5 mục đích cần chú ý khi cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học

13/01/2016 13:30
TS. Dương Xuân Thành
(GDVN) - Cơ cấu hệ thống giáo dục Đại học không nên hướng tới mục đích giảm quy mô đào tạo mà là đào tạo một cách hợp lý, có tầm nhìn tối thiểu đến năm 2030.

LTS: Quý vị độc giả đang theo dõi bài viết của Tiến sĩ Dương Xuân Thành, thành viên Ban Nghiên cứu và Phát triển Chính sách, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Ở bài này, ông nêu ra vấn đề cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành ở khía cạnh nguyên nhân và mục đích cần chú ý khi tiến hành công việc quan trọng này.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.

Đầu năm 2016, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bộ GD&ĐT cho biết Bộ GD&ĐT “đang xem xét việc cơ cấu lại hệ thống giáo dục Đại học”.

Nguyên nhân nào khiến việc cơ cấu lại hệ thống giáo dục Đại học phải đặt ra lúc này? 

Để trả lời câu hỏi này cần xem xét một chút quá trình thành lập các cơ sở giáo dục Đại học.

Năm 2001, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm thay mặt Chính phủ ký ban hành Quyết định số 47/2001/QĐ-TTg (Quyết định 47) về "Quy hoạch mạng lưới trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2001-2010".  

Sau khi Quyết định 47 ra đời, theo một thông tin trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, tính đến năm 2005 cả nước có 104 trường Đại học trong đó 79 trường công lập và 25 trường ngoài công lập. [1]

5 mục đích cần chú ý khi cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học ảnh 1
Ảnh chụp màn hình Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (ngày 10/1/2016)

Ngày 27/7/2007 Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thay mặt Chính phủ ký ban hành Quyết định 121/2007/QĐ-TTg (Quyết định 121) về việc “Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006 – 2020”.

5 mục đích cần chú ý khi cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học ảnh 2
Số lượng các trường Đại học-Cao đẳng tính đến 2007 - Số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT

Tại thời điểm Quyết định 121 ban hành (năm 2007), theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có 322 trường Đại học-Cao đẳng trong đó Cao đẳng là 183 trường (166 công lập, 17 ngoài công lập); Đại học có 139 trường (109 công lập, 30 ngoài công lập).

Số liệu cập nhật phục vụ tuyển sinh trên Laodong.com.vn cho thấy, đến tháng 7/2010 cả nước có 434 trường Đại học, Cao đẳng. [2]

Như vậy chỉ trong hai năm, từ 2005 đến 2007, số trường Đại học đã tăng từ 104 lên 139, còn trong vòng ba năm từ 2007 đến 2010 số trường Đại học-Cao đẳng tăng từ 322 lên 434 nghĩa là tăng thêm 112 trường.

5 mục đích cần chú ý khi cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học ảnh 3

Khống chế quy mô sinh viên, các trường phải được áp dụng quy định ngang nhau

(GDVN) “Nếu đặt ra rồi thì tất cả những trường đại học trước đây áp dụng (18 trường vượt quy mô sinh viên), chứ không có chuyện trường trước đây nơi áp dụng, nơi không"

Tính bình quân mỗi năm có 37 trường Đại học-Cao đẳng ra đời, mỗi tháng có 3 trường và cứ 10 ngày có một trường Đại học-Cao đẳng được thành lập. 

Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất một trường Cao đẳng, Đại học cứ tạm cho là có thể hoàn thành trong vòng  2-3 năm (vì một số trường chỉ nâng cấp).

Còn chuyện chỉ mất hai, ba năm đã có thể đào tạo một đội ngũ giảng viên Cao đẳng, Đại học đáp ứng các quy định trong Luật Giáo dục Đại học thì thật khó tưởng tượng. 

Nếu biết rằng công chức nhà nước một năm làm việc khoảng 250 ngày, thì giai đoạn 2007-2010  chỉ cần 7 ngày đội ngũ lãnh đạo, chuyên viên Bộ GD&ĐT đã duyệt xong hồ sơ thành lập một trường Đại học-Cao đẳng để trình Thủ tướng ra quyết định, đây hẳn là một kỷ lục khiến tất cả các ngành khác phải khâm phục về tốc độ làm việc của đội ngũ công chức Bộ GD&ĐT.

Đài Tiếng nói Việt Nam dẫn số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố cho biết đầu năm 2015 số người tốt nghiệp Cao đẳng, Đại học, trên đại học thất nghiệp là gần 280.000 người. [3]

Với số liệu nêu trên, có lẽ câu trả lời cho câu hỏi nguyên nhân nào dẫn tới phải cơ cấu lại hệ thống giáo dục Đại học đã quá rõ ràng. 

Ảnh chụp màn hình mục Thống kê trên trang web Bộ GD&ĐT ngày 12/1/2016
Ảnh chụp màn hình mục Thống kê trên trang web Bộ GD&ĐT ngày 12/1/2016

Câu hỏi còn lại là cơ cấu để làm gì và cơ cấu như thế nào?

Có lẽ từ lúc Bộ GD&ĐT xem xét đến lúc thực hiện sẽ cần thêm một khoảng thời gian dài nữa vì Bộ GD&ĐT không phải là cơ quan chủ quản duy nhất của các trường Đại học-Cao đẳng. 

Theo số liệu Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết thì: “Số trường đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT chỉ chiếm khoảng 10% trong số khoảng 400 trường Đại học, Cao đẳng công lập”. [4]

Đầu năm 2016 dù cố gắng bằng nhiều nguồn khác nhau nhưng cũng không thể có được số liệu chính xác về số trường Đại học-Cao đẳng Việt Nam, số liệu thống kê mới nhất đã công bố của Bộ GD&ĐT là “Thống kê giáo dục năm 2013”. [5]

Không biết có phải vì thế nên lãnh đạo vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng cũng chỉ có thể áng chừng cả nước có “khoảng 400 trường Đại học, Cao đẳng công lập”.

5 mục đích cần chú ý khi cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học ảnh 5

Trình xét cơ cấu Hệ thống Giáo dục mới, Bộ Giáo dục rất...cẩn trọng

(GDVN) - Phương án Bộ GD&ĐT đưa ra cũng cẩn trọng khi chưa cho học sinh học xong trung học cơ sở có thể vào học cao đẳng ngay như khuyến nghị của một số chuyên gia.


Tiếng nói của 90% Đại học-Cao đẳng thuộc các bộ, ngành, địa phương chắc chắn không yếu hơn 10% của Bộ GD&ĐT nên chuyện “đường ta ta cứ đi” không phải là không có khả năng xảy ra.

Cơ cấu hệ thống giáo dục đại học cần hướng tới mục đích sau:

1.Bố trí hợp lý mạng lưới cơ sở giáo dục Đại học, phục vụ phân luồng giáo dục sau phổ thông trung học theo hướng: nghiên cứu và ứng dụng – thực hành. 

Một khi đã đặt vấn đề như thế thì các trường đào tạo định hướng ứng dụng – thực hành thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (các Đại học Công nghiệp Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh…) sẽ quy hoạch như thế nào, có cần giảm quy mô sinh viên xuống còn 15.000 người hay tăng thêm chỉ tiêu cho các trường này?

2. Cơ cấu hệ thống giáo dục Đại học theo hướng xã hội hóa, nghĩa là giảm tỷ trọng đầu tư của nhà nước trong các trường không trọng điểm, thậm chí nên xã hội hóa toàn bộ khối trường này, nhà nước chỉ nên tập trung nguồn lực vào các trường trọng điểm quốc gia định hướng nghiên cứu.

3. Cơ cấu hệ thống giáo dục Đại học hướng tới một xã hội học tập, nghĩa là tạo điều kiện cho công dân có thể học tập suốt đời, điều này cần được quan tâm trên phương diện phân bố các cơ sở giáo dục Đại học theo địa bàn dân cư. Giảm áp lực tập trung quá đông các trường Đại học-Cao đẳng tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

4. Cơ cấu hệ thống giáo dục Đại học không nên hướng tới mục đích giảm quy mô đào tạo mà là đào tạo một cách hợp lý, có tầm nhìn tối thiểu đến năm 2030. 

5.  Cơ cấu hệ thống giáo dục Đại học cần phải tiến hành đồng bộ giữa sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các trường, đặc biệt là các trường định hướng nghiên cứu (hàn lâm).

Trong bài tiếp theo, người viết sẽ trình bày ý kiến về việc cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học như thế nào.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/noidungchienluockhoahoccongnghe?categoryId=843&articleId=10001092

[2] http://laodong.com.vn/tuyen-sinh/danh-sach-cac-truong-dai-hoc-cao-dang-va-hoc-vien-40462.bld

[3] http://vov.vn/xa-hoi/gan-28000-thac-sy-cu-nhan-that-nghiep-415763.vov

[4] http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/bo-giao-duc-len-tieng-ve-co-cau-lai-he-thong-giao-duc-dai-hoc-466738.vov

[5] http://www.moet.gov.vn/?page=11.0

TS. Dương Xuân Thành