The Guardian ngày 24/1 có bài phân tích, Trung Quốc đã phản ứng với kết quả cuộc bầu cử tại Đài Loan bằng một cuộc "tấn công comments" nhằm vào tài khoản Facebook của bà Thái Anh Văn, tân lãnh đạo tối cao Đài Loan vừa trúng cử. Đồng thời Bắc Kinh cũng phát sóng video tập trận đổ bộ ở eo biển Đài Loan trên sóng truyền hình quốc gia.
Tiến sĩ Thái Anh Văn, tân lãnh đạo Đài Loan, ảnh: Ritchie B. Tongo / EPA. |
Dù Bắc Kinh luôn chối bỏ những hành động này là nhằm uy hiếp tinh thần bà Thái Anh Văn và đảng Dân Tiến, nhưng theo The Guardian, trên thực tế nó là một phần trong những tính toán của Trung Quốc. Cái đầu lạnh của bà Thái Anh Văn không quá lo sợ vì chuyện này, nhưng nó không phải dấu hiệu tốt cho tương lai khi bà lên nắm quyền ở Đài Loan.
Trung Quốc ngày nay không chỉ phát triển nhanh và mạnh về kinh tế, mà còn bành trướng về lãnh thổ trên Biển Đông với hoạt động bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa (bất hợp pháp) đảo nhân tạo. Bàn tay Bắc Kinh can thiệp vào đời sống chính trị Hồng Kông ngày một rõ ràng.
Từ khi lên nắm quyền năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ôm tham vọng giải quyết vấn đề Đài Loan trong thời gian tại chức của mình. Mặc dù ông đã mở rộng đáng kể quan hệ với ông Mã Anh Cửu, lãnh đạo Đài Loan đương nhiệm từ Quốc Dân đảng, đối thủ bị đảng Cộng sản Trung Quốc đánh bại trong cuộc nội chiến phải bỏ chạy ra Đài Loan năm 1949, nhưng kết quả không như những gì đã dự kiến.
Hầu hết người dân Đài Loan không cảm thấy lợi ích đến với bản thân mình ngoài một số chủ doanh nghiệp trong quan hệ làm ăn với Trung Quốc. Ngược lại nhiều người trong số họ lo ngại về hệ lụy từ những liên kết chính trị, kinh tế mới giữa hai bờ eo biển.
Đó là lý do tại sao ông Tập Cận Bình gặp ông Mã Anh Cửu tháng 11 năm ngoái đã góp phần làm cho Quốc Dân đảng thảm bại trong cuộc bầu cử lãnh đạo tối cao và cơ quan lập pháp vừa qua. Cuộc gặp này càng đẩy nhanh sự suy yếu của Quốc Dân đảng trên chính trường Đài Loan.
Trong nhiều năm qua các cuộc thăm dò ý kiến ở Đài Loan đều cho thấy phần lớn người dân đảo này muốn giữ nguyên hiện trạng, duy trì cuộc sống riêng biệt chứ không chính thức tuyên bố độc lập, bởi họ hiểu đó sẽ là điều Bắc Kinh không chịu nổi.
Mối quan tâm của người dân Đài Loan hiện nay là làm sao cải thiện đời sống kinh tế, đừng quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, tạo thêm nhiều việc làm có chất lượng cho thế hệ trẻ được đào tạo rất tốt. Họ bỏ phiếu cho bà Thái Anh Văn và hy vọng bà sẽ mang lại những thay đổi như họ mong muốn.
Tiến sĩ Thái Anh Văn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng mong đợi của cử tri. Bắc Kinh có thể sẽ thực hiện chính sách chống phá nội các của Dân Tiến đảng bằng cách "hối lộ và bắt nạt" một số ít quốc gia hiện còn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan, thu hẹp không gian của Đài Loan trong các tổ chức quốc tế.
Trung Quốc cũng có thể ép Đài Loan phải rời bỏ các tổ chức đa phương, các định chế thương mại, cắt giảm khách du lịch sang Đài Loan, một nguồn thu nhập quan trọng. Ngay cả khi Trung Quốc không làm những điều này, nền kinh tế Đài Loan cũng đã đang bộc lộ những vấn đề nghiêm trọng về cơ cấu cần giải quyết.
Thời điểm này Dân Tiến đảng và bà Thái Anh Văn cần hết sức thận trọng trong lời ăn tiếng nói, bởi nói sai một câu có thể dẫn đến những phản ứng căng thẳng mà không bên nào muốn.
Tiến sĩ Thái Anh Văn sẽ phải vận dụng vốn ngôn ngữ của mình để nói về "nhận thức chung 1992" hay nguyên tắc "một Trung Quốc" làm sao để tránh sỉ nhục Bắc Kinh quá nhiều, nhưng không khiến bà phản bội lại mong muốn của cử tri đã bỏ phiếu cho mình.
Trên Biển Đông, nếu bà tiếp tục gợi ý thay đổi lập trường, yêu sách của Đài Loan mà hiện tại về cơ bản giống với Trung Quốc (đảng Cộng sản Trung Quốc sao chép lại của Quốc Dân đảng), đó sẽ là một đòn khiêu khích đối với Trung Quốc.
Khó khăn thực sự của Trung Quốc là khi gặp tình thế đảo ngược họ không có "số lùi". Hy vọng tốt nhất cho những năm tiếp theo là Tiến sĩ Thái Anh Văn sẽ là một nhà chính trị kiên cường, kiểm soát vững chắc, thận trọng và khôn ngoan, có lẽ Bắc Kinh sẽ bằng lòng với những điều đó.