Nikkei Asian Review ngày 23/1 đưa tin, lãnh tụ đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ Myanmar (NLD) bà Aung San Suu Kyi sẽ "buông rèm nhiếp chính", vấn đề ai sẽ được lựa chọn đại diện cho NLD nắm quyền Tổng thống Myanmar khóa tới đang trở thành đề tài chú ý của dư luận.
Ông Tin Oo và bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: dawn.com. |
Ông Tin Oo, 88 tuổi, một chính khách uy tín trong NLD được coi là ứng cử viên sáng giá cho chức vụ Tổng thống khi bà Aung San Suu Kyi không thể ngồi vào vị trí này bởi rào cản của Hiến pháp hiện hành, con trai bà mang quốc tịch Anh.
NLD đã giành chiến thắng "long trời lở đất" trong cuộc bầu cử cuối năm ngoái, với 390 ghế trong Quốc hội, chiếm gần 80%. Bà Aung San Suu Kyi đang nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa giải dân tộc đồng thời với việc chuẩn bị năng lực cho NLD đón nhận vai trò lãnh đạo từ đảng cầm quyền của Tổng thống Thein Sein hiện nay.
Nhiệm kỳ Tổng thống Myanmar sắp tới, vị trí Tổng thống chỉ mang tính nghi lễ quốc gia, còn lãnh đạo đảng Aung San Suu Kyi sẽ kiểm soát tuyệt đối đối với chính phủ, một quan chức cấp cao cho biết. Trước khi bầu cử, bà Aung San Suu Kyi đã công khai nói rõ ý định buông rèm nhiếp chính và loại trừ khả năng san sẻ bớt quyền lực nội các cho Thủ tướng.
Ông Tin Oo đã từng làm Bộ trưởng Quốc phòng Myanmar giai đoạn 1974 - 1976, sau đó bị chính quyền phạt tù chung thân vì phản đối các hoạt động đàn áp của nhà cầm quyền đối với phong trào đòi tự do dân chủ. Ông được xem như tội phạm chính trị của chính quyền quân sự, khi ra tù ông đã gia nhập NLD.
Bản thân bà Aung San Suu Kyi nay cũng đã 70 tuổi, trong khi nhiều nghị sĩ là thành viên NLD chưa từng có kinh nghiệm quản lý, điều hành hay làm chính trị. NLD đang tìm cách hợp tác với các đảng phái chính trị khác, bao gồm cả đảng USDP và các tổ chức đại diện cho dân tộc thiểu số.
Chủ tịch Quốc hội Shwe Mann, một lãnh đạo USDP bị đảng này truất chức năm ngoái và có quan hệ mật thiết với bà Aung San Suu Kyi có thể đóng một vai trò quan trọng trong bộ máy nội các mới, ví dụ như vị trí đứng đầu Tòa án Hiến pháp.
Soe Thein, một Bộ trưởng trong chính phủ hiện nay cũng có thể sẽ có mặt trong chính phủ mới do NLD tổ chức. NLD cũng sẽ phải họp bàn với quân đội, bởi Hiến pháp hiện hành quy định quân đội có số lượng ghế mặc nhiên cả ở quốc hội lẫn chính phủ.
Rõ ràng bà Aung San Suu Kyi đang rất thực tế, ưu tiên hàng đầu của bà là đảm bảo sự chuyển tiếp từ chính quyền quân sự sang chính quyền dân sự diễn ra trơn tru mà không có sự cố nào đáng tiếc.