phải đảm bảo
Những nguyên tắc của nền dân chủ phương Tây đã làm cho đời sống tại tại Ba Lan trở nên cởi mở hơn, người dân Ba Lan được tự do hơn trong thể hiện mình và tiếp nhận những giá trị văn minh của nhân loại.
Tiến bộ xã hội được khẳng định với chất lượng đời sống được nâng lên, đặc biệt là việc thỏa mãn nấc thang nhu cầu thứ hai của con người – nhu cầu về tinh thấn.
Trụ sở đài truyền hình nhà nước Ba Lan. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, khi có sự lệch pha giữa nhu cầu về vật chất và nhu cầu về tinh thần thì cùng lúc đó là xung đột về quyền lợi sẽ xảy ra và tất yếu dẫn đến xung đột xã hội, cuộc sống của người dân bị ảnh ảnh trực tiếp và trước nhất. Khi đó, vai trò của nhà nước là chủ thể điều hành và quản lý xã hội cần phải được thể hiện.
Trong thời gian gần đầy, chủ nghĩa khủng bố thành hình với học thuyết dựa trên tư tưởng cực đoan đã đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của người dân các quốc gia trung tâm của nền dân chủ phương Tây, mà cụ thể là sự bình an cho cuộc sống không được đảm bảo.
Khi việc bảo đảm an ninh cho đất nước, an toàn cho xã hội được đặt lên hàng đầu thì có nghĩa những ưu tiên cho nhu cầu khác của cuộc sống sẽ bị xem nhẹ.
Vì vậy thay vì tìm cách “trốn chạy” như Vương quốc Anh, thì nhà nước Ba Lan thực hiện việc lập hàng rào ngăn chặn sự xâm nhập của những loại virus nguy hiểm cho cuộc sống của người dân Ba Lan, trong đó có học thuyết của chủ nghĩa khủng bố.
Người dân Ba Lan sẽ có nguy cơn trở thành nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố, thậm chí sẽ có thể có nhiều người trở thành những kẻ khủng bố đe dọa người dân, đất nước mình. Vì vậy, chính phủ Ba Lan đã thực hiện biện pháp ngăn chặn điều ấy, làm giảm tối đa nguy cơ ấy trở thành hiện thực.
Tự do không kiểm soát để rồi sẽ có biết bao “Charlie Hebdo” nữa xảy ra để làm cho xã hội bất ổn, lòng dân bất an. Tự do không kiểm soát để đến lúc xảy ra sự việc đau lòng thì nhà nước chỉ lo đi giải quyết hậu họa, còn người dân thì nhận lãnh hậu quả.
Khi đó đồng minh, liên minh ở đâu và giúp được gì hay chỉ người dân và chính quyền cùng phải tự đứng ra giải quyết?
Khi cuộc sống bất ổn thì chỉ riêng việc giữ cho cuộc sống được bình an cũng đã là một trong những thành quả của chế độ, lúc đó người dân đâu còn mơ đến nâng cao chất lượng cuộc sống với những thang nhu cầu được thỏa mãn. Thế là những gì được xem là tinh hoa, là tiến bộ của nền dân chủ truyền thống trở nên mất giá trị trong nỗi lo cuộc sống hàng ngày.
Do đó, việc đảng Luật pháp và Công lý của cựu Thủ tướng Jaroslaw Kaczynski đấu tranh và thông qua được đạo luật kiểm soát truyền thông công lập là việc sàng lọc lại những nguyên tắc dân chủ truyền thống và thực hiện việc vận dụng phù hợp với thực tế của đất nước Ba Lan, phù hợp với thực tiễn của xã hội Ba Lan và phù hợp với cuộc sống của người dân Ba Lan.
Sự việc sẽ không có là gì ghê gớm, sẽ không đe dọa với EU nếu như Ba Lan không phải là hình mẫu được xây dựng và chứng minh cho những gì được xem là chuẩn mực của những giá trị truyền thống phương Tây. Nay chính quyền Ba Lan phá vỡ những nguyên tắc tự do dân chủ thì vô hình chung là một sự chứng minh ngược cho giá trị của những nguyên tắc ấy.
Và nguy hiểm hơn nữa là nó có thể là một sự bắt đầu cho những quốc gia khác trong liên minh thực hiện những hành động tương tự, dẫn đến một sự thẩm định lại toàn bộ những giá trị dân chủ truyền thống ấy, từ đó niềm tin của công dân một quốc gia “Liên minh Châu Âu” sẽ bị sụp đổ. Một sự nguy hại khôn lường.
Tờ The Guardian bình luận: “Việc làm của Ba Lan là hoàn toàn không thể chấp nhận trong một nền dân chủ thực sự. Họ cho rằng phương tiện truyền thông phải duy trì độc lập với sự can thiệp chính trị hoặc kinh tế, phải chịu trách nhiệm về sự minh bạch khi thực hiện nghĩa vụ phục vụ công chúng trong sự đa dạng của nó".
Qua sự việc tại Ba Lan cho thấy thực tiễn cuộc sống luôn là sự sàng lọc và thẩm định chuẩn xác nhất cho bất cứ giá trị nào dù được xem là tiến bộ và nhân văn.