Công khai, minh bạch để tinh giản biên chế
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, cả nước hiện có hơn 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Theo nhận định của nhiều Đại biểu Quốc hội, trong số này có khoảng 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về”.
Việc loại bỏ "công chức cắp ô" liệu có giải quyết được căn bản vấn đề tinh giản biên chế?
Tiếp tục nội dung liên quan tới đề án "tinh giản biên chế", hôm 14/1, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một số chuyên gia trong lĩnh vực hành chính công cho rằng, để xác định đối tượng thuộc diện “30% công chức cắp ô” không phải là chuyện dễ.
Mặt khác, gốc rễ của vấn đề tinh giản biên chế là cơ cấu hệ thống nguồn nhân lực công chức. Công khai, minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan có liên quan trong việc thực hiện đề án.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc (ảnh: Petrotimes). |
Về việc này, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc nhận định, việc giám sát tinh giản biên chế còn nhiều lỗ hổng dẫn đến việc thực hiện đề án chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Vấn đề nằm ở chỗ, việc tinh giản biên chế phải tuân thủ sự công khai, minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền.
“Việc giám sát tinh giản biên chế chưa chặt chẽ, có thể là lỗ hổng để người ta lợi dụng để làm những chuyện không tốt đẹp.
Nếu đưa con số tinh giản biên chế ra mà “dọa”, hoặc thách thức nhau thì khó thực hiện được mục tiêu đề án”, ông Phúc nêu quan điểm.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đưa ra giải pháp tinh
giản biên chế: “Quan trọng là phải xác định vị trí công việc, từ đó mới biết ai là người làm được việc, ai là người không đáp ứng được nhiệm vụ được giao.
Bộ Nội vụ và cơ quan có trách nhiệm phải trực kiểm tra, giám sát, nếu để tự địa phương làm, có thể sẽ không minh bạch, rõ ràng.
Cũng theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, chế độ “Công chức suốt đời” sẽ là vật cản cho phát triển.
Do đó, cần phải chuyển đổi hình thức biên chế, hợp đồng suốt đời trên cơ sở luật công chức mới.
"Thay vào “biên chế suốt đời” phải xác định vị trí, việc làm trên cơ sở đó đặt chuẩn cho người làm việc ở vị trí ấy. Trong chế độ công chức hiện đại, công chức khi vào một vị trí nào đó, họ phù hợp với vị trí ấy về trình độ đào tạo, kinh nghiệm chuyên môn của họ.
Một nền hành chính công vụ hiện đại, chuyên nghiệp phải bảo đảm được sự năng động, thay đổi, không phải anh vào công chức rồi thì cứ “rung đùi” ngồi đó mãi”, ông Phúc cho biết.
Tái cấu trúc hệ thống nguồn nhân lực công chức
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng cho rằng, hình thức biên chế hiện tại còn có phần tàn dư của hệ thống quản lý kinh tế thời kỳ bao cấp. Đây là một trong số các nguyên nhân sản sinh ra “công chức cắp ô”.
Mặt khác, tinh giản biên chế chỉ là biện pháp mang tính chế tài, tức thời, chưa giải quyết căn bản của vấn đề.
“Phải trả lời được câu hỏi, tại sao lại sinh ra “công chức cắp ô”?
Nếu ví von việc xử lý “công chức cắp ô” như chuyện đi nhặt rác thải thì không giải quyết được gì. Căn nguyên của vấn đề nằm ở chỗ, phải tạo ra một môi trường ít "rác thải công chức"
Tạo ra một hệ thống cơ quan công quyền ít biên chế, hoạt động có hiệu quả.
Vậy phải làm thế nào để việc tinh giản biên chế có hiệu quả?", PGS.TS Đặng Ngọc Dinh đặt câu hỏi.
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh (ảnh: Báo Đại đoàn kết). |
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh nêu giải pháp trong vấn đề tinh giản biên chế: “Nếu chỉ xiết chặt vấn đề quản lý biên chế hiện nay, nhằm tìm ra “công chức cắp ô” thì rất khó. Đây chưa phải giải pháp căn bản để thực hiện tinh giản biên chế.
Do đó, phải tái cấu trúc lại cơ cấu cơ quan công quyền, hướng theo nền kinh tế thị trường đích thực. Tính thị trường trong quản lý hành chính sẽ xác định được những người không đủ năng lực, chuyên môn, và được loại ra khỏi bộ máy công quyền.
Một trong những bước cần tham khảo đó là xác định cơ quan đoàn thể, hội, các tổ chức quần chúng khi nào là cơ quan công quyền? Còn phù hợp với bối cảnh sắp tới.
Nhưng thực tế, hiện nay con số biên chế trong các tổ chức nói trên chiếm tỷ lệ rất cao trong cấu trúc nhân lực công chức ở nước ta.
Mặt khác, để giảm nguồn ngân sách chi lương cho cán bộ công chức, cần cổ phần hóa và xã hội hóa các hoạt động kinh tế trong xã hội. Ví dụ không thể có chuyện một khách sạn thuộc quản lý của địa phương mà lại ăn lương ngân sách. Làm như vậy là quá vô lý...", PGS.TS Đặng Ngọc Dinh nêu quan điểm.