Dan Katz, một cựu thành viên lực lượng đặc nhiệm quân đội Mỹ và hiện là Chủ nhiệm Phân tích quốc phòng của hãng Aviation Week ngày 10/1 bình luận trên Forbes về việc làm thế nào để có thể bảo vệ được Biển Đông trước các động thái bành trướng ngày càng gia tăng từ phía Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter thị sát một tàu sân bay Hoa Kỳ hoạt động trên Biển Đông, ảnh: NDTV. |
Ông cho rằng, Trung Quốc đang tham gia vào một chiến dịch bành trướng lãnh thổ trên Biển Đông khá tinh vi. Để chống lại việc này, Washington nên tối đa hóa các hỗ trợ ngoại giao cho một thỏa thuận thương lượng về các thực thể có tranh chấp và vùng biển xung quanh, ngăn chặn Trung Quốc giải quyết vấn đề thông qua cưỡng ép kinh tế hoặc đe dọa quân sự các bên yêu sách khác.
Trên mặt trận ngoại giao, Washington nên tiếp tục nhấn mạnh Trung Quốc cần thảo luận vấn đề này trong khuôn khổ các diễn đàn của khu vực ASEAN thay vì cố gắng đe dọa từng thành viên khi ép họ đàm phán song phương. Mỹ cũng cần tiếp tục khuyến khích Nhật Bản, Úc và Ấn Độ tăng cường tham gia vào khu vực, hợp tác với ASEAN.
Về mặt quân sự, Mỹ nên cải thiện năng lực của mình ở Biển Đông và sẵn sàng mặt đối mặt với Trung Quốc. Bắc Kinh đang nhanh chóng tiếp cận khả năng quân sự ở mức độ có thể thách thức Mỹ trong một cuộc chiến tranh cục bộ trong thời gian ngắn ở gần các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ xung đột.
Để làm giảm xu hướng đó, Mỹ nên tăng chi tiêu quân sự, mở rộng lực lượng không quân, hải quân và thủy quân lục chiến, tăng cường lực lượng đến Biển Đông và củng cố vững chắc các căn cứ luân lưu hoặc lâu dài của mình trong khu vực để đủ sức chống lại một cuộc tấn công bất ngờ từ Trung Quốc.
Mỹ nên tìm kiếm các căn cứ quân sự luân phiên hoặc lâu dài, bổ sung thêm dọc địa bàn Biển Đông. Đồng thời Washington cũng nên tăng cường viện trợ quân sự cho Philippines, một đồng minh hiệp ước đang phải đối mặt với các mối đe dọa từ Trung Quốc.
Trong khi cải thiện năng lực của quân đội trong khu vực là điều quan trọng, ASEAN hiện cũng đang lo ngại về sức ép của Trung Quốc trên mặt kinh tế. Để giảm thiểu nguy cơ này, Washington sẽ tiếp tục nỗ lực liên kết các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương để cung cấp giải pháp thay thế nguồn cung đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế mỗi quốc gia, phòng tình huống một khi Trung Quốc đơn phương cắt đứt các hoạt động kinh tế thương mại.
TPP là một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực này. Hoa Kỳ nên xem xét tiếp tục liên kết các nền kinh tế ASEAN với các nước lớn khác, chẳng hạn như Ấn Độ, trong khi đảm bảo các nguồn cung cấp nguyên vật liệu chính thay thế.