Thị trường chứng khoán tuần vừa qua chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng trên toàn sàn do hiệu ứng lan truyền bắt nguồn từ thị trường chứng khoán Trung Quốc và giá dầu giảm mạnh trong thời gian qua.
Theo đó, VnIndex đã giảm từ 574,41 điểm ngày 4/1/2016 xuống còn 522,24 điểm ngày 22/01/2016 (giảm 9,08%). Hầu hết các mã chứng khoán chủ chốt và ngành ngân hàng đều giảm và cổ phiếu BID cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên, trong năm 2015, BID đã có bước lội ngược dòng ấn tượng từ đầu năm cho đến cuối năm khi giá cổ phiếu của ngân hàng này đã tăng đến 90%. Liệu kịch bản này có lặp lại với BID trong năm 2016.
Thực tế thì tín hiệu đó đã xuất hiện khi mở phiên giao dịch ngày 25/01/2016. Cổ phiếu BID sau đợt giảm giá chung của toàn thị trường đã tăng kịch trần với khối lượng giao dịch lên tới gần 2 triệu cổ phiếu chỉ trong 40 phút giao dịch đầu phiên.
Trước đó, theo Kênh thông tin tài chính - kinh tế Bloomberg nhận định, trong năm 2015, cổ phiếu của 3 ngân hàng lớn nhất Việt Nam đã tăng khoảng 62%. Trong đó, BIDV được bình chọn là cổ phiếu thị trường cận biên (frontier market) tăng trưởng tốt nhất trong năm 2015.
Cụ thể, giá cổ phiếu của BIDV đã tăng đến 90% trong năm 2015. Sau 2 năm niêm yết chính thức kể từ đầu năm 2014, năm 2015 là một năm thành công đối với cổ phiếu BID khi tăng trưởng ấn tượng về giá, thanh khoản ổn định và liên tục được khối ngoại mua vào.
BID nằm trong Top 10 công ty niêm yết lớn nhất sàn HOSE năm 2015 và được bình chọn là cổ phiếu thị trường cận biên (frontier market) tăng trưởng tốt nhất trong năm 2015.
Năm 2015, BID là cổ phiếu có mức tăng giá cao nhất trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, BID tăng 77% trong khi VCB và CTG tăng lần lượt 40,61%, 40,44% so với đầu năm. Mức tăng trưởng của BID rất ấn tượng trong khi mức tăng của chỉ số VnIndex là 6,35%, và mức tăng trung bình của nhóm 8 ngân hàng niêm yết (22%).
Việc cổ phiếu BID tăng giá mạnh như vậy trong năm vừa qua tương đồng với xu hướng chung của nhóm cổ phiếu ngân hàng được đánh giá là đến từ những thông tin hỗ trợ mang tính cơ bản chứ không chỉ mang tính đầu cơ thuần túy.
Nguồn: stoxplus.com |
Trong 6 tháng đầu năm, cùng với nhóm cổ phiếu ngân hàng trở thành động lực của thị trường, BID có khối lượng giao dịch trung bình 2,3 triệu cổ phiếu/phiên, thuộc nhóm có thanh khoản đứng đầu thị trường.
Trong 6 tháng cuối năm, kể cả trong những thời điểm thanh khoản của toàn thị trường suy yếu trên dưới 1.000 tỷ đồng, VnIndex quanh mức 560 điểm trong tháng 09/2015 thì BID vẫn giữ khối lượng giao dịch tương đối tốt.
Tính chung cả năm, BID có khối lượng giao dịch trung bình cả năm khá cao trên thị trường đạt 1,9 triệu cổ phiếu/phiên, cao hơn VCB và tương đương CTG.
Nguồn: vietstock.vn. |
Với 188/248 phiên mua ròng cổ phiếu BID, nhà đầu tư nước ngoài đã đưa tỷ lệ sở hữu cổ phiếu BIDV tăng trên 4 lần từ mức 16,6 triệu cổ phiếu ngày 31/12/2014 lên 69 triệu cổ phiếu tính đến 31/12/2015, nắm giữ 43% lượng cổ phiếu BID tự do chuyển nhượng (tương đương 2% tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết).
Khối lượng giao dịch trung bình của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu BID là 168.000 cổ phiếu/phiên.
Nguồn: vietstock.vn. |
Ngày 26/11/2015, BIDV đã niêm yết bổ sung hơn 607 triệu cổ phiếu từ cổ phiếu hoán đổi khi sáp nhập MHB vào BIDV và phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu nâng tổng khối lượng giao dịch lên 3,4 tỷ cổ phiếu.
Với mức giá 20.600 đồng vào ngày 31/12/2015, vốn hóa thị trường của BID đạt hơn 70.000 tỷ, tăng 90% so với mức vốn hóa đầu năm 2015 (2,8 tỷ cổ phiếu với mức giá 12.900 đồng/cổ phiếu ngày 5/1/2015).
Tỷ trọng vốn hóa thị trường của BID chiếm khoảng 6% trong tổng mức vốn hóa toàn thị trường (theo thống kê HSX là 1,147 triệu tỷ đồng).
Hiện BID vẫn đang nằm trong top 10 cổ phiếu có vốn hóa dẫn đầu chiếm hơn 60% tổng giá trị vốn hóa thị trường trong đó đứng đầu là VNM chiếm tỷ lệ hơn 13%.
Với những con số ấn tượng nói trên, BID đã khẳng định vị thế cổ phiếu dẫn đầu thị trường thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước.
Mặc dù đã tăng mạnh trong năm 2015 nhưng P/E của BID vẫn tương đối hấp dẫn so với các cổ phiếu ngân hàng ở mức 10,31 lần trong khi VCB là 23,66 và CTG là 11,7 (tại ngày 31/12/2015), thấp hơn trung bình của Top 5 ngân hàng có mức vốn hóa lớn nhất thị trường (VCB, CTG, BIDV, STB, MBB).
Theo báo cáo sơ bộ về kết quả kinh doanh năm 2015 mà các Ngân hàng vừa công bố, có thể thấy lợi nhuận ngân hàng chủ yếu tập trung ở ba ông lớn là BIDV, Vietinbank và Vietcombank.
Trong 3 ngân hàng nổi bật nhất phải kể đến BIDV với lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2015 đạt 7.466 tỷ đồng, tăng trưởng 17%; Vietinbank là 7.360 tỷ đồng, tăng trưởng 0,8%; Vietcombank là 6.829 tỷ đồng, tăng trưởng 16,2%. Cùng với đó, tổng tài sản BIDV đạt trên 857 ngàn tỷ đồng và cũng trở thành Ngân hàng TMCP có quy mô dẫn đầu thị trường.
Đặc biệt, hoạt động Ngân hàng Bán lẻ của BIDV có sự biến đổi cả về lượng và chất khi BIDV xác định rõ mục tiêu vươn lên chiếm thị phần lớn thứ nhất khối Ngân hàng TMCP trên thị trường về quy mô hoạt động bán lẻ: Dư nợ tín dụng bán lẻ hết năm 2015 đạt hơn 140 ngàn tỷ, chiếm 23% tổng dư nợ. Lãnh đạo BIDV cũng đặt ra cho mình một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh 2016 chủ yếu như: Tín dụng tăng trưởng 20%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%, phấn đấu dưới 2%. Huy động vốn tăng trưởng 21-22%, cân đối vốn an toàn – hiệu quả…
Với nền kinh tế đang trên đà phát triển, kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2015, mục tiêu rõ ràng của năm 2016, kịch bản BID lội ngược dòng với những cú nhảy ngoạn mục trong năm con Khỉ có xác suất là khá lớn.