LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của cô giáo Đinh Thúy Hằng hiện đang công tác tại trường THCS Cao Xá, Tân Yên, Bắc Giang đề cập về vấn đề các Nhà trường THCS hiện nay chưa nhìn nhận đúng vai trò của giáo dục lao động cho học sinh.
Đây chính là nguyên nhân học sinh có học lực khá, giỏi nhưng kỹ năng sống, tinh thần trách nhiệm, khả năng sáng tạo…thì không có.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Nhà trường chưa nhìn nhận đúng vai trò của lao động
Quan sát các hoạt động giáo dục gần chục năm trở lại đây trong các nhà trường THCS ta thấy, việc giáo dục lao động cho học sinh chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí bị cho rằng không quan trọng.
Ở nhiều trường, học sinh lớp 9 được miễn hoặc hạn chế tối đa các buổi lao động để tập trung cho việc học thi THPT.
Mọi quan tâm của nhà trường dồn vào giáo dục văn hoá. Điều đó quả cũng không sai khi mà thước đo thành tích của một nhà trường hiện nay là chỉ số giải học sinh giỏi, giáo viên giỏi, tỉ lệ thi đỗ THPT…
Cho nên, công việc giáo dục văn hoá, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo bồi dưỡng thi THPT là nhiệm vụ sống còn của nhà trường.
Thật sự, giáo dục lao động là kênh quan sát cực kì hữu ích và chuẩn xác. (Ảnh: Đinh Thúy Hằng) |
Nói như vậy không có nghĩa học sinh THCS hiện nay không phải lao động. Các em vẫn tham gia các công việc thường nhật như vệ sinh lớp học, trang trí lớp học, quét dọn sân trường, chăm sóc các công trình măng non trong vườn trường…
Một số trường, Liên đội đã tích cực liên hệ với địa phương để có những buổi lao động công ích như vệ sinh đường làng ngõ xóm, sạch làng tốt ruộng; tham gia vệ sinh, tu tạo cảnh quan nghĩa trang liệt sĩ, các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử ở địa phương; giúp đỡ các gia đình chính sách…
Tuy nhiên, nhiều giáo viên trong các buổi lao động của học sinh đặc biệt là lao động công ích vẫn lập danh sách rồi giao lại cho Đoàn thanh niên, hoặc nhờ đồng nghiệp quản lí học sinh.
Vì vậy việc theo dõi, quản lý các em mới chỉ dừng ở mức để hoàn thành công việc, chưa được giáo viên và nhà trường xem như một kênh quan trọng để đánh giá sự rèn luyện về hạnh kiểm của học sinh.
Giáo dục lao động - một tiêu chí quan trọng để thực hiện phát triển năng lực học sinh
Có một thời đạo đức học sinh được đánh giá theo học lực. Học sinh mà học lực khá, tốt thì hạnh kiểm tốt, học lực mà trung bình thì hạnh kiểm chỉ khá hoặc trung bình.
Vì vậy mà việc theo dõi chấm điểm nền nếp, lao động hàng tuần, hàng tháng chỉ là một cách để giáo viên quản lý lớp.
Đến cuối năm kết quả xếp loại đạo đức lại hầu như không căn cứ vào quá trình rèn luyện, trừ một số trường hợp cá biệt như phạm lỗi đến phải kỉ luật hoặc có thành tích đặc biệt xuất sắc được tuyên dương trước trường, ngành.
Lý giải việc này một lãnh đạo của ngành giáo dục cho biết: Nhiệm vụ chính của học sinh là học tập, không học khá- tốt thì hạnh kiểm tốt thế nào được?
Giáo dục lao động - một tiêu chí quan trọng để thực hiện phát triển năng lực học sinh (Ảnh: Đinh Thúy Hằng) |
Một vài năm nay, quan điểm này được thay đổi, số học sinh học lực trung bình được giáo viên chủ nhiệm cân nhắc xếp hạnh kiểm tốt tăng lên nhưng không phải tất cả giáo viên đều chú trọng theo dõi đánh giá hoạt động ngoài giờ học một cách tỉ mỉ, hệ thống để lấy đó làm căn cứ xếp loại đạo đức trong đó có công tác giáo dục lao động.
Cô Nguyễn Thị Hồng- giáo viên Trường THCS Cao Xá - Tân Yên – Bắc Giang cho biết: “Có nhiều học sinh lười biếng, ỷ lại ngay cả trong công việc thường nhật đơn giản như trực nhật lớp.
Có những học sinh lần nào trong phiên trực nhật của mình cũng cố tình đến muộn giờ học để đùn đẩy việc cho các bạn cùng nhóm. Cá biệt có những học sinh giở thói “anh chị” ép các bạn yếu thế trực nhật thay còn cấm cả bạn mình bép xép với giáo viên hoặc bố mẹ. Nhiều học sinh không tự giác làm việc nếu không có sự giám sát của giáo viên”.
Cô Nguyễn Thị Minh- giáo viên trường THCS Lam Cốt - Tân Yên – Bắc Giang tâm sự: “Theo dõi các buổi lao động trang trí lớp học, thấy nhiều học sinh lớp 7, lớp 8, lớp 9 mà không biết kê dọn, sắp xếp bàn ghế, đồ dùng trong một phòng học thế nào cho gọn, quy chuẩn về thẩm mĩ và sự gọn gàng hầu như rỗng.
Việc trồng, chăm sóc bồn cây cũng hết sức vụng về và thiếu kĩ năng. Thế nên cứ phải có người chỉ tận nơi dọn cái này, nhặt cái kia giống như điều khiển một cái máy. Mọi kiến thức học trong mĩ thuật, công nghệ hầu như không biết đưa ra áp dụng một cách linh hoạt...”.
Chắc rằng không ít giáo viên cấp THCS trong đời dạy học của mình nhiều lần phải bớt năm, mười phút đầu giờ học để yêu cầu học sinh quét dọn phòng học. Bởi vì một lý do nào đó không ai được phân công trực nhật thế là cả lớp vô tư ngồi học giữa đầy rẫy giấy rác, vỏ kẹo mà không chút bận tâm…
Cô Nguyễn Thị Mai- giáo viên trường THCS Phúc Sơn - Tân Yên – Bắc Giang chia sẻ kinh nghiệm: “Đầu năm, cứ cho hai buổi lao động cùng học sinh là chọn được đội ngũ cán bộ lớp chuẩn luôn”.
Thật sự, giáo dục lao động là kênh quan sát cực kì hữu ích và chuẩn xác. Thông qua hoạt động này, giáo viên có thể uốn nắn, điều chỉnh nhiều hành vi ảnh hưởng xấu đến hình thành nhân cách học sinh.
Lao động không chỉ là cơ hội để giúp học sinh rèn luyện kĩ năng lao động mà còn là cơ hội để học sinh bồi đắp tình thương, tinh thần trách nhiệm, khả năng sáng tạo, làm việc nhóm, biết trân trọng người lao động và quý trọng giá trị của lao động; tránh xa sự lười biếng, vô cảm.
Trong yêu cầu đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực người học như hiện nay, thiết nghĩ giáo dục lao động cần được xem là một tiêu chí quan trọng trong giáo dục đạo đức học sinh, giúp học sinh phát triển toàn diện.
Để làm được điều này cần có sự nhìn nhận và chỉ đạo đồng bộ của Ban giám hiệu, Đội Thiếu niên tiền phong, Hội Phụ huynh học sinh và sự tích cực của giáo viên.
Cụ thể là có kế hoạch lao động từng tuần, tháng cho các lớp, giảm bớt tiết quản lý lao động cho giáo viên chủ nhiệm, thiết kế lại sổ chủ nhiệm để có hồ sơ theo dõi giáo dục lao động học sinh… Tuyên truyền nhận thức cho cha mẹ học sinh để họ quản lý việc lao động ở nhà của con em một cách khoa học và có tính giáo dục.