Giáo viên thì không có quyền ngôn luận?

02/02/2016 07:29
Thành Minh
(GDVN) - Dù là giáo viên nhưng họ cũng là một công dân, cũng có quyền được tiếp cận với thông tin và được quyền tự do ngôn luận.

LTS: Gần đây xảy ra nhiều sự việc liên quan đến “tự do ngôn luận” trên các trang mạng xã hội, trong đó nhiều thầy cô đã bị kiểm điểm chỉ vì ấn nút “like” (thích) hay bỏ ngỏ một “comment” (bình luận) trên Facebook. Có lẽ nào, là giáo viên thì không được tiếp cận thông tin và không được quyền ngôn luận. 

Trong bài viết này, tác giả Thành Minh phân tích về điều này qua các minh chứng cụ thể. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Gần đây, vụ việc một giáo viên ở An Giang bị phạt và kỷ luật (dù sau đó đã được thu hồi văn bản quyết định kỷ luật) vì bình luận một liên kết trên facebook về ông Chủ tịch tỉnh đã gây xôn xao dư luận. 

UBND Thành phố Châu Đốc xác nhận Phòng GD&ĐT Châu Đốc (An Giang) ra văn bản cấm "like", bình luận trên mạng là chưa đúng và phạm luật nên đã thu hồi. 

Hay một giảng viên trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ "nói xấu" về trường. 

Giáo viên thì không có quyền ngôn luận? ảnh 1
Một giảng viên trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ "nói xấu" về trường (Ảnh: vtc.vn)

Và gần nhất là một cô giáo ở Thạnh Hóa, Long An chê cầu sập trên Facebook đã được "xử lý, nhắc nhở" của chính quyền xã và nhà trường nơi cô giáo công tác...

Bỏ qua việc đúng sai trong từng vụ việc cụ thể, điều người dân băn khoăn là khi ra quyết định xử phạt, xử lý, kỷ luật chính quyền các địa phương luôn nói làm đúng quy trình, nhưng khi dư luận phản ứng và cấp cao hơn vào cuộc kiểm tra lại thì kết luận các văn bản "xử lý" là sai. 

Vậy hành lang pháp lý nào cho những bình luận và bày tỏ thái độ, chính kiến với những sự việc tương tự xảy ra sau này, hay cứ oang oang xử lý đúng quy trình xong rồi rút kinh nghiệm!

Theo một số nguồn thông tin cho biết, cơ quan dù không ra văn bản chính thức nhưng đã “tiếp tay” cho Phòng GD&ĐT Châu Đốc để “nhắc nhở” giáo viên không được bình luận (comment), không thích (like) ở các trang mạng phản động...Và, không được nói xấu lãnh đạo, không bình luận sự vụ, sự việc xảy ra tại địa phương,…

Việc cấm vào các trang phản động thì nhận được sự đồng tình nhưng nội dung không được bình luận đã cho thấy các cấp quản lý đang sợ dư luận xã hội đặc biệt là Facebook. Tại sao vậy?

Qua những vụ việc này cho thấy rằng đến nay cơ quan quản lý ngành truyền thông đã không theo kịp công nghệ bởi thời điểm này vẫn chưa có quy chuẩn chung để mạng xã hội sống chung cùng ngành giáo dục trong khi tốt, xấu đã rõ ràng. 

Ngày 21/10, cô Hải Âu đăng trên Facebook cá nhân về việc cô hiệu phó gặp tai nạn sụp cầu khi qua cầu M3 ở điểm trường và ngay lập tức bị nhắc nhở, xử lý (Ảnh: vnexpress.net)
Ngày 21/10, cô Hải Âu đăng trên Facebook cá nhân về việc cô hiệu phó gặp tai nạn sụp cầu khi qua cầu M3 ở điểm trường và ngay lập tức bị nhắc nhở, xử lý (Ảnh: vnexpress.net)

Hay vụ việc, ngày 21/10, cô Hải Âu (Long An) đăng trên Facebook cá nhân về việc cô hiệu phó gặp tai nạn sụp cầu khi qua cầu M3 ở điểm trường Tiểu học Tân Hiệp.

"Trưa nay… một cán bộ quản lý trường tôi trên đường đi công tác ở điểm trường về thì gặp tai nạn khi chạy qua cầu M3. Cả người và xe rơi xuống kinh lớn với độ sâu hơn 10 m và ngang khoảng 13 m. Giả sử nếu không có đồng nghiệp đi cùng thì người ấy giờ sẽ ra sao… Nhớ lại cách đây vài năm với trường hợp tương tự, một giáo viên trường tôi đã ra đi vĩnh viễn.

Thử hỏi có ai nhìn thấy được cảnh nơm nớp lo sợ hay mọi nguy hiểm luôn đe dọa với người dân đi trên con đường này, cán bộ chính quyền địa phương có thấy được điều này không? Họ đã và đang làm gì? Họ có biết và hiểu được nhân dân mong mỏi ở họ điều gì không? Thật chất chúng tôi không cần trải thảm nhung để đi nhưng chúng tôi cần sự an toàn
".

Sau đó cô Hải Âu đã xóa đoạn: "Cán bộ chính quyền địa phương có thấy được điều này không? Họ đã và đang sẽ làm gì? Họ có biết và hiểu được nhân dân mong mỏi ở họ điều gì không?".

Ngay lập tức cô Hải Âu bị nhắc nhở, phê bình và yêu cầu cô Âu phải viết kiểm điểm, giải trình vụ việc vì đưa thông tin xã lên Facebook. 

Đây là băn khoăn lớn của nhiều giáo viên bởi dù là giáo viên nhưng họ cũng là một công dân, cũng có quyền được tiếp cận với thông tin và được quyền tự do ngôn luận. Là giáo viên nhưng họ cũng cần chia sẻ, quan tâm tới những vấn đề bên ngoài trường học. 

Vậy công dân đặc biệt là giáo viên phải phản ứng thế nào khi trên mạng. Bởi khi cơ quan quản lý không kiểm soát được thì đưa vào điều cấm mà như vậy sẽ hạn chế quyền của công dân. 

Tuy vậy, kể từ nay cho đến khi có bộ tiêu chuẩn, nguyên tắc ứng xử trên mạng xã hội thì tôi nghĩ giáo viên nên tôn trọng yêu cầu của cấp lãnh đạo, hạn chế like và comment những thông tin gây rắc rối cho bản thân và cơ quan. Đặc biệt, nên ứng xử nhã nhặn, kiềm chế hơn để được “an toàn”. 

Thành Minh