Học giả Trung Quốc: Không chiến tranh "vô cớ" chiếm các đảo Biển Đông?!

24/01/2016 16:30
Hồng Thủy
(GDVN) - Học giả Trung Quốc này nói họ chỉ muốn đàm phán, nhưng xin lưu ý, phải chăng là quý vị muốn đàm phán ở tư thế "gí súng vào đầu"...

NBC News ngày 24/1 dẫn lời ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông mà Trung Quốc thành lập ở tỉnh Hải Nam nói rằng, nước này sẽ không khơi mào một cuộc chiến tranh để chiếm các thực thể ở Biển Đông mà Bắc Kinh gọi là "thu hồi".

Ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông do Trung Quốc lập ra ở Hải Khẩu, Hải Nam.
Ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông do Trung Quốc lập ra ở Hải Khẩu, Hải Nam.

"Chúng tôi sẽ không gây ra xung đột quân sự để thu hồi các đảo bị các nước khác chiếm đóng bất hợp pháp. Lập trường của chúng tôi là hướng tới các cuộc đàm phán với các nước liên quan trực tiếp để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải", ông Tồn nói với NBC News.

Đài này lưu ý, Ngô Sĩ Tồn với vai trò Viện trưởng Viện Nghiên cứu BIển Đông thường hoạt động như một "người phát ngôn không chính thức" của chính quyền ông Tập Cận Bình trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông.

Thời Ân Hoằng, một Giáo sư Đại học Nhân Dân, Trung Quốc và là cố vấn chính sách đối ngoại của chính phủ cũng đồng ý với Ngô Sĩ Tồn rằng, Trung Quốc sẽ "không khởi động một cuộc chiến tranh vô cớ".

"Các quốc gia khác cũng đã nói như vậy, và điều này có ích cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Sẽ có những biện pháp để giảm nhẹ căng thẳng. Trung Quốc sẽ áp dụng một chính sách ngoại giao mới để cố gắng hạ nhiệt căng thẳng với Hoa Kỳ và các nước liên quan", ông Hoằng nói.

Tuy nhiên Ngô Sĩ Tồn đã tỏ ra lúng túng khi đề cập đến các công trình quân sự trên đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp, xây dựng (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

"Bất kỳ căn cứ quân sự nào chúng tôi xây dựng là để đảm bảo an toàn cho các nhân viên Trung Quốc và công trình liên quan. Bất kỳ người bình thường nào cũng có thể thấy những tiền đồn nhỏ bé không thể có vai trò gì trong một cuộc xung đột quân sự", ông Ngô Sĩ Tồn lập luận.

Ông Thời Ân Hoằng, Đại học Nhân dân Trung Quốc.
Ông Thời Ân Hoằng, Đại học Nhân dân Trung Quốc.

Ông Tồn nói rằng, Bắc Kinh sẽ "chia sẻ" nguồn tài nguyên dầu khí ở Biển Đông (?!) theo cái ông gọi là "thỏa thuận phát triển khai thác chung trong khu vực, dưới sự kiểm soát của Trung Quốc."

Vài lời bình luận: Nhân dân các nước ven Biển Đông không ai muốn chiến tranh đối đầu với Trung Quốc, không ai muốn xung đột quân sự nổ ra. Tuy nhiên, cả khu vực này cũng không ai muốn chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp quốc gia mình bị xâm phạm, vùng biển quốc tế rộng lớn thành ao nhà của Trung Quốc.

Việc ông Ngô Sĩ Tồn, ông Thời Ân Hoằng phải lên truyền thông trấn an dư luận rằng Trung Quốc không dùng chiến tranh để đánh chiếm các thực thể ở Biển Đông không thể che lấp được sự thật những gì đã, đang và sẽ diễn ra ở Biển Đông.

Những tiền đồn quân sự khổng lồ, lực lượng hải quân và hải quân trá hình hùng hậu và hùng hổ đang hàng ngày hoành hành và reo rắc nỗi bất an trên biển không phải Trung Quốc dựng lên để chơi hay chỉ nhằm hù dọa.

Nếu quả thực Trung Quốc thiện chí như lời quý vị nói, hãy dừng ngay việc bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa bất hợp pháp đảo nhân tạo ở Trường Sa. Dừng ngay việc bắt bớ đánh đập ngư dân nước khác, ra trước cơ quan tài phán quốc tế để nói rõ đúng sai. Còn không chỉ là những lời đầu môi chót lưỡi hòng nghi binh, đánh lừa dư luận.

Hai vị học giả Trung Quốc này nói họ chỉ muốn đàm phán, nhưng xin lưu ý, phải chăng là quý vị muốn đàm phán ở tư thế "gí súng vào đầu" láng giềng bằng các công trình quân sự khổng lồ bất hợp pháp này?

Trung Quốc muốn khai thác chung nếu nói như ông Ngô Sĩ Tồn thì khác gì kiểu cướp bát cơm người khác rồi "thí" lại cho nạn nhân chút ít với điều kiện, phải thừa nhận bát cơm vốn là của mình, giờ là của Trung Quốc để được chia phần?

Ông Thời Ân Hoằng nói Trung Quốc sẽ không "chiến tranh vô cớ", tức là nếu có một cái cớ mà quý vị cho là hợp lý, Trung Quốc vẫn có thể thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với láng giềng trên Biển Đông? Những cái cớ này nếu thực sự Trung Quốc muốn tạo ra thì sẽ không thiếu.

Cuộc đấu tranh chống lại các hành vi bành trướng, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế nhằm xưng hùng, xưng bá ở Biển Đông sẽ ngày càng khó khăn hơn, nhưng các bên liên quan cũng sẽ ngày càng đoàn kết bảo vệ công lý và lẽ phải, bảo vệ không gian sinh tồn của quốc gia dân tộc mình cũng như một tuyến đường hàng hải huyết mạch trọng yếu hàng đầu của thế giới.

Hồng Thủy