Cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan đã kết thúc bằng chiến thắng của ứng cử viên đảng Dân Tiến Thái Anh Văn. Dù không qua bất ngờ với kết quả này nhưng những người ủng hộ ứng cử viên Quốc Dân đảng cầm quyền Chu Lập Luân đều tỏ ra hết sức thất vọng.
Việc chiến thắng của bà Thái Anh Văn dù được xem là chiến thắng quan trọng trong việc đưa đảo Đài Loan vào một giai đoạn phát triển mới, nhưng sự kiện này được nhận định là sẽ mang đến nhiều khó khăn cho hòn đảo này trong thời gian tới.
Tân lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Ảnh: Reuters. |
Vậy tại sao người dân Đài Loan vẫn quyết định lựa chọn bà Thái Anh Văn dù biết trước sẽ có khó khăn, nan giải trong quan hệ vơi Trung Quốc?
Lo sợ trước giờ G
Có thể thấy rằng, với xu thế phát triển hiện nay và tình hình quan hệ Đài Loan – Trung Quốc trong mấy năm qua, thì việc Đài Loan về với Trung Hoa lục địa là rõ ràng, chỉ còn xác định giờ G nữa thôi. Tuy nhiên, việc lui lại giờ G được bao lâu là một vấn đề hệ trọng và liên quan chặt chẽ đến quyền lợi của người dân đảo quốc này.
Lợi ích của người dân Đài Loan khi sáp nhập với Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào vị thế của Đài Loan, mà vị thế của lãnh thổ này đối Trung Quốc được quyết định bởi hai yếu tố quan trọng nhất là sức mạnh của chính quyền Đài Bắc và ý nguyện của người dân Đài Loan đối với vấn đề trọng đại này.
Thực ra, trong nội dung chương trình tranh cử và quá trình vận động tranh cử, có thể thấy rằng chiến lược của đảng Dân Tiến trong lần bầu cử này không quá sắc sảo và ứng cử viên Thái Anh Văn cũng không quá nổi trội, nhưng họ đã chiến thắng.
Có thể nhận định rằng chiến thắng của đảng Dân Tiến là nhờ vào những sai sót trong quản lý kinh tế của chính phủ Mã Anh Cửu. “Bà Thái Anh Văn giành được nhiều sự ủng hộ từ công chúng, một phần nhờ vào sự không hài lòng rộng khắp của người dân đối với cách thức Quốc Dân đảng và ông Mã Anh Cửu xử lý các vấn đề kinh tế, làm tăng thêm khoảng cách giàu nghèo trong xã hội”, theo BBC ngày 16/1.
Tuy nhiên, những sai lầm mang tính chiến lược của đảng cầm quyền, trong đó có việc nhận định sai ý nguyện của người dân Đài Loan trong việc tiến nhanh quan hệ với Trung Quốc đã đóng góp không nhỏ cho chiến thắng của đảng Dân Tiến.
"Người dân Đài Loan coi thường Quốc Dân đảng vì họ quá gần gũi với Trung Quốc," Một người dân Đài Loan tên là Jeff Chang, 35 tuổi cho The Telegrap biết ngày 16/1.
Còn cô Anita Lin, 37 tuổi, một người Đài Loan khác thì hồi hộp: "Tương lai của Đài Loan không phải là ở Trung Quốc. Tương lai của Đài Loan là ở trên toàn thế giới."
Khi xu thế của thời đại không thể đảo ngược thì người dân Đài Loan cũng đã có những đổi thay trong suy nghĩ, tuy nhiên không thể nhanh như những gì Quốc Dân đảng đã thể hiện trong thời gian qua. Phải trải qua ít nhất một, hai thế hệ lãnh đạo nữa thì việc người dân Đài Loan nghĩ về Tổ quốc Trung Hoa mới nhẹ nhàng hơn.
Có thể thấy rằng từ khi ông Lý Đăng Huy được bầu làm lãnh đạo tối cao Đài Loan năm 1988, việc xem nhẹ sự đe dọa của Trung Quốc mới được người dân Đài Loan phản ứng bớt phần gay gắt.
Nghĩa là mới hơn 30 năm bắt đầu từ sự cảm nhận mà đến nay đã có những hành động đổi thay lập trường của Quốc Dân đảng là quá nhanh, quá sớm cho việc xóa bỏ một Trung Hoa Dân quốc trong tương lai.
Dù việc hòa hoãn, rồi nồng ấm trong quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan mang lại cho người vùng lãnh thổ này nhiều lợi ích, song niềm tin cho việc trở thành “người một nhà” vẫn chưa thể xác lập trong suy nghĩ của người dân Đài Loan như một sự mặc định được.
Quốc Dân đảng đã làm cho người dân Đài Loan lo sợ về một sự áp đặt của Trung Quốc đại lục đối với đảo quốc này. “Bắc Kinh luôn coi hòn đảo này là một tỉnh ly khai và đe dọa sẽ dùng vũ lực để lấy lại nếu cần”, theo BBC
Những người ủng hộ đảng Dân Tiến ăn mừng chiến thắng của bà Thái Anh Văn tại Đài Bắc. Ảnh: Reuters. |
Và họ không phải mơ hồ hay mường tượng ra điều ấy. “Một quốc gia, hai chế độ” ở Hồng Kông đã là một bài học cho người dân Đài Loan nhìn vào để thể hiện cảm xúc của mình. Và đương nhiên họ thấy càng lùi xa giờ G càng tốt cho họ trong việc chuẩn bị cả tâm thế và điều kiện trước khi Đài Loan trở về với đất mẹ Trung Hoa.
Đây là một sai lầm quá lớn của Quốc Dân đảng khi hiểu sai lòng dân, thực hiện những bước đi quá sớm, quá nhanh trong quan hệ với Trung Quốc. Và đương nhiên, đảng Dân Tiến đã nắm bắt ngay cơ hội ấy để hoàn hiện chiến lược tranh cử của mình. Đảng Dân tiến đã đánh trúng vào suy nghĩ của người dân Đài Loan nên đã chiến thắng.
Như vậy, chiến thắng của đảng Dân Tiến và cá nhân bà Thái Anh Văn ngoài việc thay đổi chiến thuật mà còn nhờ Quốc Dân đảng có những sai lầm mang tính chiến chiến lược trong cả chương trình hoạt động của chính phủ Mã Anh Cửu lẫn trong xây dựng chương trình tranh cử của Chu Lập Luân trong cuộc bầu cử ngày 16/1 vừa qua.
Và qua việc lựa chọn bà Thái Anh Văn và đảng Dân Tiến lần này, người dân Đài Loan đã gửi một thông điệp tới Trung Hoa đại lục là mọi việc phải diễn ra tự nhiên và việc thống nhất sẽ phải là ý nguyện của người dân đại lục và người dân trên đảo Đài Loan quyết định. Chính phủ Trung Quốc và chính quyền Đài Loan chỉ đảm bảo cho việc đó diễn ra theo đúng tiến trình mà thôi.
Chấp nhận trả giá
Có thể thấy rằng khi bà Tống Mỹ Linh khuyên Tưởng Giới Thạch chạy ra đảo Đài Loan là bà có ý định trở lại lục địa không phải với vị thế của kẻ trốn chạy. Nhưng khi chứng kiến Đặng Tiểu Bình đã chiến thắng Magaret Thatcher năm 1984 trong việc lấy lại Hồng Kông thì bà đã hiểu vị thế của Đài Loan không còn như dự định được nữa.
Vì vậy, bà Tống Mỹ Linh đã ủng hộ Lý Đăng Huy lên thay Tưởng Kinh Quốc làm lãnh đạo đảo này. Từ đó, mọi việc từ thăm dò đến kết nối trong quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan đã thẩm thấu theo đúng như những gì mà bà Tống Mỹ Linh đã toan tính.
Đối với Trung Hoa đại lúc thì ngay từ ngày lập quốc, việc thống nhất Đài Loan đã luôn là ý muốn của các nhà lãnh đạo của đất nước này. Tuy nhiên, cơ hội chỉ trở nên rõ ràng khi Nixon quyết định buông Đài Loan để chọn Trung Quốc và Tưởng Giới Thạch mất ghế thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc tập Cận Bình gặp nhà lãnh đạo đảo Đài Loan Mã Anh Cửu tại Singapore – sự kiện có ảnh hưởng đến thất bại của Quốc Dân đảng. Ảnh : AP. |
Song chỉ với sự quyết đoán của Đặng Tiểu Bình thì ý tưởng tái thống nhất Trung Hoa mới có cơ hội thành hiện thực. Có thể thấy rằng, cuộc đời làm chính trị của Đặng Tiểu Bình được lưu danh trong lịch sử Trung Quốc bằng hai thành công lớn nhất của ông.
Thứ nhất là việc phát động cải cách mở cửa, đổi mới đất nước. Thứ hai là thành công trong việc xác định được ngày hợp nhất Hồng Kông và Ma Cao về với Trung Quốc từ Anh và Bồ Đào Nha, theo cơ chế “một quốc gia hai chế độ” trong 50 năm với hai lãnh thổ này.
Và có lẽ với Tập Cận Bình việc ông muốn xác định giờ G cho vấn đề thống nhất Đài Loan là một trong những ưu tiên của mình trong thời gian ông lãnh đạo Trung Quốc, noi theo gương của Đặng Tiểu Bình.
Vì vậy, trong thời gian qua ông đã tập trung rất nhiều cho việc này, và việc gặp nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu ở Singapore tháng 11/2015 đã là một bước ngoặc trong quá trình thực hiện mong muốn đó.
Tuy nhiên, việc bà Thái Anh Văn chiến thắng có thể khiến chuyện thống nhất 2 bờ khó có thể xảy ra trong thời gian ông Tập Cận Bình nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc. Và điều này có thể làm cho nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ có những biện pháp cứng rắn với chế độ mới ở Đài Bắc và cả người dân đảo Đài Loan.
Cái giá mà Trung quốc “buộc” Đài Loan phải trả phụ thuộc vào những chính sách và hoạt động của chính quyền bà Thái Anh Văn sẽ thực hiện trên đảo Đào Loan và thể hiện trong quan hệ với Bắc Kinh. Tuy nhiên, người ta dự đoán là cái giá mà chính quyền Đài Bắc và người dân Đài Loan phải trả cho chiến thắng của đảng Dân Tiến có thể là không nhỏ.
Bà Thái, 59 tuổi, là đại diện của Dân Tiến đảng (DPP) vốn chủ trương độc lập khỏi Trung Quốc. Tuy bà chưa tỏ rõ quan điểm nhưng phe đối lập nói quan hệ giữa Đài Loan với Trung Quốc sẽ xấu đi bởi bà không thừa nhận chính sách "một Trung Quốc", BBC đưa tin.
Có lẽ người dân Đài Loan cũng đã đoán biết điều ấy, nhưng họ sẵn sàng chấp nhận vì với họ độc lập trong suy nghĩ, tự do trong hành động đối với vấn đề trong đại của đất nước, hệ trong với cuộc đời của họ thì không có điều gì lớn lao và ý nghĩa hơn.
Do vậy, chắc chắn sóng sẽ vỗ mạnh hơn hai bên bờ eo biển Đài Loan trong thời gian tới. Người dân Trung Quốc và người dân Đài Loan sẽ phải là những người quyết định cho độ dài của những bước sóng ấy vì họ chính là người xác định chính xác nhất giờ G .