Giáo viên có bắt buộc phải gấp rút học chứng chỉ ngoại ngữ hay không?

21/01/2016 07:06
Thùy Linh
(GDVN) - Hiệu trưởng tại một trường Tiểu học tại Đắk Nông vừa có quyết định và yêu cầu giáo viên không nên nóng vội về việc học và thi chứng chỉ tiếng Anh.

Ngày 16/9/2015, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học công lập, chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học trong các trường tiểu học công lập.

Đây là căn cứ để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên tiểu học trong các trường tiểu học công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Khi đăng tải một số bài viết về yêu cầu giáo viên cần có chứng chỉ tiếng Anh A2, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được nhiều luồng ý kiến của các thầy cô trên cả nước về Thông tư này. 

Giáo viên có cần gấp rút học chứng chỉ ngoại ngữ hay không? (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Giáo viên có cần gấp rút học chứng chỉ ngoại ngữ hay không? (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Sau khi Bộ ban hành, nhiều địa phương đã bắt đầu triển khai tới và hiện tại nhiều nơi giáo viên đang tham gia khóa học chứng chỉ Ngoại ngữ để hoàn thiện yêu cầu mà Bộ đã nêu.

Đặc biệt là các thầy cô đang nằm trong số chuẩn bị hoặc cần chuyển ngạch lương thì ráo riết tìm địa điểm để đăng kí học.

Tuy nhiên trong Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên của Bộ GD&ĐT đã quy định, để có đủ điều kiện xét nâng ngạch hệ số lương thì giáo viên cần có chứng chỉ ngoại ngữ hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc. 

Giáo viên có bắt buộc phải gấp rút học chứng chỉ ngoại ngữ hay không? ảnh 2

Nhiều giáo viên nói tiếng Việt còn chưa sõi thì chứng chỉ tiếng Anh để làm gì?

(GDVN) - Nhiều vùng giáo viên chủ yếu người dân tộc thiểu số nói nhiều từ tiếng Việt chưa rõ. Vậy thử hỏi chứng chỉ tiếng Anh để làm gì?

Phóng viên liên lạc với giáo viên hiện đang dạy ở một trường ở bậc Tiểu học thuộc tỉnh Cao Bằng, cô vui mừng cho biết:

Dư luận xôn xao về chứng chỉ tiếng Anh khiến bản thân cũng nóng lòng nhưng vừa qua Hiệu trưởng chính thức thông báo để có đủ điều kiện xét nâng ngạch hệ số lương thì giáo viên cần có chứng chỉ tiếng dân tộc. Mừng quá. 

Bởi để học và thi chứng chỉ thì giáo viên có thể tham gia lớp học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện là được. 

Chúng tôi là những giáo viên sống ở vùng cao lâu năm hoặc có nhiều thầy cô là người bản xứ ở đây nên việc học và thi để cầm trên tay chứng chỉ tiếng dân tộc sẽ dễ dàng hơn, an toàn hơn, khả năng đỗ cao hơn gấp nhiều lần so với việc học và thi chứng chỉ Ngoại ngữ A2 hay B1 theo chuẩn châu Âu
”.

Trong khi đó, cô giáo đang giảng dạy tại một trường Tiểu học thuộc tỉnh Đắk Nông cho biết, Hiệu trưởng có quyết định và yêu cầu giáo viên không nên nóng vội về việc học và thi chứng chỉ tiếng Anh. 

Theo thầy Hiệu trưởng thì Bộ GD&ĐT sẽ cử người về tổ chức dạy học và hướng dẫn giáo viên cụ thể về việc học tiếng Anh. 

Rõ ràng, Bộ GD&ĐT cho biết Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV có hiệu lực thi hành từ ngày 3/11/2015 vậy mà khi liên hệ với một cô giáo đang giảng dạy tại huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, cô khẳng định chưa hề được nghe thông tin gì Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học công lập. 

Vậy thực hư chuyện chứng chỉ này phải thực hiện như thế nào? Giáo viên tự đi học hay Bộ GD&ĐT sẽ cử người về tổ chức hướng dẫn giáo viên? Và tại sao đến thời điểm này mà nhiều giáo viên vẫn chưa được biết đến Thông tư này?

Theo Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học công lập, chức danh nghề nghiệp của giáo viên tiểu học gồm 3 hạng II, III và IV.

Chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II được áp dụng hệ số lương viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98).

Chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III được áp dụng hệ số lương viên chức loại A0 (từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89).

Chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng IV được áp dụng hệ số lương viên chức loại B (từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06).

Tiêu chuẩn giáo viên tiểu học hạng II là có bằng tốt nghiệp Đại học Sư phạm tiểu học hoặc Đại học Sư phạm các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên; có trình độ ngoại ngữ bậc 2 hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc; có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản; có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên tiểu học hạng II.

Giáo viên tiểu học hạng III có bằng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm tiểu học hoặc Cao đẳng Sư phạm các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên; trình độ ngoại ngữ bậc 2 hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc; có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản; có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên tiểu học hạng III.

Giáo viên tiểu học hạng IV có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm tiểu học hoặc trung cấp sư phạm các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên; trình độ ngoại ngữ bậc 1; có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.

Thùy Linh