Việc 23 trạm thu phí trên các tuyến đường đầu tư xây mới, nâng cấp theo hình thức BOT được “bật đèn xanh” điều chỉnh mức phí theo hướng tăng cao từ ngày 01/01/2016, khiến người dân và doanh nghiệp vận tải kêu trời.
Họ kêu bởi phí đường bộ đã quá cao, phí chồng phí (vừa nộp phí bảo trì giờ lại cộng thêm phí BOT).
Phí đường bộ mới là gánh nặng
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị Bộ Tài chính lùi ngày thu phí từ ngày 1/6/2016, tuy nhiên đề nghị đó đã không được chấp thuận (nguyên nhân thì hai Bộ vẫn đang đá "quả bóng" trách nhiệm cho nhau) buộc một số lái xe cũng như người dân phải chọn phương án phản đối bằng hình thức tiêu cực, như đã diễn ra tại trạm thu phí Quán Hàu (Quảng Bình) vào sáng ngày 4/01 và 10/01 vừa qua, gây ách tắc giao thông.
Người dân ở Lương Sơn (Hòa Bình) cũng đã tụ tập đông người để phản đối việc thu phí bất hợp lý với người dân khi qua trạm thu phí, buộc chủ đầu tư đã phải giảm vé tháng.
Kể từ ngày 01/12/2015, các phương tiện lưu thông trên quốc lộ 5 (QL5) phải nộp mức phí từ 30.000 đến 160.000 đồng/lượt, tăng gấp từ 2-3 lần so với trước. Điều đáng nói QL5 là tuyến đường dùng tiền ngân sách để xây dựng, sửa chữa nên không thể đánh đồng tăng mức thu phí gây khó cho các doanh nghiệp vận tải và người dân. Ảnh: ĐV. |
Về mức phí BOT tăng từ 1/1/2016, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải đã phản ứng gay gắt, rằng phí bảo trì đường bộ ở nước mình đã cao hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực, lại “cõng” thêm phí BOT.
Ông Liên thẳng thắn chỉ ra, phí đường bộ mới là gánh nặng đẩy cơ cấu giá thành vận tải lên, đẩy giá hàng hóa tăng cao.
Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải gửi Thủ tướng ngày 20/5 cho biết, trên các tuyến quốc lộ có 96 trạm thu phí đang và sẽ triển khai từ nay đến năm 2018. Trong đó, 83 trạm do Bộ ký hợp đồng với các nhà đầu tư BOT, 13 trạm do UBND các tỉnh thực hiện.
Lùi thời gian thu phí BOT chỉ là động tác lấy lòng dư luận của Bộ Giao thông(GDVN) - Theo ông Bùi Danh Liên, việc Bộ Giao thông vận tải đề nghị lùi thời gian thu phí chỉ là động tác lấy lòng dư luận vì thực tế trước sau gì cũng thu. |
Đã có không ít tiếng nói lên tiếng về mức độ dày đặc các trạm thu phí trên các tuyến đường này và nó được ví như những cỗ máy ngốn tiền của dân.
Đành rằng, theo như lời ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) thì, muốn đi đường tốt, muốn đi nhanh thì phải nộp tiền phí đường cao hơn là lẽ tất yếu.
Ông Thu viện dẫn, nếu đi từ Hà Nội về Thái Bình có nhiều cách lựa chọn để đi. Đi vào đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình rồi vào đường của Tasco đầu tư về Thái Bình, phí là 125.000 đồng, nhưng đi chỉ mất hơn 2 tiếng, tiết kiệm được thời gian, nhiên liệu so với đường đi mất phí chỉ có 30.000 đồng. Theo như lời ông Thi, thì tiền phí BOT có cao nhưng là “đáng đồng tiền, bát gạo”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội tâm tư: "Ai cũng biết, muốn đường tốt thì phải đóng tiền, nhưng phải làm sao để nó tương đương với thu nhập quốc dân, bởi vì, ai cũng muốn đi đường tốt, nhưng phải phù hợp với mức sống của người dân''.
Nhưng việc lái xe và người dân phản đối trạm thu phí Quán Hàu những ngày qua liệu được giải thích thế nào?
Rõ ràng trạm thu phí Quán Hàu lập ra là để thu phí hoàn vốn cho dự án BOT đường tránh Đồng Hới và đường tránh lũ QL1, nhưng trạm thu phí lại đặt ở QL1, người dân bảo đi trên đường “ngân sách” mà phải bỏ tiền nộp phí BOT là cực kỳ vô lý, cũng như trạm thu phí ở QL5 cũ và trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài đặt ra để thu phí cho đường ở khu vực khác.
"Trăm dâu đổ dầu người dân"
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính cũng đã lên tiếng trần tình về việc thu phí BOT, phí bảo trì đường bộ, nhưng xem ra vẫn chưa để người dân “tâm phục khẩu phục” khi “trăm dâu đổ đầu người dân”.
Quy định của cơ quan chức năng thì người dân phải chấp hành, nhưng khi giá thành vận tải đội lên, tất yếu giá tiêu dùng những mặt hàng thiết yếu cũng phải đội giá tăng theo.
Chỉ cần lấy ví dụ, nguồn tiêu thụ rau ở Đà Lạt chính là thị trường rộng lớn ở TP.HCM. Người trồng rau phải bán giá rẻ như bèo, người tiêu thụ thì phải mua với giá cắt cổ. Nguyên nhân chính của khoảng chênh chính là cước vận tải, cộng chi phí “không tên” trên đường.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó Giám đốc Cty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức đã chỉ ra rằng: Cước vận tải cũng góp phần khiến giá rau tăng, bất ổn. Nguồn ảnh: panoramio.com. |
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó Giám đốc Cty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức đã chỉ ra rằng: Cước vận tải cũng góp phần khiến giá rau tăng, bất ổn và kiến nghị các cơ quan quản lý về vận tải cần xem xét lại giá cước để giúp người sản xuất không bị thiệt thòi, người tiêu dùng không phải mua giá cắt cổ.
Giá cước vận tải tăng, kể từ ngày 01/4/2015, khi cả nước bắt đầu tổng kiểm tra xe quá tải, quá khổ cũng mở màn cho “chiến dịch” tăng giá cước vận tải.
Ông Đinh Nam Dinh - Chủ nhiệm HTX ô tô số 9 ( TP.HCM) cho hay, giá cước hàng hóa (thời điểm sau một tháng kiểm tra xe quá khổ) tăng từ 30-80% so với trước ngày 01/4/2015, mức tăng tùy theo xe chở hàng quá tải nhiều hay ít.
Một chủ xe ở HTX vận tải số 10 (TP.HCM) cũng cho hay, trước ngày 01/4/2015, xe chở hàng từ khu Công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) đi Đắk Lắk, giá cước là 500.000 đồng/tấn, sau ngày 1/4/2015 thì giá cước tăng gấp đôi, vì xe chở quá tải gấp đôi trọng lượng quy định, nay giảm trọng lượng thì cước phải tăng.
Nói ra điều này không phải là ủng hộ chuyện “xe quá tải, quá khổ”, nhưng điều đó cho thấy, cước vận tải tăng được “cộng dồn” từ nhiều nguyên nhân như đã nêu trên, cuối cùng người gánh chịu giá vận tải tăng chính là người sản xuất và người tiêu dùng.
Cước vận tải cao cũng là một trong những nguyên nhân "tạo" ra xe quá tải để "né" phí, gây ra những rủi ro nghiêm trọng trên đường.
Diễn biến những ngày qua, sau "lệnh" tăng phí BOT 23 trạm thu phí từ 01/01/2016 cho thấy, vấn đề minh bạch phí bảo trì đường bộ và phí BOT cũng như quy trình các dự án BOT là hết sức khẩn thiết để hài hòa giữa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Không thể để người dân cứ oằn lưng cõng phí khi đi trên đường.